Gia Lai:

Những giáo viên nặng lòng với sự nghiệp "trồng người" ở vùng cao

Phạm Hoàng

(Dân trí) - Ngoài giờ dạy, nhiều giáo viên vùng cao luôn trăn trở để lo cho học sinh từng bữa cơm, tấm áo ấm và tiết học sinh động. Nhờ vậy, bao thế hệ học sinh đã được động viên để kiên trì theo con chữ.

Trăn trở vì lo học sinh đói, bị bệnh

Khi màn sương còn tờ mờ trên đỉnh núi, thầy Vũ Văn Tùng (43 tuổi, giáo viên Trường Tiểu học và THCS Đinh Núp, xã Pờ Tó, huyện Ia Pa, Gia Lai) đã tất bật chở những thùng bánh mì sắp gọn trên kệ, đặt trước cửa vào lớp.

Hơn 6h sáng, từng tốp học sinh làng Bi Giông (xã Pờ Tó) tìm đến "tủ bánh mì 0 đồng" của thầy Tùng để xếp hàng, nhận bữa sáng trước khi tiếng trống trường điểm giờ vào lớp.

Những giáo viên nặng lòng với sự nghiệp trồng người ở vùng cao - 1

Nhiều năm qua, thầy Tùng đã kêu gọi được hàng trăm chiếc xe đạp, quần áo, sách vở hỗ trợ cho học sinh nghèo xã Pờ Tó (Ảnh: NVCC).

"Nhiều năm trước, tôi thấy học sinh liên tục bỏ tiết học giữa chừng để chạy về nhà. Tôi chạy xe máy đi theo thì biết mỗi buổi sáng các em thường không ăn sáng nên đói bụng. Chính vì vậy, tôi đã xin vận động để xây dựng tủ bánh mì 0 đồng nhằm giúp đỡ các em có bữa sáng dinh dưỡng đầy đủ", thầy Tùng chia sẻ

Để giúp đỡ các em, thầy Tùng đã kêu gọi các nhà hảo tâm hỗ trợ kinh phí và xây dựng mô hình "tủ bánh mì 0 đồng". Ban đầu, tủ bánh mì chỉ có 60 ổ bánh mì cho các em học sinh tại điểm trường làng Bi Giông.

Những giáo viên nặng lòng với sự nghiệp trồng người ở vùng cao - 2

Thấy học sinh phải nhịn ăn buổi sáng, thầy Tùng đã đi khắp nơi tìm nguồn hỗ trợ để xây dựng nên "tủ bánh mì 0 đồng" (Ảnh: NVCC).

Nhiều nhà hảo tâm đã liên hệ thầy Tùng hỗ trợ thêm kinh phí để giúp đỡ các em đươc có những bữa sáng tươm tất. Thầy Tùng cũng đã dùng nguồn hỗ trợ này để mua thêm xôi hoặc bánh bao để phát cho các em học sinh vào buổi sáng.

Tủ bánh mì hiện phục vụ cho khoảng 200 em học sinh và cả người dân nghèo sống gần các điểm trường.

Thầy Tùng cũng trích từ nguồn hỗ trợ "tủ bánh mì 0 đồng" xây dựng thêm mô hình "Trao sinh kế cho học trò nghèo". Theo đó, thầy đã trao 3 con dê sinh sản có trị giá hơn 5 triệu đồng và 1 con bò có trị giá hơn 12 triệu cho 2 em học sinh nghèo. Đến nay, 3 con dê đã sinh sản.

Những giáo viên nặng lòng với sự nghiệp trồng người ở vùng cao - 3

Khi bữa sáng học trò đã được duy trì, thầy Tùng phối hợp với nhiều nhà hảo tâm để mua dê, bò tặng cho gia đình học sinh nghèo (Ảnh: NVCC).

"Tôi mong muốn chia sẻ với hoàn cảnh khó khăn của gia đình học sinh. Khi kinh tế gia đình ổn thì các em mới yên tâm đến trường. Hiệu quả cho thấy việc duy trì sĩ số học sinh đến lớp cải thiện đáng kể. Đó là niềm động viên lớn nhất đối với tôi", thầy Tùng bộc bạch.

Để có những bữa ăn sáng chu đáo cho học trò vùng cao, thầy Tùng phải dậy từ 4h sáng để chạy xe máy hơn 40km để lấy bánh mì về phát cho các em. Thấu hiểu tình yêu thương học trò nên gia đình thầy cũng luôn động viên, chia sẻ và lo chu đáo việc nhà cho thầy yên tâm công tác.

Những giáo viên nặng lòng với sự nghiệp trồng người ở vùng cao - 4

Nhờ những hỗ trợ thiết thực mà nhiều học sinh vùng cao đã được thuận lợi đến trường (Ảnh: NVCC).

