Học sinh mệt mỏi vì học thêm nhiều nhưng trình độ chưa chắc được nâng cao

CTV

(Dân trí) - Học thêm nhiều không đồng nghĩa với việc có được điểm số cao. Kết quả học tập chủ yếu phụ thuộc vào ý thức chủ động tiếp thu kiến thức của học sinh là ý kiến được phụ huynh và học sinh đồng tình.

Học sinh mệt mỏi vì học thêm nhiều nhưng trình độ chưa chắc được nâng cao - 1
Nhiều học sinh không khỏi cảm thấy mệt mỏi về việc vừa phải học trên trường vừa phải học thêm. (Ảnh minh họa: Hoài Nam)

Dù học thêm nhiều nhưng trình độ chưa chắc đã được nâng cao

Chia sẻ với Dân trí, em L.Q.T (Trường THPT Q.T, Hà Nội) cho biết, khi còn học lớp 9, bản thân em không muốn đi học thêm do lịch học chồng chéo, chương trình học nặng. Nhưng em biết mình cần phải đi học thêm để có thể đỗ được vào một trường cấp 3 công lập như mong muốn.

Mặt khác, do lo lắng về điểm số, áp lực từ phía gia đình, cộng thêm sự cạnh tranh thành tích của bạn bè xung quanh. T. cần phải đăng ký tham gia các lớp học thêm, để không bị bỏ lại trong "đường đua" học tập.

"Các bạn đi học thêm lớp của cô giáo sẽ được ôn những nội dung chuyên sâu hơn, được học trước và ôn kỹ chương trình mà cô đã soạn sẵn so với những bạn không đi.

Vì vậy, nếu là để phục vụ cho kỳ thi trên trường lớp, em và các bạn nghĩ là mình nên đi học thêm bởi các thầy cô trong trường là người ra đề", T. thú thật.

"Bởi điểm thi ở trường lớp của các bạn đi học thêm thường cao hơn, do cô giáo đã ưu tiên ra những dạng câu mà các bạn được làm quen ở lớp học thêm. Nhưng cá nhân em biết là kỳ thi vào lớp 10 là kỳ thi chung, do Bộ GD&ĐT hoặc Sở GD&ĐT ra đề, điểm thi sẽ phản ánh đúng năng lực của các bạn. Nếu bạn học chắc thì điểm cao, còn nếu bạn học tủ thì điểm sẽ thấp", T. cho biết.

T. cho rằng dù học sinh luôn mải mê trong guồng quay học thêm nhưng chất lượng giáo dục chưa chắc đã được cải thiện, có đôi khi kết quả kiểm tra đạt điểm cao là do được đã hướng dẫn kỹ trước đó.

"Khi mà các bạn đi học thêm nếu các bạn có ý thức trong việc học hành của mình, ôn lại bài thì kết quả của các bạn sẽ có sự cải thiện. Nhưng em biết một số bạn chỉ đi học thêm theo sự ép buộc của bố mẹ, cho giống bạn bè, không mở sách vở để ôn lại và chủ quan thì điểm số của các bạn không những không cải thiện mà còn giảm đi", T. chia sẻ thêm.

Như vậy việc đi học thêm nhiều không hẳn là tỷ lệ thuận kết quả học tập nếu như bản thân các em không có ý thức trong việc rèn luyện kiến thức.

Nếu như không có chủ đích mà chỉ đi học thêm theo số đông có thể có thể gây nhiều ảnh hưởng đến cho học sinh. Bởi nhiều em đi học thêm, ngoài mất tiền còn phải gánh thêm một số kiến thức nâng cao không cần thiết. Học sinh không học thêm thì lo ngại điểm kém, làm mất đi môi trường học tập lành mạnh, công bằng.

