DNews

Thầy giáo nguyện "bén rễ" miền núi vì một câu nói của học trò

Đinh Phương Nhung Mai Châm

(Dân trí) - Câu nói "Thầy ơi, thầy đừng bỏ chúng con" của học sinh khiến thầy Vũ Văn Tùng, giáo viên tại một trường miền núi ở Gia Lai, từ bỏ cơ hội về công tác gần nhà sau 8 năm làm giáo viên tại miền núi.

Thầy giáo nguyện "bén rễ" miền núi vì một câu nói của học trò

Thầy Vũ Văn Tùng là giáo viên dạy môn lịch sử của Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Đinh Núp, xã Pờ Tó, huyện La Pa, tỉnh Gia Lai. Đây là một trong những điểm trường ở vùng núi, tập trung nhiều học sinh người dân tộc Ba Na còn gặp nhiều khó khăn về kinh tế.

Thầy giáo nguyện bén rễ miền núi vì một câu nói của học trò - 1
Thầy Vũ Văn Tùng, giáo viên môn lịch sử của Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Đinh Núp (Ảnh: Chia sẻ cùng thầy cô).

Trong 15 làm nghề giáo, thầy Tùng có tới gần 8 năm gắn bó với Điểm trường Đinh Núp, ngày ngày vượt 40km để đem con chữ đến với các em học sinh.

Hành trình dạy học gặp nhiều khó khăn vất vả khi vừa phải vượt đường xa vừa phải đi vận động học sinh đi học, đã có lúc thầy Tùng muốn rời trường để về gần nhà công tác nhưng tình thương học trò đã níu kéo thầy ở lại.

"Thầy ơi, thầy đừng bỏ chúng con"

Phải đi làm xa nhà, hầu như công việc gia đình đều do một tay vợ thầy lo liệu, còn bản thân thầy gần như không ngày nào có thời gian rảnh.

"Những công việc ở nhà tôi đều dựa vào vợ. Bản thân tôi đi làm xa nhà, cả đi cả về hết 80km, còn chưa kể đến những ngày phải lên núi để tìm học sinh, vận động các em đi học. Có những ngày về nhà đã là 10 giờ đêm, thậm chí có những hôm tôi phải ngủ qua đêm ở khu vực Trường Đinh Núp", thầy Tùng kể.

Năm 2021, thầy Tùng quyết định làm hồ sơ xin về công tác tại khu vực gần nhà để đỡ đần vợ con, đồng thời thầy cũng muốn chăm sóc sức khỏe sau nhiều năm phải vượt 80km mỗi ngày. Thầy ngồi trong lớp học viết hồ sơ rồi đi ra ngoài, khiến học sinh vô tình nhìn thấy.

Đến khi trở về lớp, các em học sinh cùng nói: "Thầy ơi, thầy đừng bỏ chúng em".

Chỉ sau câu nói này của học sinh, thầy quyết định cất tập hồ sơ, từ bỏ việc xuống xuôi dạy học và tiếp tục đồng hành cùng các em học sinh Trường Đinh Núp đến tận bây giờ.

Thầy giáo nguyện bén rễ miền núi vì một câu nói của học trò - 2
Thầy Vũ Văn Tùng trao tặng cặp sách cho các em học sinh nhân dịp lễ khai giảng năm học mới (Ảnh: NVCC).

Có thể vì học sinh mà tạm gác lại hạnh phúc riêng tư của mình, thầy Tùng cho biết, thầy nhìn thấy chính mình trong hình ảnh của các em học sinh ở đây.

"Tôi cũng từng trải qua lứa tuổi học trò đầy gian khó từ nhỏ đến khi học đại học. Chứng kiến cảnh các em học sinh cũng khổ như mình trước đây, tôi muốn làm điều gì đó để hỗ trợ, nâng cao trình độ dân trí cho các em", thầy Tùng cho biết.

Nhớ về những ngày đầu mới công tác tại điểm trường, thầy Tùng gặp không ít khó khăn trong việc vận động học sinh đi học.

Theo thầy Tùng, hầu hết người dân tộc Ba Na đều sống rất khép kín và chưa hiểu được vai trò của giáo dục đối với tương lai của con em họ. Mỗi lần thầy Tùng đến vận động gia đình cho con đi học là một lần bị người dân xua đuổi: "Học làm gì? Học có tiền không? Ở nhà nó đi làm còn có tiền".

"Khi đó tôi thấy rất buồn nhưng càng như thế, tôi càng phải thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa việc vận động các gia đình. Hôm nay không được thì hôm sau tôi lại đến để "mưa dầm thấm lâu", khiến các phụ huynh hiểu và cho các con đến trường", thầy Tùng kể lại.

Kiên trì từng ngày, thầy Tùng phối hợp cùng già làng và những người có sức ảnh hưởng trong cộng đồng người dân tộc Ba Na để thay đổi nhận thức mỗi gia đình về tầm quan trọng của việc cho con em đi học.

Kết quả, tỷ lệ bỏ học ở trường thay đổi đáng kể, phụ huynh khi thấy thầy cô đến thăm thì rất hoan nghênh.

Tất cả là thành quả của sự kiên trì của thầy Tùng cùng các thầy cô giáo nhưng đồng thời cũng đến từ hai dự án hỗ trợ học trò do chính thầy sáng lập là dự án "Tủ bánh mì 0 đồng" và "Trao sinh kế cho học trò nghèo".

