Nên cho con học tiếng Anh ở "lò luyện" hay với giáo viên bản ngữ?

Quang Trường

(Dân trí) - Có phụ huynh nhất quyết cho con học thêm tại các trung tâm luyện thi. Có người lại cho rằng, nên cho con học với giáo viên bản ngữ để phục vụ mục tiêu xa hơn.

"Giao tiếp tốt mà thi trượt thì tốn công, phí tiền"

Khi con trai vừa bước vào năm học lớp 9, chị Nguyễn Thu Hà (Nam Từ Liêm, Hà Nội) đã "chạy đôn chạy đáo" tìm trung tâm tiếng Anh cho con học thêm. Nguyện vọng của gia đình là con thi đỗ vào Trường THPT chuyên Ngoại ngữ, ĐH Quốc gia Hà Nội.

Trước đó, chị Hà cho con học tiếng Anh theo nhóm 5 học sinh, dưới sự hướng dẫn của giáo viên bản ngữ. Chị Hà nhẩm tính, mỗi năm gia đình chị tốn vài chục triệu tiền học thêm. Tuy nhiên, tổng kết lớp 8, điểm trung bình môn Tiếng Anh của con ở lớp chỉ đạt 6 điểm.

Con gái chị Hà học tốt các kỹ năng nghe và nói hơn đọc và viết. Chị cho rằng, điểm thi, kiểm tra của con thấp do giáo viên bản ngữ không chú trọng dạy ngữ pháp.

Nên cho con học tiếng Anh ở lò luyện hay với giáo viên bản ngữ? - 1
Phụ huynh đã rục rịch tìm lớp học thêm cho con chuẩn bị thi vào lớp 10 (Ảnh minh họa: Mạnh Quân).

"Nếu điểm ở 2 kỹ năng nghe và nói của con đạt 8 điểm, thì đọc và viết con chỉ đạt 5 điểm.

Tôi nghĩ, giáo viên bản ngữ chỉ có thể dạy con giao tiếp được chứ không có kỹ năng dạy từ vựng, ngữ pháp. Khi làm bài thi, con chỉ cần chia động từ sai một chữ, sai cấu trúc là đã không có điểm. Nếu cứ đà này, con sẽ khó vượt qua kỳ thi điều kiện để vào trường chuyên", chị Hà nói.

Đó cũng là lý do chị quyết định cho con nghỉ học với thầy nước ngoài để vào "lò" luyện thi. Tiêu chí lựa chọn của chị là trung tâm phải cam kết đầu ra cho con đạt 8 điểm trở lên. Chị ưu tiên chọn giáo viên người Việt Nam thay vì người nước ngoài.

"Giáo viên người Việt có nhiều kinh nghiệm dạy ngữ pháp, từ vựng hơn giáo viên nước ngoài. Tôi nghĩ, dù thế nào thì con cũng phải thi đỗ để tiếp tục con đường học tập. Nếu con giao tiếp tốt mà điểm thấp, thi trượt thì chỉ tốn công sức và tiền bạc", chị Hà nói.

Thầy Đào Văn Hạ - Giáo viên tiếng Anh tại một trung tâm giáo dục ở Hà Nội cho rằng, không phải tự nhiên mà phụ huynh bắt trung tâm Tiếng Anh cam kết đầu ra cho học sinh. Trước hết, việc này xuất phát từ phía các trung tâm. Có khá nhiều nơi dùng cách cam kết đầu ra để thu hút học sinh đăng ký.

Hình thức quảng bá này làm phụ huynh và học sinh yên tâm lựa chọn nhưng chưa biết kết quả thật ra sao.

"Các bậc cha mẹ nên nhận thức rõ ràng là không phải trung tâm cứ cam kết là con mình sẽ đạt được. Điểm cao là kết quả của nhiều yếu tố, không chỉ yếu tố chuyên môn, mà còn là tâm lý, sức khỏe, áp lực và sự may mắn của các em.

Đôi khi, có những em học lực tốt nhưng vẫn bị điểm thấp là bình thường. Vì vậy, việc phụ huynh đưa ra tiêu chí là trung tâm phải cam kết con mình đạt điểm cao sau khóa học là vô lý", thầy Hạ nói.

Nên cho con học tiếng Anh ở lò luyện hay với giáo viên bản ngữ? - 2

Thầy Đào Văn Hạ (Ảnh: NVCC).

Thầy Hạ cho biết thêm, một số trung tâm luyện thi IELTS cam kết đầu ra và bảo hành khóa học trọn đời. Người học sẽ được hoàn tiền nếu kết quả không như cam kết. Tuy nhiên, học sinh cũng phải cam kết đi học đầy đủ, học thuộc bài, đáp ứng chương trình học. Nếu không, cam kết của trung tâm không còn giá trị.

Như vậy, việc thực hiện được cam kết hay không lại phụ thuộc nhiều vào khả năng của học sinh, chứ không phải bên cam kết đầu ra là trung tâm.

