Khoảnh khắc tên lửa Trung Quốc rơi xuống Trái Đất "thắp sáng" bầu trời đêm

Minh Khôi

(Dân trí) - Video được quay bởi một người dùng Twitter cho thấy các mảnh vỡ từ tên lửa Long March 5B bốc cháy, thắp sáng cả một vùng trời trước khi rơi xuống biển Ấn Độ Dương.

Khoảnh khắc tên lửa Trung Quốc rơi xuống Trái Đất "thắp sáng" bầu trời đêm

Sulaiman, người quay lại đoạn video và những người bạn của anh ban đầu đã nhầm lẫn đây là một trận mưa sao băng, ngay cả sau khi đăng tải lên mạng xã hội Twitter.

Tuy nhiên, các nhà thiên văn học đã xác định đây thực ra là một phần các mảnh vỡ của tên lửa Long March 5B (Trường Chinh 5B) do Trung Quốc sản xuất, đã quay trở lại bầu khí quyển của Trái Đất vào ngày 30/7.

Cũng trong khoảng thời gian này, Bộ Tư lệnh Không gian Mỹ đã lên tiếng xác nhận tên lửa Long March 5B quay trở lại bầu khí quyển của Trái Đất lúc 12:45 tối, theo múi giờ ET.

Người đứng đầu Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA), ông Bill Nelson đã chỉ trích Trung Quốc vô trách nhiệm và mạo hiểm khi không chia sẻ thông tin về sự cố này.

Khoảnh khắc tên lửa Trung Quốc rơi xuống Trái Đất thắp sáng bầu trời đêm - 1

Tên lửa đẩy Long March 5B được Trung Quốc phóng ngày 24/7.

Theo Trung tâm Nghiên cứu mảnh vỡ và quỹ đạo của The Aerospace Corporation, vẫn còn ít nhất từ 5 - 9 tấn mảnh vỡ của Long March 5B đang trên đường rơi xuống mặt đất. Chúng có thể gây ra thương tích cho người dân, hay thiệt hại về cơ sở hạ tầng nếu rơi vào khu đông dân cư.

Được biết, đây là lần thứ 3 phần thân lõi của Long March 5B đi vào quỹ đạo sau khi phóng và rơi trở lại Trái Đất một cách thiếu kiểm soát. Các chuyên gia cho rằng dường như đây là một đặc điểm của tên lửa này, chứ không phải bị lỗi.

Vụ phóng tên lửa Long March 5B là một phần trong sứ mệnh xây dựng Trạm Vũ trụ Thiên Cung của Trung Quốc, với việc mang theo một mô-đun lên trạm này vào hôm 24/7.

Tính đến nay, 2 mô-đun đầu tiên đã được đưa lên và kết nối thành công. Mô-đun thứ ba và cũng là phần cuối cùng của trạm không gian dự kiến sẽ được phóng lên trong năm nay.