Thanh Hóa:

Quá nhiều khó khăn bất cập nảy sinh khi học trực tuyến

Bình Minh

(Dân trí) - Do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều địa phương tại Thanh Hóa phải tổ chức học trực tuyến. Tuy nhiên, có quá nhiều khó khăn, bất cập trong quá trình triển khai hình thức dạy học này.

Nhiều khó khăn

Hiện nay, một số địa phương tại Thanh Hóa do đang trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch Covid-19 như: Nông Cống, Nga Sơn, Hậu Lộc, Mường Lát, thành phố Thanh Hóa nên học sinh không thể đến trường.

Nhiều  địa phương đã tổ chức dạy học trực tuyến, tuy nhiên gặp không ít khó khăn. Thống kê của ngành chức năng và các địa phương cho thấy, ngày đầu tiên thực hiện, chưa có địa phương nào 100% học sinh đủ điều kiện học trực tuyến.

Quá nhiều khó khăn bất cập nảy sinh khi học trực tuyến - 1

Không nhiều học sinh có đủ điều kiện học trực tuyến.

Nhiều phụ huynh phản ánh, họ chưa kịp mua sắm thiết bị cho con do đang trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội. Nhiều gia đình không có điều kiện mua máy móc cũng như kết nối mạng internet… Cũng không ít gia đình, bố mẹ bận đi làm không thể ở bên để hướng dẫn, hỗ trợ con vào phần mềm học trực tuyến.

Chị Nguyễn Thị Liên (phường Quảng Thắng, thành phố Thanh Hóa) có 2 con đang học tiểu học trên địa bàn thành phố. Chỉ còn vài ngày nữa là thành phố hết giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, cả hai vợ chồng đều phải đi làm, chị lo chưa biết con sẽ học như thế nào.

"Hai cháu vẫn chưa thể tự sử dụng được thiết bị học, phần mềm Zoom thì chập chờn, cứ vào được một lúc lại bị thoát ra. Phụ huynh như chúng tôi cũng cảm thấy chật vật huống hồ gì để bọn trẻ tự học sẽ rất khó", chị Liên nói.

Do hoàn cảnh khó khăn, gia đình có 2 cháu đi học nên gia đình bà Lê Thị Thanh, phường Phú Sơn, thành phố Thanh Hóa không đủ điều kiện cho các cháu mua máy móc để học được. 

Quá nhiều khó khăn bất cập nảy sinh khi học trực tuyến - 2

Tại thành phố Thanh Hóa, rất nhiều trường trong tình trạng dưới 50% học sinh có điều kiện học trực tuyến.

Một hiệu trưởng trên địa bàn thành phố Thanh Hóa cho biết: "Khảo sát cho thấy nhiều phụ huynh không đủ điều kiện cho con học trực tuyến. Lý do gia đình khó khăn không mua được máy móc hoặc nhà 2-3 con học nhưng chỉ có một máy, ngoài ra mạng internet không có.

Để có thể thực hiện được 100% học trực tuyến là điều rất khó. Trong khi trường chúng tôi ở trung tâm thành phố nhưng cũng chỉ thực hiện được 35%, đối với các trường vùng ven, học sinh đủ điều kiện học có thể sẽ thấp hơn".

Ghi nhận của phóng viên, trên địa bàn thành phố, nhiều trường đều có số lượng học sinh đăng ký học trực tuyến dưới 50%.

Quá nhiều khó khăn bất cập nảy sinh khi học trực tuyến - 3

Học trực tuyến đối với học sinh lớp 1 là vô cùng khó khăn..

Huyện Nông Cống (Thanh Hóa) cũng là địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội. Từ 6/9, học sinh (trừ bậc học mầm non) trên địa bàn huyện này đã học trực tuyến, nhưng cũng chỉ có khoảng 70% học sinh cả hai cấp Tiểu học và THCS học, còn khoảng 6.000 học sinh chưa có đủ điều kiện học trực tuyến.

Riêng tại huyện biên giới Mường Lát (Thanh Hóa), là huyện khó khăn nhất của tỉnh Thanh Hóa, do ảnh hưởng bởi diễn biến dịch nên vẫn chưa thể tổ chức cho hơn 12.000 học sinh học trực tiếp và cả trực tuyến.

Theo ông Lò Văn Tuấn, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Mường Lát, trong trường hợp dịch bệnh kéo dài phải tiếp tục nghỉ học thì huyện này cũng không có điều kiện để tổ chức dạy trực tuyến, nhiều nơi điện, internet vẫn chưa thể đến với người dân.

Loay hoay tìm cách gỡ khó

Theo ông Lê Thành Đồng, Phó trưởng phòng GD&ĐT thành phố Thanh Hóa, trước ngày nghỉ, thành phố thống kê được 61% học sinh Tiểu học có đủ điều kiện học trực tuyến, THCS hơn 74%.

"Ngày đầu tiên thực hiện đã có 24 trường Tiểu học và 28 trường THCS tổ chức dạy trực tuyến. Tinh thần chỉ đạo là tất cả các trường đều phải dạy. Phòng giáo dục đang xây dựng phương án để tất cả học sinh đều được học", ông Đồng cho biết.

Quá nhiều khó khăn bất cập nảy sinh khi học trực tuyến - 4

Nhiều gia đình 2-3 con cùng đi học là vấn đề nan giải về việc mua thiết bị học.

Cũng theo Phó trưởng Phòng GD&ĐT thành phố Thanh Hóa, đối với học sinh còn khó khăn, đơn vị đang bàn cách giúp đỡ. Hiện có trường đã hỗ trợ cho các em có hoàn cảnh khó khăn 10 điện thoại thông minh.

Theo ông Đỗ Gia Xuân, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Nông Cống, do học sinh ở vùng nông thôn nên học trực tuyến 100% là điều rất khó.

"Chúng tôi đang bàn phương án sẽ tiếp tục kêu gọi phụ huynh đầu tư mua sắm và trích một phần ngân sách Nhà nước hỗ trợ học sinh khó khăn", ông Xuân nói.

Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Nông Cống cũng trăn trở: "Hiện toàn huyện có khoảng 6.000 học sinh chưa đủ điều kiện học, tập trung vào những gia đình kinh tế khó khăn hoặc gia đình có từ 2 - 3 con đi học, không thể một lúc có tiền đầu tư mua 2 - 3 máy tính được. Nhiều gia đình không có điều kiện nối mạng internet, một số hộ gia đình dùng 3G dung lượng ít hay gia đình có bố mẹ đi làm ăn xa gửi cho ông bà nên không thể hỗ trợ sử dụng phương tiện học…".