Đặc biệt, thầy Tùng đã cùng nhiều em học sinh vùng cao chiến đấu với những căn bệnh nan y. Chính thầy đã kêu gọi giúp đỡ để cho 2 em học sinh mắc bệnh hiểm nghèo đi khám và điều trị bệnh.

Trong đó, với em Đinh H' Lơnh (học sinh lớp 9), thầy Tùng liên hệ và xin hỗ trợ 100% chi phí phẫu thuật từ "Quỹ trái tim cho em". Khi có hỗ trợ, thầy Tùng và em H'Lơnh đã vượt bao khó khăn trong giãn cách xã hội vì dịch Covid để vào TP Hồ Chí Minh thực hiện ca mổ tim.

Những giáo viên nặng lòng với sự nghiệp trồng người ở vùng cao - 5

Thầy Tùng đã kêu gọi và dẫn nhiều học sinh đi chữa trị các căn bệnh nan y (Ảnh: NVCC).

Em Đinh Phyêm (học sinh lớp 6) bị mắc bệnh da liễu và được thầy Tùng vận động kinh phí để đưa đi điều trị tại TP Quy Nhơn.

Chỉ tính riêng năm học 2020-2021, thầy Tùng đã quyên góp, ủng hộ 10 chiếc xe đạp, 100 cái áo đồng phục, 100 cái bánh Trung thu và gần 200 suất quà cho học sinh nghèo với trị giá gần 100 triệu đồng.

Nhiều học sinh Pờ Tó đã coi thầy Tùng như người cha. Từ đó, tình trạng học sinh bỏ học hầu như không còn.

Với những việc làm trên, thầy Tùng đã vinh dự nhận danh hiệu chiến sĩ thi đua cơ sở và được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen. Thầy cũng là một trong 24 gương điển hình tiên tiến được mời ra Hà Nội tham dự chương trình Hồ Chí Minh - Hành trình khát vọng năm 2022.

"Trắng đêm" để tìm cách thay đổi việc dạy và học

Nhiều năm qua, thầy Bùi Quang Vinh - Hiệu trưởng Trường THPT Trần Cao Vân (xã Ia Hlốp, huyện Chư Sê, Gia Lai) - đã đưa những làn gió mới trong cách dạy và học ở huyện Chư Sê nói riêng và tỉnh Gia Lai nói chung. Thầy đã mạnh dạn áp dụng những phương pháp giáo dục trong thời đại mới vào trong từng tiết học.

Thầy Vinh cho biết, ngay từ những năm 2016, ngôi trường chỉ được mỗi dãy phòng học và mọi thứ đều chắp vá. Học sinh muốn đến trường học, phải vượt qua nhiều khó khăn.

Những giáo viên nặng lòng với sự nghiệp trồng người ở vùng cao - 6

Nhiều năm qua, các học sinh đã lên gặp thầy Vinh để giao nộp tài khoản game và thực hiện cam kết không chơi để tập trung học tập (Ảnh: NVCC).

"Tôi mong muốn mái trường sẽ là ngôi nhà thứ 2 của em. Chính vì vậy, tôi trăn trở, tìm hiểu, áp dụng phương pháp giáo dục mới, nhằm giúp các em được thoải mái, không bị ràng buộc bởi tiết học khô khan, nhưng hiệu quả học tập vẫn được đảm bảo", thầy Vinh bộc bạch.

Phong trào "Thầy cô, chúng ta thay đổi được" ở trường của thầy Vinh nhận được nhiều đánh giá tích cực ở tỉnh Gia Lai.

Cụ thể, các em học sinh trong trường luôn được tham gia các cuộc thăm dò, đánh giá, góp ý về những thầy cô giáo của mình. Các em được nói lên điều mình mong muốn thầy cô thay đổi.

Nhờ vậy, nhiều thầy cô trong trường cũng đã thay đổi tích cực và hiểu hơn về việc học sinh đang muốn. Khi được nói lên ý kiến của mình, các học sinh cũng có ý thức hơn trong học tập. Tình thầy trò gần gũi, hiểu nhau hơn.

Những giáo viên nặng lòng với sự nghiệp trồng người ở vùng cao - 7

Mỗi năm, thầy Vinh đã vận động các nhà hảo tâm trên địa bàn để xin gạo và nhu yếu phẩm về cho học sinh nghèo trong trường (Ảnh: NVCC).

Thầy Vinh cũng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý và dạy học trong nhà trường.

