Chữ "hiếu" trong tâm thức của người trẻ

Nguyễn Phương Thảo

(Dân trí) - Với mỗi người trẻ, chữ "hiếu" được hiểu và thực hiện theo nhiều cách khác nhau.

Ông cha ta ngày xưa đã có câu: "Công cha như núi Thái Sơn, nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra. Một lòng thờ mẹ kính cha, cho tròn chữ hiếu mới là đạo con". Bởi vậy mà chữ "hiếu" dù ở bất kỳ thời đại nào thì giá trị của nó vẫn không thay đổi.

"Tốc độ thành công của bạn phải nhanh hơn tốc độ già đi của cha mẹ"

Những ngày Tết này khi được hỏi đến đề tài gia đình, cha mẹ thì nhiều người không khỏi bồi hồi, xúc động. Hỏi chữ "hiếu" trong bạn là thế nào, Linh Chi (22 tuổi) có chút ngập ngừng.

Cô bạn cho biết: "Nhà mình có 2 chị em gái nên thường thiệt thòi hơn những gia đình khác, mọi người hay nói rằng "sinh con gái là con nhà người ta". Nhưng đối với bố mẹ mình thì 2 chị em là vô giá, họ yêu thương và bảo vệ chúng mình hết mực. Vậy nên dù sau này có đi đâu thì mình cũng không thể nào quên công ơn sinh thành, nuôi dưỡng của bố mẹ".

Chữ hiếu trong tâm thức của người trẻ - 1
Linh Chi mong ước bố mẹ được chứng kiến tất cả những khoảnh khắc quan trọng trong cuộc đời của mình (Ảnh: NVCC)

"Cha mẹ sinh con, nuôi con khôn lớn trưởng thành mà không một lời than vãn.

Con càng ngày càng cao lớn thì đồng nghĩa với việc lưng cha mẹ càng ngày càng còng đi, cả cuộc đời tần tảo, vất vả mưa nắng để nuôi con nên người. Vậy nên con cái phải có bổn phận báo đáp công ơn sinh thành, nuôi dưỡng của cha mẹ; đặt chữ 'HIẾU' lên đầu", Linh Chi chia sẻ.

Cũng theo Linh Chi một người con có hiếu sẽ là khi người ta nhắc đến mình mà bố mẹ cảm thấy tự hào, hạnh phúc. Và muốn báo đáp công ơn cha mẹ thì trước tiên mình phải sống tốt đã, không để họ phải lo lắng, nghĩ ngợi về mình nữa.

"22 năm qua bố mẹ đã vất vả nuôi mình khôn lớn, năm nay mình sẽ tốt nghiệp đại học, thật hạnh phúc nếu ngày đó bố mẹ có thể chứng kiến khoảnh khắc mình được nhận tấm bằng này. Đây chỉ là một cột mốc nhỏ đánh dấu cho chuỗi hành trình tương lai phía trước. Mình chỉ mong sau này, trong các cột mốc quan trọng khác của cuộc đời mình bố mẹ vẫn có thể tiếp tục chứng kiến và chúc mừng.

Có một câu nói mà mình rất tâm đắc đó chính là: "Tốc độ thành công của bạn phải nhanh hơn tốc độ già đi của cha mẹ". Thời gian sẽ không dừng lại để chờ chúng ta và bố mẹ cũng vậy, họ không thể ở bên chúng ta mãi mãi. Vậy nên chúng ta phải nỗ lực, phấn đấu mỗi ngày để đạt được mục tiêu mà mình muốn, phải chạy đua với thời gian để khi mình thành công thì bố mẹ vẫn còn đó, vẫn là người ôm mình vào lòng và nói "con vất vả rồi", Linh Chi chia sẻ.

"Gia đình là thứ tồn tại duy nhất, còn những thứ khác có hay không, không quan trọng"

Còn với Ngọc Linh, chữ "hiếu" đối với bạn không phải là điều gì quá to lớn, mỹ miều mà chỉ đơn giản như Đen Vâu từng nói "Đem tiền về cho mẹ, đừng mang ưu phiền về cho mẹ".

Linh chia sẻ: "Đối với mẹ mình thì niềm vui chính là việc mình ngoan ngoãn, học tốt, không làm bất cứ điều gì khiến mẹ phải lo lắng hay phiền muộn. Nhà cũng chỉ có 2 mẹ con nên mỗi năm, vào dịp Tết mình luôn cố gắng sắp xếp hết các công việc, học hành để về đón Tết thật sớm với mẹ, cùng mẹ sắm đồ, dọn dẹp nhà cửa,...