Không có điều kiện như nhà chị Hà, anh Nguyễn Văn Hoàn (Hoài Đức, Hà Nội) chỉ đăng ký cho con ôn thi cấp tốc trước các kỳ thi, sau đó cho con nghỉ. Con anh Hoàn đang học lớp 9, cháu không có dự định vào lớp 10 chuyên tiếng Anh nên không cần đạt điểm quá cao.

Anh Hoàn cho biết, con gái anh luôn đạt từ 7-8 điểm trong các kỳ thi. Điểm trung bình trên lớp cũng ở mức khá. Anh không cho con học thêm xuyên suốt cả năm. Cách các kỳ thi học kỳ khoảng một tháng, giáo viên tiếng Anh trên lớp của con sẽ mở lớp ôn thi.

"Tôi yên tâm cho con học thêm ở nhà cô vì con sẽ được ôn tập sát với nội dung sắp thi. Nếu có điều kiện, chưa chắc tôi đã cho con học với giáo viên ngước ngoài.

Hiện tại, các con vẫn đang phải học để thi. Đề thi ra như thế nào thì con phải học như vậy. Vượt qua kỳ thi là đạt được mục đích nên con chỉ cần luyện thi với cô giáo. Thực tế là kỳ thi nào con cũng đạt điểm khá", anh Hoàn nói.

Anh Hoàn nêu quan điểm, nếu chỉ cần tiếng Anh để làm việc trong nước, ít khi phải tiếp xúc với người nước ngoài thì không cần thiết phải học với giáo viên bản ngữ. Nếu con xác định du học, làm việc ở nước ngoài hay làm phiên dịch thì mới phải cân nhắc.

Năng lực tiếng Anh quan trọng hơn điểm số

Trái với những quan điểm của các bậc phụ huynh trên, một số phụ huynh cho rằng, cho con học thêm tiếng Anh không phải vì điểm số mà để nâng cao năng lực. Nếu học để thi học kỳ, chuyển cấp thì học sinh chỉ cần học ở trường chứ không cần học thêm.

Anh Ngô Mạnh Hùng có con trai đang học lớp 9 tại quận Cầu Giấy, Hà Nội, nguyện vọng của gia đình là con đỗ vào Trường THPT chuyên Ngoại ngữ, ĐH Quốc gia Hà Nội.

Con trai anh Hùng được học tiếng Anh với giáo viên bản ngữ từ nhỏ. Khả năng giao tiếp của con tốt, điểm trung bình môn Tiếng Anh trên lớp luôn đạt 8-9 điểm.

Anh Hùng cho biết, quan điểm của anh là không bao giờ cho con học thêm ở "lò" luyện thi.

Nên cho con học tiếng Anh ở lò luyện hay với giáo viên bản ngữ? - 3
Một số phụ huynh chỉ cho con học thêm tiếng Anh với người bản ngữ (Ảnh minh họa: KB).

"Đã học thêm tiếng Anh là phải học với giáo viên bản ngữ mới có hiệu quả. Việc học thêm ở trung tâm luyện thi có thể giúp con đạt điểm cao vì những gì được học sát với đề thi, nhưng nó chỉ khiến các con sợ tiếng Anh, lúc nào cũng mang tâm lý học để thi.

Nhiều bố mẹ chỉ lo cho con đạt điểm số trước mắt mà không nghĩ đến tương lai của các con. Tiếng Anh giờ đã là ngôn ngữ bắt buộc, học để thi không giúp các em sử dụng được trong cuộc sống và công việc sau này. Hơn nữa, khi các con đã giỏi thực sự thì đề thi nào cũng có thể vượt qua", anh Hùng nói.

Chị Hoàng Thùy Dương - một phụ huynh, cũng là giáo viên tiếng Anh ở quận Cầu Giấy, Hà Nội đồng ý rằng, các bố mẹ chỉ nên đầu tư cho con học thêm với người bản ngữ. Nếu nhu cầu là học để thi thì các con chỉ cần chăm chỉ học theo chương trình trên lớp.

Theo chị Dương, cha mẹ phải rõ ràng là cho con học thêm để nâng cao trình độ tiếng Anh. Khi đó, lựa chọn phù hợp nhất là học với giáo viên bản ngữ. Học sinh sẽ được rèn cách phát âm, ngữ điệu gần với người bản ngữ nhất.

Quan trọng hơn, các con có cơ hội tiếp xúc trực tiếp với người bản ngữ, giao tiếp theo cách của họ, học thêm văn hóa của họ. Sau một thời gian, học sinh sẽ cảm thụ và sử dụng tiếng Anh một cách tự nhiên nhất.

"Hầu hết học sinh của tôi mà được học thêm với giáo viên bản ngữ đều có điểm kiểm tra trên lớp rất cao. Các con có phản xạ tự nhiên với tiếng Anh tốt hơn các bạn khác. Nhờ vậy, dù ở bài kiểm tra đọc, viết hay dạng bài nâng cao, các con cũng tư duy để làm tốt nhờ có thực lực tiếng Anh.

Còn những bạn học ở lò luyện thi thường chỉ vận dụng ngữ pháp một cách máy móc, có thể làm được dạng bài cơ bản nhưng đến bài nâng cao thì bó tay. Vấn đề lớn hơn là các em giao tiếp không tốt", chị Dương nói.