Trường tư thục bị "áp" thời gian năm học như trường công là chưa hợp lý

Mỹ Hà

(Dân trí) - Góp ý về thông tư 13/2011/TT- BGDDT, nhiều hiệu trưởng trường phổ thông tư thục cho rằng, nếu "áp" thời gian bắt đầu năm học của trường tư thục như trường công là không hợp lý.

Ngày 4/3, lãnh đạo nhiều trường phổ thông tư thục ở Hà Nội tổ chức tọa đàm lấy ý kiến đóng góp về thông tư 13/2011/TT- BGDDT (gọi tắt là quy chế 2011).

Được biết, Thông tư 13 của Bộ GD&ĐT ban hành ngày 28/3/2011 về quy chế tổ chức và hoạt động của trường phổ thông tư thục.

Thông tư này được chính các trường tư nhận xét, có giá trị thực tiễn rất cao, phát huy hiệu quả trong thực tế, giúp các trường phổ thông tư thục vững tâm tồn tại và phát triển.

Tuy nhiên, để phù hợp với Luật giáo dục 2019, cần phải sửa đổi quy chế tổ chức và hoạt động của các trường phổ thông tư thục theo đúng đặc thù, không phải "nắn" theo cách thức hoạt động của trường công lập.

Thầy Nguyễn Văn Hòa - Chủ tịch HĐQT Hệ thống giáo dục Nguyễn Bỉnh Khiêm cho rằng, quy chế 2011 là sản phẩm trí tuệ và kinh nghiệm hoạt động của Bộ Giáo dục và Đào tạo đối với các trường ngoài công lập. Phải mất rất nhiều năm, Bộ GD&ĐT mới ra được văn bản đầy đủ và sát thực tiễn như vậy.

Quy chế này đã phát huy hiệu quả trong thực tế, và là chỗ dựa cho các trường tư thục vững tâm xây dựng và phát triển góp phần phát triển nền giáo dục nước nhà.

Trường tư thục bị áp thời gian năm học như trường công là chưa hợp lý - 1

Trường tư thục cần thời gian để hoạt động ngoại khóa, đó là "thương hiệu", tạo sự khác biệt với trường công lập.

Nay trong tình hình mới, ngày 15/9/2020 Bộ đã ban hành Điều lệ trường trung học cơ sở, trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học thì việc điều chỉnh quy chế này là cần thiết.

Là đơn vị hoạt động dựa trên Điều lệ và Quy chế, thầy Hòa đề nghị, cần giữ nguyên các Điều 3, Điều 7, Điều 11, Điều 12, Điều 13 như Quy chế 2011.

Còn Điều 8, Điều 9, Điều 10 thì cần điều chỉnh để "khớp" với Điều lệ trường trung học cơ sở, trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học, tức là không còn "Hội đồng quản trị" nữa mà giờ đây là "Hội đồng trường".

"Áp" thời gian năm học như trường công là chưa hợp lý

Ở Khoản 3, Điều 14 của quy chế 2011, thầy Hòa đề nghị giữ nguyên.

Cụ thể, Khoản 3, Điều 14 quy định: "Trường phổ thông tư thục cấp THCS, cấp THPT được bổ sung thời gian học tập không quá 4 tuần/năm ngoài quy định đối với trường công lập cùng cấp học nhưng không thu thêm học phí cho thời gian học bổ sung".

"Tôi cho rằng, điều khoản này vô cùng quan trọng phù hợp với xu thế phát triển, phát huy được nguồn lực vì quyền lợi học tập chính đáng.

Nếu không có điều khoản này, các trường tư thục không thể cân đối tài chính để hoạt động, nếu không nói là phá sản", thầy Hòa khẳng định.

Đồng quan điểm trên, thầy Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng Trường Marie Curie đề xuất giữ lại Khoản 3, Điều 14 nhưng ở câu cuối: "Không thu thêm học phí cho thời gian học bổ sung" nên sửa thành: "Học phí cho thời gian học bổ sung do nhà trường thỏa thuận với cha mẹ học sinh".

