Hộp mứt Tết và chuyện chưa kể về thầy giáo cũ

M. Hà Ng. Cường

(Dân trí) - Từ hạt mầm được thầy Ngô Mạnh Cường, cựu giáo viên Trường THCS Sơn Công (Ứng Hòa, Hà Nội) "gieo" hàng chục năm trước, một số học sinh nghèo nay đã trưởng thành người có ích cho xã hội.

Nhìn hộp mứt Tết, nhớ thầy giáo cũ

Trong chương trình truyền hình "Thay lễ tri ân năm 2021" vừa qua, câu chuyện của thầy Ngô Mạnh Cường và học trò cũ khiến nhiều người xúc động.

Thầy Cường vốn là giáo viên ở xã Công Sơn, một trong những xã nghèo của huyện Ứng Hòa, Hà Nội.

Nhiều năm qua, nhiều học trò có hoàn cảnh éo le được thầy Cường tìm cách hỗ trợ, cưu mang. Những học sinh được thầy giáo này hỗ trợ nhiều tới mức không thể nhớ hết, có người được giúp từ 25 năm trước. 

Dù đồng lương nhà giáo không nhiều, lại phải nuôi ba con ăn học nhưng thầy giáo Cường đã cố gắng dành dụm để hỗ trợ các em, rồi kêu gọi cộng đồng chung tay hỗ trợ.

Hộp mứt Tết và chuyện chưa kể về thầy giáo cũ - 1

Thầy Ngô Mạnh Cường, cựu giáo viên Trường THCS Sơn Công, Ứng Hòa, Hà Nội (Ảnh: Th. Đ). 

Ban đầu chỉ là quyển sách, cuốn vở, cái bút… cùng những lời động viên, chia sẻ chân thành để các em cảm vơi bớt phần nào mặc cảm. Sau này, khi đồng lương được cải thiện, thầy Cường tự mình và cả kêu gọi mạnh thường quân hỗ trợ các em bằng nhiều thứ hơn, giúp cuộc sống các em đỡ vất vả hơn. 

Đến nay dù đã nghỉ hưu, nhưng "ông giáo làng" vẫn thường xuyên tham gia các hoạt động từ thiện vì cộng đồng để giúp những học sinh mồ côi, thiếu may mắn có cơ hội được học tập. 

Chia sẻ về thầy giáo cũ Ngô Mạnh Cường, TS Nguyễn Tường Huy, Trưởng bộ môn Địa lý Kinh tế - Xã hội, khoa Địa lý, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho biết, do hoàn cảnh gia đình khó khăn nên từ nhỏ, cậu học trò Tường Huy luôn tự ti, nhút nhát, sống khép kín và chỉ biết lấy việc học làm niềm vui.

Thế rồi năm Huy học lớp 7, may mắn cậu học trò nhỏ được đồng hành cùng thầy giáo chủ nhiệm Ngô Mạnh Cường. Lúc đó, thầy Cùng cũng là giáo viên giảng dạy môn Toán của lớp.

"Với cậu học trò nhút nhát năm nào, hành trình mà tôi đã trải qua đẹp như một giấc mơ. Mỗi lần nhìn hộp mứt Tết, tôi vẫn bồi hồi nhớ thầy giáo cũ. Bên cạnh sự nỗ lực không ngừng của bản thân, tôi may mắn khi có những người như thầy Cường động viên, khích lệ", TS. Nguyễn Tường Huy nhớ lại.

Nói đến cậu học trò cũ này, thầy giáo Ngô Mạnh Cường cho hay: "Mỗi dịp Tết đến, tôi thường qua thăm hỏi, động viên gia đình Huy. Một năm nọ, tôi tặng gia đình em hộp mứt để động viên, khích lệ".

Không ngờ chỉ bằng hộp mứt Tết nhỏ bé, thầy giáo Cường đã thắp lên động lực phấn đấu cho cậu học trò nhút nhát Nguyễn Tường Huy, giúp anh trở thành tiến sĩ khoa học như ngày hôm nay.

Hộp mứt Tết và chuyện chưa kể về thầy giáo cũ - 2

Thầy Cường và hai thế hệ học trò- TS Nguyễn Tường Huy, em Trần Thị Hiền (Ảnh: Th. Đ). 

"Cha đỡ đầu" cho học sinh mồ côi

Nếu nói những người như TS Huy là lứa học trò thế hệ đầu tiên được thầy Cường giúp đỡ thì ở thế hệ thứ hai, em Nguyễn Minh Hòa, học sinh mồ côi cả cha mẹ, cũng được thầy giáo Cường gần gũi, động viên, giúp đỡ để tạo điều kiện cho em học hết lớp 12 và hiện nay em đã đi làm.

Ở thế hệ thứ 3, em Trần Thị Hiền, có hoàn cảnh vô cùng khó khăn nhưng với sự giúp đỡ của thầy Cường và một số nhà hảo tâm, em đã cố gắng học hết cấp THCS, thi đậu vào lớp 10, Trường THPT Trần Đăng Ninh, huyện Ứng Hòa.

Được biết mẹ Hiền không may qua đời khi em mới lên 9 tuổi, bố mắc bệnh tâm thần đã nhiều năm nay, Hiền phải ở với ông bà nội già yếu. Khó khăn chồng chất khó khăn khi hiện tại, ông nội đã mất mà bà nội em lại bị ốm phải nằm liệt một chỗ. Mọi công việc như bón cơm, tắm rửa, vệ sinh cho bà đều một tay Hiền lo toan.

Anh trai Hiền hiện đang làm xe ôm công nghệ, thu nhập bấp bênh nên với Hiền, thầy Cường như người cha thứ hai bởi sự cưu mang, đùm bọc em trong nhiều năm nay.

Năm 2012, thầy Cường vận động nhiều nhà hảo tâm chung tay để em thoát khỏi căn nhà dột nát.

Vào dịp Tết, thầy cũng vận động các mạnh thường quân trong nhóm thiện nguyện "Chia sẻ yêu thương" gửi tặng gia đình em 2-3 triệu đồng để sắm Tết.

Suốt 4 năm học tại Trường THCS Sơn Công, các thầy cô trong Ban giám hiệu cũng thấu hiểu gia cảnh nên đã quyết định hỗ trợ toàn bộ học phí cho em.

Chia sẻ về những điều này, thầy Cường chỉ cười hiền lành: "Mỗi khi trích lương giúp học trò khó khăn, vợ tôi cũng đồng cảm và chia sẻ với việc làm của chồng. Đem lại nguồn động lực học tập và tinh thần vươn lên trong cuộc sống cho các em là điều tôi cảm thấy hạnh phúc nhất", thầy Ngô Mạnh Cường nói.