Ước gì giáo viên được đánh giá thật, báo cáo thật trong dạy học

Loát Trần

(Dân trí) - Bản thân tôi là một giáo viên nên tôi hiểu "nỗi khổ" của thầy cô khi phải chạy theo thành tích. Chỉ tiêu đã giao thì thầy cô bắt buộc phải hoàn thành .

Đọc bài viết "Không hiểu nổi" khi học sinh toàn... giỏi" của tác giả Hoài Nam đăng trên báo Dân trí một lần nữa khiến chúng ta phải suy ngẫm về căn bệnh thành tích nghiêm trọng trong ngành Giáo dục hiện nay.

Ước gì giáo viên được đánh giá thật, báo cáo thật trong dạy học - 1

Hãy cho phép thầy cô được đánh giá học sinh một cách trung thực (Ảnh: minh họa).

Thành tích cao nhưng nhiều người lại không thích chút nào. Không ít người cũng "không hiểu nổi" vì sao bây giờ các trường lại có quá nhiều học sinh giỏi như thế?

Bây giờ chúng ta chẳng lạ gì khi cả lớp đều là học sinh khá giỏi, thậm chí toàn học sinh giỏi. Giấy khen được trao cho cả lớp. Cuối năm học ai cũng được khen vì thành tích xuất sắc.

Những con số báo cáo luôn cao ngất ngưởng. Ai cũng trầm trồ chúc mừng thành tích mà thầy trò đạt được. Phụ huynh thì khoe con tràn lan trên Facebook và Zalo. Có lẽ chỉ những người trong cuộc mới hiểu rõ thành tích ấy của các em là thật hay ảo.

Thông thường đầu năm học, ban giám hiệu sẽ giao chỉ tiêu cụ thể cho từng tổ. Chất lượng từng môn ra sao. Tỉ lệ học sinh khá giỏi như thế nào? Sau đó tổ sẽ giao đến cho giáo viên. Chỉ tiêu đã giao rồi, thầy cô cứ thế mà thực hiện. Ai không hoàn thành sẽ bị hạ điểm thi đua. Thế là nhiều thầy cô dù muốn hay không cũng buộc lòng phải cố gắng để hoàn thành.

Cô bạn gái của tôi dạy ở trường điểm có tiếng ở thành phố tâm sự: Chỉ tiêu đầu năm trường giao luôn cao ngất ngưởng. Các lớp cuối cấp phải đạt 100% tốt nghiệp. Tỉ lệ khá - giỏi bắt buộc là 60% trở lên. Năm nào cũng như vậy. Chỉ tiêu chỉ được bằng hoặc cao hơn năm trước. Khổ thế, nhiều khi bị stress cũng chỉ vì cố gắng chạy theo thành tích.

Mùa thi về, chấm điểm cứ theo kiểu mắt nhắm mắt mở cho xong. Ngay cả khi hoàn thành rồi vẫn bị stress vì thấy mình giả dối, ray rứt lương tâm. Ước gì bây giờ giáo viên được đánh giá thật, báo cáo thật trong dạy học.

Bản thân tôi là một giáo viên nên tôi hiểu "nỗi khổ" của thầy cô khi phải chạy theo thành tích. Chỉ tiêu đã giao thì thầy cô bắt buộc phải hoàn thành thôi. Mình đâu có được quyết định điều đó.

Nhiều khi buồn lòng nhưng chẳng biết làm sao. Mà cứ chấm kiểu thoáng kiểu như bây giờ thì trò chẳng bao giờ thèm học. Có em thì học đối phó cho qua những kì thi. Thành thử chúng ta chẳng lạ gì khi học sinh khá thi tuyển 10 vẫn bị liệt. Học sinh trung bình viết tên mình không đúng. Thôi thì buồn đấy nhưng biết làm sao được.

Đọc bài viết, tôi thật sự tâm đắc với câu nói của tác giả Hoài Nam: "Học sinh chúng ta giỏi hay cách đánh giá của chúng ta đang chạy theo thành tích? Biết bao nhiêu đứa trẻ đang phải khoác lên mình chiếc áo quá rộng?

Vâng, đây chính là điều mà rất nhiều người đang trăn trở nhưng chưa biết giải quyết như thế nào. Ai cho phép thầy cô được đánh giá nghiêm túc với học trò?

Có lẽ đã đến lúc chúng ta cần quyết liệt hơn nữa trong đổi mới giáo dục. Xin hãy cho phép thầy cô được đánh giá học sinh một cách trung thực.

Xin đừng bắt giáo viên phải chạy theo chỉ tiêu. Thầy cô không muốn làm điều gian dối nữa.

Chúng ta cần phải học thật, đánh giá thật. Đúng như lời nhắn gởi mong ước của Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên: "Giáo dục phải trung thực, không thành tích ảo".