N.G.Ư.T Nguyễn Phú Cường, Chủ tịch HĐQT hệ thống giáo dục Lô mô nô xốp cũng cho rằng, nếu "áp" thời gian bắt đầu năm học của trường tư thục như trường công là không hợp lý.

Theo phân tích của nhà giáo này, các trường tư thục cần được bổ sung thời gian học tập không quá 4 tuần/năm để thực hiện các chương trình nhà trường.

Hiện nay nhiều học sinh và phụ huynh có nhu cầu nhà trường tổ chức các hoạt động hè, câu lạc bộ, ôn tập củng cố kiến thức cũ cho các em học yếu... trong thời gian nghỉ hè rất bổ ích nên cần ủng hộ.

N.G.Ư.T Nguyễn Thị Hiền, Chủ tịch HĐQT Trường Đoàn Thị Điểm cũng đồng tình bởi lẽ theo yêu cầu, ngoài 80% chương trình chung của Bộ GD&ĐT, trường phổ thông tư thục phải có khoảng 20% thời lượng giành cho các chương trình riêng của đơn vị mình như: Câu lạc bộ, trại hè...

"Những chương trình này là "thương hiệu", tạo sự khác biệt giữa trường tư với trường công lập. 

Không cha mẹ nào bỏ hàng chục triệu mỗi tháng chỉ để học trên lớp. Họ cần cho con em thêm nhiều kĩ năng.

Nếu yêu cầu gói gọn tất cả chương trình và ngoại khóa trong 9 tháng như trường công lập, thì không thể thực hiện được", cô Hiền khẳng định.

Trường tư thục bị áp thời gian năm học như trường công là chưa hợp lý - 2

Ở tuổi ngoài 70, thầy Nguyễn Xuân Khang vẫn hoạt động giáo dục năng nổ. Hàng ngày ông vẫn ra cổng trường đón học sinh. 

Quy định tuổi: Cảm tính và thiếu thực tiễn?

Về quy định "khi đề cử Hiệu trưởng trường tư thục không quá 70 tuổi" ở Điều 13 của Quy chế 2011, thầy Khang đề nghị nên bỏ để phù hợp hơn.

Theo thầy Khang, năm nay mình đã ngoài 70 tuổi. Mặc dù vậy, trong thời gian qua, thầy vẫn hoạt động nhiệt thành với giáo dục. 

"Hội đồng trường tư thục hoàn toàn nắm được sức khỏe và sự minh mẫn của người được đề cử làm hiệu trưởng. Trong thực tiễn, nhiều trường hợp trên 70 tuổi vẫn làm việc rất tốt.

Hiệu trưởng trường tư thục không là công chức, viên chức trong biên chế nhà nước nên không bị điều chỉnh về tuổi của Luật cán bộ, công chức và viên chức.

Định ra giới hạn 70 tuổi đối với hiệu trưởng như Quy chế 2011 là "cảm tính", thiếu cơ sở thực tiễn", thầy Khang nói.

Thầy Nguyễn Phú Cường, Chủ tịch HĐQT hệ thống giáo dục Lô mô nô xốp cũng cho hay, mặc dù có bệnh nhưng hàng chục năm nay, ông vẫn năng nổ hoạt động giáo dục. 

Vậy nên theo thầy Cường, những người đã lập trường, tâm huyết với mô hình giáo dục của mình, đã có uy tín thì rất cần thiết.

N.G.Ư.T Nguyễn Thị Hiền, Chủ tịch HĐQT Trường Đoàn Thị Điểm cũng đưa quan điểm ủng hộ kiến nghị trên.

Theo cô Hiền, trường này từng thuê giáo viên làm hiệu trưởng vì nghĩ rằng mình tuổi đã cao. Tuy nhiên, một thời gian hiệu trưởng này ốm phải nghỉ, bà lại đứng ra điều hành và vẫn ổn định.

Do vậy, hiệu trưởng này cũng đồng tình với đề xuất bỏ quy định hạn chế "khi đề cử không quá 70 tuổi" với hiệu trưởng trường tư thục.