Học sinh hào hứng tham gia "lớp học đảo ngược"

Lê Nga

(Dân trí) - Học sinh cảm thấy hứng thú khi tham gia học tập bằng phương pháp tự tìm hiểu kiến thức, cùng nhau thảo luận để đào sâu và mở rộng vấn đề.

Sự kiện MIG 2023 - Model International Government do câu lạc bộ (CLB) Lịch sử và Văn hóa (HE CSP) trực thuộc trường THPT Chuyên Đại học Sư phạm Hà Nội tổ chức vào ngày 16/4. Sự kiện được lấy cảm hứng từ Hội nghị Chính phủ, mô phỏng cuộc họp nội các của một quốc gia với những vấn đề đang là điểm nóng của quốc gia này, đưa ra biện pháp giải quyết. Điểm đến năm nay của sự kiện được đặt tại đất nước Nhật Bản, với các vấn đề sẽ được thảo luận chính là "An ninh quốc gia" và "Già hóa dân số".

Sự kiện là nơi giúp các bạn trẻ có cơ hội được trải nghiệm, tìm hiểu thêm về những vấn đề nóng hổi nhất của mỗi quốc gia trên thế giới cũng như nắm được những diễn biến chính đang xảy ra ở khắp mọi nơi trên phạm vi toàn cầu; xây dựng một "sân chơi" bổ ích cho các bạn học sinh, sinh viên; giúp các bạn tiếp cận, học hỏi và tích lũy kỹ năng sống, những kinh nghiệm có ích liên quan đến không chỉ Việt Nam mà còn cả các quốc gia khác, góp phần hỗ trợ cho công việc, cuộc sống sau này.

Học sinh hào hứng tham gia lớp học đảo ngược - 1

Sự kiện Model International Government là "sân chơi" giúp các bạn trẻ có cơ hội được trải nghiệm, tìm hiểu thêm về những vấn đề nóng hổi nhất của mỗi quốc gia trên thế giới (Ảnh: C.S.P).

Mô hình lớp học đảo ngược giúp các bạn học sinh hứng thú với việc học hơn

Em Nhân Nghĩa (học sinh Trường THPT Phan Huy Chú - Đống Đa) cho rằng học tập theo mô hình Flipped Classroom (lớp học đảo ngược - PV) có rất nhiều lợi ích. Vì đây là môi trường giúp các bạn học sinh được thể hiện ra kiến thức của mình. Cụ thể như sự kiện lần này là mô phỏng Chính phủ Nhật Bản, tức là mỗi người sẽ đóng vai làm một Bộ trưởng nhất định, sau đó đại diện sẽ được trình bày, đề xuất giải pháp và tranh biện với mọi người về các vấn đề được thảo luận.

Nghĩa chia sẻ: "Việc học theo phương pháp này giúp chúng em chủ động tìm hiểu kiến thức, cũng là một "sân chơi" để các bạn được thử sức mình. Trước buổi thảo luận, chúng em đã có một bài viết 800 chữ trình bày về vấn đề. Chúng em phải tự đọc tài liệu, đúc kết ra thực trạng, ảnh hưởng, và đề ra giải pháp. Đó là cách học khá thiết thực và yêu cầu các bạn học sinh phải tự học, tự tìm tòi.

Hơn nữa, chúng em còn được cải thiện kỹ năng thuyết trình và tư duy phản biện. Vì ở buổi thảo luận, mỗi người sẽ có 1-3 phút để thuyết trình, sau đó các đại diện sẽ chất vấn để cùng làm rõ vấn đề.

Học sinh hào hứng tham gia lớp học đảo ngược - 2

Em Nhân Nghĩa, học sinh Trường THPT Phan Huy Chú - Đống Đa, chia sẻ về lợi ích khi tham gia sự kiện (Ảnh: C.S.P).

Mô hình về mô phỏng Liên hợp quốc đã xuất hiện nhiều tại các CLB của trường học. Em nghĩ mô hình này nên được nhân rộng trong các nhà trường. Bởi vì cách học này giúp các bạn học sinh chủ động với kiến thức hơn. Thay vì nghe thầy cô giảng bài thì chúng em tự tìm đến kiến thức và trình bày nó.

Kiến thức này do chúng em phụ trách, nên chúng em phải chuẩn bị nội dung sao cho chặt chẽ, kiến thức thật chuẩn, cập nhật tình hình mới nhất. Ví dụ như nội dung mà em phụ trách, ngay chiều hôm qua em đã phải đọc báo và cập nhật thông tin để ngày hôm nay có thể trình bày".

Em Quỳnh Anh, thành viên ban tổ chức, cho biết, MIG là sự kiện hàng năm của CLB với mục đích tạo nên một "sân chơi" để cho các bạn học sinh được nói về những vấn đề nóng của các quốc gia trên thế giới.

