"Khối xây dựng sự sống" được tìm thấy trên Sao Hỏa

Minh Khôi

(Dân trí) - Kết cấu của "đá núi lửa" ở Sao Hỏa có thể giúp tái hiện lại các thời kỳ địa chất, đặc biệt là thời kỳ Sao Hỏa ngập nước - cũng là giai đoạn mà hành tinh Đỏ được cho là có tồn tại sự sống.

Khối xây dựng sự sống được tìm thấy trên Sao Hỏa - 1

Khu vực núi lửa trên Sao Hỏa có thể sẽ tiết lộ cách thức mà các khối địa chất được hình thành, từ đó khẳng định có tồn tại sự sống hay không trên hành tinh Đỏ (Ảnh: NASA).

Trong một phát hiện mới đây, NASA đã tìm thấy các hợp chất hữu cơ có chứa chứa liên kết carbon - hydro trong một số loại đá mà họ nghiên cứu được tại miệng núi lửa Jezero của Hành tinh Đỏ.

Mặc dù chưa thể coi đây là việc phát hiện sự sống trên Sao Hỏa, song có thể khẳng định rằng chúng ta đã tìm thấy các "khối xây dựng sự sống", vì hợp chất hữu cơ có thể tạo ra bằng cả quá trình sinh học và phi sinh học.

Thành tựu kể trên được xem là một cột mốc quan trọng đối với dự án của NASA, vì nhóm nghiên cứu trước đó đã không thể phân biệt được nơi mà robot tự hành Perseverance hạ cánh có phải núi lửa hay không.

"Chúng tôi từng thất vọng, và lo ngại rằng sẽ không bao giờ tìm ra câu trả lời", Ken Farley - nhà khoa học của dự án cho biết. "Nhưng ngay sau đó, thiết bị PIXL của chúng tôi đã có một cái nhìn tốt về khối đá mài mòn từ khu vực có biệt danh là "Nam Séítah".

Khối xây dựng sự sống được tìm thấy trên Sao Hỏa - 2

Robot Perseverance đang mang đến những tín hiệu tích cực từ Sao Hỏa (Ảnh: NASA).

Theo đó, khu vực địa chất mà robot Perseverance đã di chuyển qua kể từ khi hạ cánh vào tháng 2/2021 rất có thể từng được hình thành bởi magma nóng đỏ.

Nhóm nghiên cứu cũng tuyên bố rằng đá trong miệng núi lửa có thể tương tác với nước nhiều lần qua các ion và một số trong số chúng có chứa các phân tử hữu cơ.

Luther Beegle - nhà khoa học hành tinh tại Phòng thí nghiệm Sức đẩy phản lực của NASA cho biết đây không phải lần đầu tiên cơ quan vũ trụ này tìm thấy vật liệu hữu cơ. Trước đó, robot Curiousity của NASA, hiện đang làm nhiệm vụ tại khu vực Gale Crater của Sao Hỏa - cũng đã có phát hiện tương tự.

"Khi những mẫu vật này được trả về Trái đất, chúng sẽ là nguồn nghiên cứu và khám phá khoa học trong nhiều năm", Luther cho biết.

Theo tính toán của các nhà khoa học, kết cấu của "đá núi lửa" ở Sao Hỏa sẽ tiết lộ cách mà các khối địa chất được hình thành, cũng như bị nước biến đổi ra sao. Quá trình này có thể giúp tái hiện lại các thời kỳ địa chất, đặc biệt là thời kỳ Sao Hỏa ngập nước - cũng là giai đoạn mà hành tinh Đỏ được cho là có tồn tại sự sống.