Mảnh vỡ tên lửa nặng 3 tấn đâm thủng Mặt Trăng

Minh Khôi

(Dân trí) - Sự việc đánh dấu vụ va chạm không chủ ý đầu tiên xảy ra ở bề mặt Mặt Trăng liên quan đến một vật cứng không gian, không tính các tàu thăm dò bị rơi trong nỗ lực hạ cánh xuống Mặt Trăng.

Mảnh vỡ tên lửa nặng 3 tấn đâm thủng Mặt Trăng - 1

Nguồn gốc mảnh vỡ lao vào Mặt Trăng vẫn đang được làm rõ.

Ngày 4/3, một mảnh vỡ từ tên lửa không xác định (còn được gọi với mã danh WE0913A) được cho là kết thúc chuyến phiêu lưu không gian kéo dài 7 năm bằng cách lao thẳng vào bề mặt của Mặt Trăng. 

Theo các chuyên gia, sự kiện đã diễn ra lúc 19 giờ 25 phút (theo giờ Việt Nam). Tuy nhiên, do vị trí nằm ở nửa tối của Mặt Trăng, nên vụ nổ không lọt vào tầm quan sát của các kính thiên văn đặt trên mặt đất.

NASA cho biết mặc dù các tàu vũ trụ của cơ quan này không ở vị trí thuận lợi để theo dõi vụ va chạm, nhưng vẫn cam kết sẽ tìm ra miệng núi lửa gây ra sau vụ nổ, cũng như xác định nguồn gốc tên lửa va phải Mặt Trăng trong một quá trình có thể kéo dài mất vài tuần hoặc vài tháng.

Sự việc đánh dấu vụ va chạm không chủ ý đầu tiên xảy ra ở bề mặt Mặt Trăng liên quan đến một vật cứng không gian, không tính các tàu thăm dò bị rơi trong nỗ lực hạ cánh xuống Mặt Trăng.

Các phân tích ban đầu từ nhà thiên văn học Bill Gray cho rằng đây có thể là một phần của tên lửa SpaceX Falcon 9, phóng từ Trạm quan sát Khí hậu Không gian Sâu (DSCOVR) vào tháng 2/2015.

Mảnh vỡ tên lửa nặng 3 tấn đâm thủng Mặt Trăng - 2

Vị trí tên lửa đâm vào phía xa của Mặt Trăng ngày 4/3/2022 (Ảnh: NASA).

Tuy nhiên sau đó, Gray đã sửa lại phân tích của mình sau khi thảo luận với các nhà thiên văn học khác gồm Jonathan McDowell và Harvard Smithsonian - những người thường theo dõi các vệ tinh và các mảnh vỡ không gian.

Nghiên cứu của Gray và các đồng nghiệp cho rằng vật thể này thực chất là một phần của tên lửa Trường Chinh 3C (Long March 3C), nằm trong sứ mệnh Hằng Nga 5-T1 (Chang'e 5-T1) của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Trung Quốc năm 2014.

Tuy nhiên, vào ngày 21/1, Wang Wenbin, Cục trưởng Cục Thông tin Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã lên tiếng phủ nhận trách nhiệm, cho rằng mảnh vỡ này không phải là tên lửa của Trung Quốc. Ông cũng khẳng định tên lửa trong sứ mệnh Chang'e 5 đã quay trở lại bầu khí quyển của Trái Đất sau khi hoàn thành nhiệm vụ và "bốc cháy hoàn toàn".

Những tranh cãi liên quan tới vụ va chạm mới xảy ra làm nổi bật mối quan tâm của cộng đồng khoa học quốc tế về tác động của những mảnh vỡ "trôi dạt", đặc biệt là khi có ngày càng nhiều các sứ mệnh không gian được triển khai.

Theo www.space.com