Quỳnh Anh cho rằng: "Khi được học theo hình thức này, chúng em được học hỏi thêm rất nhiều thứ. Ban chuyên môn sẽ tranh luận và chọn ra các vấn đề nóng để thảo luận. Trước khi thực hiện sự kiện, chúng em có được các Giáo sư có chuyên môn duyệt trước nội dung, dự án được thông qua kiểm duyệt, đánh giá kỹ càng, đảm bảo tính khả thi và thực tế của sự kiện.

Bình thường khi học trên lớp hay đọc tài liệu, em sẽ chỉ tập trung vào một vấn đề và nó không được bao quát. Nhưng khi ở đây lắng nghe các ý kiến của mọi người thì góc nhìn của em được mở rộng hơn, cập nhật nhiều thông tin mà bản thân chưa biết. Việc đặt câu hỏi cho các bạn giúp em được trao đổi trực tiếp để làm rõ vấn đề hơn".

Đồng quan điểm với Quỳnh Anh, em Minh Tú (học sinh Trường THPT Chuyên Đại học Sư phạm Hà Nội) cũng cho rằng học tập theo hình thức tự tìm hiểu và thảo luận giúp các bạn học sinh hiểu sâu và mở rộng kiến thức.

"Cụ thể là chúng em chuẩn bị tư liệu về đất nước Nhật Bản để cho các bạn tham gia có thể tham khảo, nắm bắt thông tin. Cá nhân em là thành viên trong ban tổ chức cũng có cơ hội được tìm hiểu về chủ đề, qua đó mở rộng hiểu biết của mình về văn hóa cũng như các vấn đề trên các quốc gia.

Học sinh hào hứng tham gia lớp học đảo ngược - 3

Em Minh Tú, học sinh Trường THPT Chuyên Đại học Sư phạm Hà Nội, là thành viên ban tổ chức sự kiện (Ảnh: C.S.P).

Việc học theo mô hình này giúp tư duy của chúng em rộng mở hơn. Với một sự kiện được tổ chức theo hình thức giúp các bạn học sinh được thảo luận về một vấn đề nào đó, bản thân em ngồi nghe các bạn thuyết trình cũng hiểu biết hơn.

Theo em đây là một cách học rất thú vị và hiệu quả. Các bạn với vai trò là đại biểu, có góc nhìn riêng và đưa ra nhiều ý kiến khác nhau, qua đó em được tiếp thu nhiều ý kiến thú vị, việc đó rất có ý nghĩa đối với em", Minh Tú nói.

Không chỉ có thêm nhiều kiến thức, cải thiện kỹ năng mềm, việc tham gia các sự kiện ngoại khóa còn giúp Ánh Dương (học sinh Trường THCS & THPT Nguyễn Tất Thành) mở rộng thêm nhiều mối quan hệ.

Ánh Dương chia sẻ: "Em rất thích tham gia các sự kiện hoạt động ngoại khóa. Vì trước đây em không tham gia nhiều và cũng không có nhiều bạn bè. Sau khi được tham gia các sự kiện này, bản thân em đã có rất nhiều thay đổi tích cực cả về mặt học tập lẫn các mối quan hệ. Việc em phải trực tiếp nghiên cứu về vấn đề giúp kiến thức của em được mở rộng hơn rất nhiều.

Thú thực, em cảm thấy rất vui vì được bàn luận về những vấn đề lớn với tư cách là một đứa trẻ, em nghĩ đây cũng là điều mà rất nhiều bạn trẻ mong muốn. Khi tham gia sự kiện, mặc dù mọi người đến từ rất nhiều trường khác nhau nhưng ai cũng cởi mở, sẵn sàng chia sẻ. Vì vậy nên em cũng có thêm được rất nhiều bạn tốt sau khi tham gia các sự kiện.

Học sinh hào hứng tham gia lớp học đảo ngược - 4

Em Ánh Dương, học sinh Trường THCS & THPT Nguyễn Tất Thành, tham gia sự kiện với vai trò Phó Thủ tướng (Ảnh: C.S.P).

Em cảm thấy việc học trên trường các kiến thức mà chúng em được tiếp thu khá thụ động vì hầu như đều được nghe thầy cô giáo truyền đạt lại. Mô hình học tập này kích thích chúng em tự học và tìm hiểu hơn, cũng giúp chúng em hào hứng hơn với việc học.

Một sự kiện có thể diễn ra trong một ngày, nhưng các bạn trong ban tổ chức có thể phải mất rất nhiều thời gian để tìm hiểu về vấn đề thảo luận. Dù chỉ đang ngồi trên ghế nhà trường, nhưng chúng em luôn cố gắng làm mọi thứ chỉn chu nhất có thể".