Thi tốt nghiệp THPT: Nhớ những điều này để làm tốt bài thi Vật lý

Nguyễn Liên

(Dân trí) - Chiến thuật để đạt điểm cao môn Vật lý là tiến hành làm bài thi theo 4 bước: đọc bài, làm bài, tô bài và soát bài với một số lưu ý cụ thể.

Dưới đây là chia sẻ về chiến thuật làm bài thi Vật lý hiệu quả của thầy Trần Quang Quý, giáo viên Vật lý tại Hà Nội.

Chiến thuật làm bài thi môn Vật lý

Theo thầy Quý, cách tốt nhất để đạt điểm cao là tiến hành làm bài thi theo 4 bước: đọc bài, làm bài, tô bài và soát bài với những lưu ý sau.

Đọc bài - làm bài

Khi đọc đề thi, các em cần gạch, đánh dấu đầu câu để nhìn vào đó dễ dàng soát được câu nào làm rồi, câu nào chưa làm. Thứ hai, phải gạch chân những từ ngữ, số liệu quan trọng trong câu hỏi vì đề thi rất hay bẫy và ẩn các trạng thái dữ liệu ở ngôn từ. Nhiều bạn chỉ nhìn số liệu, không nhìn ngôn từ và đơn vị sẽ dễ thấy "bí", bị đề thi đánh lừa. Ví dụ về bẫy trong ngôn từ như: "giá trị" khác với "độ lớn".

Nguyên tắc đọc là câu lý thuyết đọc trước, bài tập đọc sau; câu nào ngắn đọc trước, câu dài đọc sau, không làm lần lượt vì chưa thể xác định ngay câu nào khó dễ. Câu nào cảm thấy nghi ngờ về đáp án hoặc chưa làm được thì đặt câu hỏi chấm, để cuối giờ làm tiếp.

Nếu thực hiện bước đọc như trên, các em sẽ hạn chế rất nhiều sai lầm.

Lưu ý, vì trong cấu trúc đề thi thường có 4 nhóm bài tập gồm nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao nên khi làm bài, các em nên chia thành 4 đợt tương ứng. Với mỗi đợt, nên đánh dấu đầu câu theo một kiểu đáp án (ví dụ đợt một khoanh tròn, đợt hai tích V, đợt ba đánh dấu sao, đợt bốn gạch chân đáp án).

Việc chia theo từng đợt, biết được những phần đã làm xong sẽ giúp các em có tâm lý tốt hơn để tiếp tục hoàn thành các phần còn lại.

Tô bài

Sau từng đợt làm bài, các em mới nên bắt đầu tô vào phiếu trả lời trắc nghiệm. Nhiều bạn thường làm được câu nào tô câu đấy sẽ rất mất thời gian. Nếu mỗi đợt các em đánh dấu một kiểu đáp án và tô theo từng đợt sẽ không bị lẫn đáp án giữa các câu đã làm với chưa làm, đỡ công rà soát nhiều, tiết kiệm được thời gian.

Soát bài

Ở bước cuối cùng này, các em nên soát từ câu dễ trước, câu khó sau. Trong đề thi luôn có bẫy tâm lý rất lớn là "bẫy kỳ vọng điểm 10". Tức là đề ra, không phải ai cũng làm được 10 điểm, nhưng nhiều bạn có kỳ vọng được điểm tuyệt đối nên thường cố làm câu khó mà bỏ qua việc rà soát các câu dễ.

Lời khuyên của thầy Quý là các bạn học sinh học lực khá và trung bình không nên hướng vào 4 câu cuối bài, thay vào đó nên quay lại kiểm tra những câu băn khoăn lúc đầu, bên cạnh đó kết hợp với chiến lược may mắn, xác suất thì điểm sẽ cao hơn. Với những học sinh giỏi, học sinh chuyên Lý, đội tuyển Lý,… các em có thể phân chia thời gian làm những câu cuối nếu đã chắc chắn về các câu phía trên.  

Chuẩn bị kỹ trước khi đi thi: Quên dụng cụ có thể ảnh hưởng đến tâm lý

Ngoài có chiến lược làm bài tốt, theo thầy Quý, các sĩ tử cũng cần có sự chuẩn bị kỹ lượng về dụng cụ, sức khỏe, tâm lý để bài thi đạt kết quả tốt nhất.

Chuẩn bị dụng cụ: Thầy Quý nhấn mạnh, việc chuẩn bị dụng cụ là đặc biệt quan trọng, vì nếu không may quên dụng cụ, các em sẽ thường bị hoảng. Nếu đến địa điểm thi mà phát hiện quên đồ, các em không nên tự về lấy, thay vào đó hãy nhờ người thân giúp, tránh tình trạng muộn giờ thi sẽ không được thi nữa.

Để tránh quên dụng cụ, phải có danh sách chuẩn bị cụ thể từ tối hôm trước, cho tất cả vào một túi đựng, kiểm tra đầy đủ trước khi đi thi thì tâm lý sẽ tốt hơn.

Những dụng cụ cần có gồm: bút chì đã gọt sẵn, 2-3 chiếc bút bi, máy tính (kiểm tra pin cẩn thận), thẻ dự thi, căn cước công dân, đồng hồ đeo tay để phân bổ thời gian (không kết nối được Internet). Nhiều bạn khi vào phòng thi không có đồng hồ, không biết phân bổ thời gian làm bài nên thường bị cuống, làm vội, dễ mất điểm.

Sức khỏe: Trong những ngày cuối cùng trước kỳ thi và trong kỳ thi, các em nên ăn uống lành mạnh và rèn thói quen ngủ sớm, dậy sớm. Nếu thức quá khuya quá, kết hợp những ngày thi lại càng khó ngủ sẽ dẫn đến tình trạng mệt mỏi, vào phòng thi không thể tập trung. Khi ngủ trưa, nên lưu ý đặt báo thức cẩn thận để tránh vào muộn giờ thi.

Tinh thần: Nên giữa cho tinh thần thoải mái. Khi vào phòng thi, cố gắng làm quen không gian, giao tiếp bình thường với các bạn trước giờ làm bài sẽ giúp thư giãn hơn.