Tủ bánh mì 0 đồng hỗ trợ bữa sáng cho 200 em học sinh

"Tủ bánh mì 0 đồng" là dự án hỗ trợ bữa sáng cho các em học sinh tại Trường Đinh Núp.

Quan sát thấy học sinh thường xuyên bỏ học giữa ngày. Thầy Tùng quyết định đi theo các em học sinh và phát hiện lý do xuất phát từ việc các em trốn học để đi kiếm ăn do nhịn bữa sáng.

"Qua nhiều lần như thế, tôi suy nghĩ phải tìm cách để níu giữ các em ở lại trường. Từ đó "Tủ bánh mì 0 đồng" ra đời", thầy Tùng kể lại.

Không lựa chọn vận chuyển bánh từ ngày hôm trước và muốn trao đến tay học sinh một bữa ăn nóng hổi và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, thầy Tùng đều đặn thức dậy từ 4 giờ sáng mỗi ngày để đích thân lấy bánh và vận chuyển hơn 40km đến trường.

"Tôi bị bệnh cao huyết áp nên khi bị thiếu ngủ như vậy, sức khỏe tôi ít nhiều cũng bị ảnh hưởng. Nhưng vì học sinh, tôi vẫn cố gắng và vẫn duy trì tốt dự án", thầy Tùng chia sẻ.

Thầy giáo nguyện bén rễ miền núi vì một câu nói của học trò - 3
Ngoài bánh mì, tủ bánh của thầy Tùng cũng thường xuyên thay đổi món ăn để bữa sáng cho học sinh thêm đa dạng, phong phú (Ảnh: NVCC).

Những ngày đầu mới thành lập tủ bánh mì, thầy Tùng nhận được sự hỗ trợ sáu mươi chiếc bánh mì từ anh Chu Anh Thương, chủ một cửa hàng bánh mì và là người bạn thân thiết, đã đồng hành cùng thầy Tùng trong nhiều hoạt động thiện nguyện khác.

Tuy nhiên, sau khi sáu mươi chiếc bánh mì đã được phát hết, nhiều em học sinh vẫn chưa được nhận bánh và rất buồn. Thầy quyết định bỏ tiền túi của mình ra để có thêm suất ăn cho các em học sinh. Dần dần, dự án của thầy được biết đến và nhận được nhiều sự trợ giúp từ các mạnh thường quân.

Sau nhiều năm vận hành dự án, câu chuyện về người học trò giấu bánh mì vào trong cặp sách vẫn luôn in sâu trong trí nhớ của thầy.

"Một hôm, nhân giờ giải lao, tôi vào các lớp học để xem tình trạng của học sinh vì tôi rất lo về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm. Khi vào một lớp, tôi nói đùa một câu: "Có bạn nào giấu bánh mang về nhà không?".

Lúc này, các em đều chỉ về hướng một em học sinh mà tôi được biết có hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn.

Tôi hỏi em, vì sao không ăn bánh mà lại giấu vào cặp. Em rơm rớm nước mắt trả lời, bố mẹ em không có nhà nên muốn lấy một cái để buổi trưa về ăn. Nghe đến đây, tôi thấy rất buồn và muốn khóc vì thương em", thầy Tùng kể lại.

Anh Chu Anh Thương hỗ trợ dự án "Tủ bánh mì 0 đồng" từ những ngày đầu chia sẻ, thầy Tùng là người hòa đồng, vui vẻ, có lòng nhân ái với mọi người, nhất là với các em học sinh.

"Nghe thầy Tùng tâm sự về hoàn cảnh các em học sinh, tôi cũng muốn góp phần nào công sức để giúp đỡ các em bất kể ngày tháng", anh Chu Anh Thương chia sẻ.

Đến nay, dự án đã hỗ trợ bánh mì nhân thịt cho khoảng 200 em học sinh vào ba ngày trong tuần là thứ hai, thứ tư và thứ sáu. Trong đó, có một buổi thầy chia sẻ tủ bánh với trường bạn cũng là một trong những trường tập trung nhiều học sinh có hoàn cảnh gia đình khó khăn.

Vì khoảng cách xa, thầy Tùng đã nhờ anh Thương vận chuyển bánh mì tới điểm trường và để thầy cô hướng dẫn học sinh chủ động nhận bữa sáng. Trung bình mỗi bữa sáng, thầy phải chi tổng cộng khoảng một triệu đồng.

Chia sẻ về lý do chỉ thực hiện dự án vào ba ngày trong tuần, thầy Tùng cho biết, thầy muốn sắp xếp kinh phí cho hoạt động hỗ trợ học sinh mang tính lâu dài và bền vững hơn, cụ thể là dự án "Trao sinh kế cho học trò nghèo". Trong dự án thứ hai thầy thành lập, thầy sẽ trích quỹ để tặng bò, dê cho những học sinh có hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn để các em nhân giống, có thêm thu nhập trang trải cuộc sống.

Thầy giáo nguyện bén rễ miền núi vì một câu nói của học trò - 4
Dự án "Trao sinh kế cho học trò nghèo" của thầy Tùng trao tặng bò cho gia đình em học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn (Ảnh: NVCC).

Gắn bó với điểm trường khó khăn trong suốt tám năm, trong mắt người thầy, các em học sinh miền núi luôn có sự hồn nhiên, vô tư và có thể nói là "hoang dã", điều khiến thầy ngày càng thương yêu và muốn gắn bó lâu dài với điểm trường lâu hơn nữa.