Mở lon cá hồi hết hạn, các nhà khoa học phát hiện điều bất ngờ bên trong

Minh Khôi

(Dân trí) - Lon cá hồi đóng hộp hết hạn hàng chục năm trở thành "kho lưu trữ" sinh thái, khi cất giấu mẫu vật quan trọng.

Mở lon cá hồi hết hạn, các nhà khoa học phát hiện điều bất ngờ bên trong - 1

Đối với đa số chúng ta, những lon thực phẩm đóng hộp sau khi hết hạn ắt hẳn sẽ chẳng còn mang lại giá trị sử dụng. Tuy nhiên đối với các nhà khoa học, chúng có thể là một "kho báu", khi ẩn chứa bên trong là kho lưu trữ sinh thái phong phú, đa dạng.

Những gì chúng ta nói đến ở đây không phải là thức ăn, mà là những ký sinh trùng còn sót lại bên trong, thường là giun hay một số loài bọ.

Bằng việc thu hồi 178 lon cá hồi được sản xuất trong khoảng thời gian 1979 - 2021, nhà ký sinh trùng học Natalie Mastick và Chelsea Wood từ Đại học Washington phát hiện thấy nhiều lon có chứa giun ký sinh trùng ở tình trạng nguyên sơ. Đa số chúng là giun anisakid.

Đây là loài ký sinh trùng biển, dài khoảng 1cm, và hoàn toàn vô hại với con người do chúng đã chết trong quá trình đóng hộp.

Mặc dù các kỹ thuật được sử dụng để bảo quản cá hồi không giữ được giun ở tình trạng nguyên sơ, nhưng các nhà nghiên cứu vẫn có thể mổ xẻ từng miếng phi lê và tính toán số lượng giun trên mỗi gram cá hồi.

Mở lon cá hồi hết hạn, các nhà khoa học phát hiện điều bất ngờ bên trong - 2

Giun ký sinh trùng còn sót lại trên miếng cá hồi là "kho báu" đối với các nhà khoa học trong việc giải mã những bí ẩn của hệ sinh thái biển (Ảnh: nhóm nghiên cứu).

Họ phát hiện thấy số lượng giun có sự chênh lệch đáng kể ở những loài cá hồi khác nhau. Cụ thể, cá hồi chum và cá hồi hồng có lượng giun tăng theo thời gian. Nhưng cá hồi đỏ hoặc cá hồi coho lại hoàn toàn ngược lại.

Mặc dù chưa thể giải mã được bí ẩn này, song các nhà khoa học tỏ ra vô cùng thích thú, vì trước đây họ chưa từng phát hiện thấy điều tương tự. Mastick và các đồng nghiệp thậm chí cho rằng, cách tiếp cận mới lạ này nên được thúc đẩy để mở rộng ra nhiều khám phá khoa học hơn nữa.

"Mọi người đều nghĩ rằng giun trong cá hồi là dấu hiệu cho thấy mọi thứ đã không ổn", Chelsea Wood lý giải. "Tuy nhiên trái lại, sự hiện diện của chúng lại là tín hiệu cho thấy cá trên đĩa của bạn đến từ một hệ sinh thái lành mạnh".

Theo chuyên gia này, giun anisakid xâm nhập vào chuỗi thức ăn khi chúng bị tiêu hóa bởi các loài nhuyễn thể. Đây là cách chúng xâm nhập vào cá hồi, và cuối cùng là ruột của các loài động vật có vú ở biển.

Tại đây, giun hoàn thành vòng đời bằng cách sinh sản. Trứng của chúng được động vật có vú bài tiết ra đại dương, và một chu kỳ mới lại bắt đầu.

Bởi vậy nếu không có vật chủ, như cá hồi, hay động vật có vú ở biển, giun anisakid sẽ không thể hoàn thành vòng đời của chúng, và số lượng của loài này sẽ giảm mạnh.