Cũng giống như T, em P.M.Đ (Trường THCS M.X, Nam Định) cho biết bản thân em thấy việc đi học thêm có thể giúp em tiếp nhận nhiều kiến thức nâng cao hơn nhưng đôi khi việc vừa phải học từ trên trường ban ngày, sau đó đi học thêm bên ngoài và tối phải làm bài tập ở nhà đến từ 2 lớp học khiến em không khỏi cảm thấy mệt mỏi và không muốn tiếp tục học thêm.

Với mục tiêu đỗ vào trường chuyên cấp 3 tại địa phương, em Đ. mong muốn có thể được bổ sung kiến thức, nhưng ở các lớp học thêm, các thầy cô vẫn đưa lại những nội dung ở trên trường.

"Việc học lại cùng một chương trình 2 lần đối với em là không cần thiết lắm. Thay vì lại một lần nữa học lý thuyết, em nghĩ luyện thêm bài tập sẽ hiệu quả hơn", Đ. bày tỏ.

Phụ huynh cho con đi học thêm vì các bạn xung quanh con đều đi học thêm

Có con đang học lớp 9, ngoài việc học chính thức, học thêm do trường tổ chức, chị T.T.C (Nam Định) còn đăng ký cho con tham gia 3 lớp học thêm bên ngoài cho 3 môn là toán, hóa, anh.

Chia sẻ về lý do cho con đi học thêm, chị T.T.C cho biết việc học thêm hiện tại là xu thế chung. Hầu hết các bạn xung quanh con đều đi học thêm. Các phụ huynh khác cũng đều có nhu cầu cao trong việc tìm kiếm các lớp học thêm phù hợp cho con.

Nếu như không cho con đi học thêm, gia đình chị C. cũng sẽ rất lo sợ về việc lượng kiến thức tiếp nhận của con không đủ, kết quả thi cử không khả quan.

"Tôi cũng nhận thấy sự mệt mỏi của cháu khi có một số hôm phải học liên tục từ 7h sáng trên trường đến 9h30 tối, sau đó phải tiếp tục chuẩn bị bài vở cho ngày hôm sau", chị C. chia sẻ.

Chị cũng khẳng định rằng dù con có đi học thêm nhưng kết quả học tập có cải thiện hay không hoàn toàn phụ thuộc vào ý thức tự giác và sự chủ động rèn luyện kiến thức của con, việc đi học thêm chỉ để bổ trợ thêm.

Lịch trình một ngày của học sinh cũng chỉ xoay quanh từ học chính khóa, học phụ đạo ở trường và đi học thêm. Vì thế guồng quay con trẻ chỉ có ba việc, thứ nhất là học, thứ hai là học, thứ ba vẫn là học.

Học sinh mệt mỏi vì học thêm nhiều nhưng trình độ chưa chắc được nâng cao - 2

Nhiều phụ huynh có con ở độ tuổi đi học phổ thông thường không yêu cầu con em mình làm cái gì khác ngoài học. (Ảnh minh họa: Hồng Nhung)

Với quan điểm tôn trọng mong muốn của con cái, chị B.M.H (Hà Nội), lại khác với phần lớn các phụ huynh, khi không cho con tham gia bất cứ lớp học thêm nào. "Tôi muốn con được thoải mái miễn là con vẫn đảm bảo tiếp thu được kiến thức ở trên trường và con cảm thấy những kiến thức được cung cấp đó là đủ".

Nếu như học sinh muốn học thêm để nâng cao năng lực, có thể khuyến khích tinh thần tham học hỏi ở các em và phụ huynh cũng sắp xếp để con học thêm, sao cho không làm hại đến sức khỏe và tâm lý con trẻ.

Bởi học thêm quá nhiều, bỏ qua quá trình tự học, cốt lõi của giáo dục tự thân sẽ mất đi ý nghĩa thật sự của việc học là lĩnh hội và áp dụng được kiến thức. Muốn giáo dục phát triển thực sự, phụ huynh và nhà trường cần khuyến khích, giáo dục năng lực tự học, học sinh phải coi trọng tự học.