Mới đây, trường THPT Trần Cao Vân đang sử dụng phần mềm Microsoft Teams từ hỗ trợ của Hội sinh viên Việt Nam. Với việc sử dụng phần mềm, Ban giáo hiệu, giáo viên chủ nhiệm gần như thao tác mọi việc quản lý học sinh và dạy học trên hệ thống phần mềm.

Theo đó, các giáo viên có thể sử dụng những bài soạn điện tử để giảng dạy, với nguồn dữ liệu minh họa bài giảng trực quan, sinh động bằng video, hình ảnh.

Những giáo viên nặng lòng với sự nghiệp trồng người ở vùng cao - 8

Nhờ việc chuyển đổi phương pháp giáo dục mới mà việc giảng dạy và học tập của học sinh trở nên thú vị, hấp dẫn, tăng hiệu quả tiếp thu bài (Ảnh: NVCC).

"Trong thời gian dịch Covid - 19, tôi đã tìm hiểu rất nhiều phần mềm để giúp nâng cao việc quản lý, dạy và học trực tuyến. Khi đã chọn được phần mềm phù hợp, tôi thức trắng đêm để học trực tuyến về cách sử dụng phần mềm. Khi đã nắm chắc, tôi phổ biến đến thầy cô giáo và học sinh trong trường", thầy Vinh cho biết.

Song song với việc dạy học, Hiệu trưởng Vinh tận tâm với hoạt động khuyến học. Hàng năm, thầy Vinh và giáo viên trong trường đã vận động được hàng trăm suất học bổng từ các mạnh thường quân để hỗ trợ cho các em học sinh.

Điển hình như năm học 2021-2022, đã trao học bổng cho 49 học sinh với số tiền 198 triệu đồng. Năm học 2022-2023, đã trao học bổng cho 64 học sinh với số tiền 365 triệu đồng.

Theo thống kê, trong hơn 5 năm qua, thầy Vinh cùng tập thể giáo viên đã vận động được hơn một tỷ đồng giúp đỡ học sinh nghèo.

Để hoạt động khuyến học đi vào chiều sâu và thiết thực, các thầy, cô giáo trong trường thường xuyên đến nhà các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn trong lớp để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng. Từ đó, có những hỗ trợ thiết thực giúp các em không phải bỏ học.

Những giáo viên nặng lòng với sự nghiệp trồng người ở vùng cao - 9

Các giáo viên thường đến nhà học sinh để tìm hiểu hoàn cảnh và động viên tích cực đến trường (Ảnh: NVCC).

 Em Đàm Văn Giang (học sinh lớp 12) đã được nhà trường hỗ trợ học bổng 500 nghìn đồng/tháng suốt 3 năm qua. Các giáo viên trong trường đều dạy thêm miễn phí cho em. Nhờ vậy, em Giang yên tâm đến lớp học.

Nhà trường đã vận động phụ huynh, học sinh cùng ký vào bản cam kết tạo mọi điều kiện cho học sinh tiếp tục đến trường, không bỏ học giữa chừng.

"Em rất cảm ơn thầy Vinh là các thầy cô giáo trong trường. Nhà em có 3 anh chị em mà hoàn cảnh kinh tế khó khăn. Nếu không có sự hỗ trợ hàng tháng thì chắc có lẽ em cũng khó tiếp tục việc học. Em mơ ước sẽ thi được vào một trường năng khiếu, để em theo đuổi đam mê với con đường võ thuật", em Giang tâm sự.

Những giáo viên nặng lòng với sự nghiệp trồng người ở vùng cao - 10

Sự quan tâm của các giáo viên đã giúp học sinh vùng khó gặt hái được thành công trong quá trình học tập (Ảnh: NVCC).

Nhiều năm qua, thầy Vinh cũng đã phát động phong trào "Mỗi giáo viên nhận đỡ đầu một em học sinh có hoàn cảnh khó khăn". Cụ thể, các giáo viên nhận đỡ đầu tùy theo khả năng để có những sự hỗ trợ phù hợp như là đồ dùng học tập, áo quần hoặc nhu yếu phẩm.

Khi thấy học sinh có nguy cơ bỏ học giữa chừng, các thầy cô sẽ đến tận nhà để tìm hiểu nguyên nhân, động viên, thuyết phục học sinh trở lại trường. Trung bình mỗi năm, có khoảng 30 - 40 học sinh của trường được nhận đỡ đầu.

Với những thay đổi đó, nhiều năm liền, Tập thể trường THPT Trần Cao Vân nhận Danh hiệu Lao động xuất sắc, được Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai tặng nhiều Bằng khen.

Năm học 2020-2021, nhà trường đã vinh dự được nhận cờ thi đua của Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai. Năm học 2021-2022, tỷ lệ học sinh của trường đỗ tốt nghiệp THPT đạt 100%.