"Chữ 'hiếu' đối với mẹ và mình không quá đặt nặng về lễ nghi hay quy củ mà chỉ đơn giản là khiến cả 2 mẹ con cùng vui vẻ và hạnh phúc. Mình khá may mắn khi mẹ là một người rất tâm lý, nhiều lúc như chị em hoặc 2 người bạn thân vậy, cùng nhau mua sắm, du lịch, tám về bọn con trai, về công việc, cuộc sống…

Chữ hiếu trong tâm thức của người trẻ - 2
Linh và mẹ thân thiết như hai người bạn, có thể sẻ chia với nhau mọi chuyện trong cuộc sống. (Ảnh: NVCC)

Cũng theo Linh, gia đình là thứ không thể mua bằng tiền, vật chất; gia đình chỉ thực sự là gia đình khi ở nơi đó những thứ tình cảm chân thật được sẻ chia. Bởi vậy mà người ta mới nói gia đình là thứ tồn tại duy nhất, những thứ khác có hay không, không quan trọng.

"Mục tiêu trước mắt của mình sẽ là cố gắng kiếm tiền để giúp mẹ thực hiện mong muốn mua có một chiếc xe 4 bánh tránh mưa tránh gió", Linh cho biết.

Ranh giới mong manh giữa "có hiếu" và "bất hiếu"

Khi được hỏi rằng: "Có hiếu là phải nhất định nghe theo lời cha mẹ dù đúng hay sai" hay không thì Hà Công Minh (22 tuổi) cho rằng cũng có phần đúng. Bởi theo bạn có khá nhiều những quyết định trong đời đều ảnh hưởng từ bố mẹ, từ định hướng cho đến con đường sau tương lai sau này.

Song bên cạnh đó, Công Minh cho biết: "Là một người anh cả, lại ra ngoài học sâu biết nhiều thì đôi khi mình cũng sẽ giúp bố mẹ có cái nhìn sâu rộng, khách quan hơn về một vấn đề nào đó. Không phải lúc nào cũng nhất nhất phải nghe theo lời bố mẹ mới là có hiếu. Chỉ cần mình làm đúng, làm đủ, làm tốt, không nản chí thì bố mẹ sẽ luôn ủng hộ".

Chữ hiếu trong tâm thức của người trẻ - 3

Công Minh cho rằng để có hiếu không khó nhưng chỉ cần sơ sẩy một chút cũng rất dễ trở thành bất hiếu (Ảnh: NVCC).

Chia sẻ thêm, Công Minh cho hay dù cũng có chữ hiếu nhưng ranh giới giữa "bất hiếu" và "có hiếu" mong manh lắm. Song song với sự phát triển đất nước thì những giá trị đạo đức xã hội lại có những dấu hiệu suy giảm, một trong số đó chính là chữ "hiếu" trong tâm thức lối sống của người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ.

"Ngày nay, không ít những sự việc đau lòng xảy ra giữa cha mẹ và con cái. Một bộ phận nhỏ trong xã hội đã không còn giữ đúng được đạo làm con, làm cháu trong gia đình khi có nhiều hành động, lời nói… vi phạm chuẩn mực đạo đức của xã hội. Bản thân là một người trẻ, cũng đang phận làm con mình luôn tự nhắc nhở phải cố gắng sống cho tròn chữ "hiếu". Bởi chỉ khi bạn đối xử tốt với gia đình thì thành công mới đến với bạn", Công Minh chia sẻ.

Giá trị của bạn sẽ được nâng cao nếu sống có "hiếu"

Đối với Quốc Tiến (28 tuổi), chữ "hiếu" thể hiện qua hai phương diện vật chất và tinh thần. Về phương diện vật chất đó là có thể chăm lo cho cha mẹ khi họ đau ốm, bệnh tật, thuốc men, … Về phương diện tinh thần là luôn quan tâm, kính yêu, ghi nhớ công ơn họ. Đặc biệt, có "hiếu" là phải sống tốt, biết lo cho bản thân và gia đình, trở thành người hữu ích cho xã hội để cha mẹ yên tâm và tự hào, không làm cho cha mẹ buồn lòng.

Chữ hiếu trong tâm thức của người trẻ - 4

Theo Quốc Tiến, chữ "hiếu" là một phần để đánh giá con người bạn (Ảnh: NVCC).

Ngoài ra theo Tiến, trong công việc, chữ "hiếu" cũng được đánh giá cao. Đối với bất kỳ công việc gì, bạn sẽ chỉ được đề cao và xem trọng nếu bạn có trách nhiệm với nó. Mà trước đó, muốn biết bạn có phải là người trách nhiệm hay không thì phải nhìn từ cách bạn đối xử với gia đình. Cách thể hiện chữ "hiếu" của con người đánh giá nhân phẩm của người đó, người hiếu thảo với cha mẹ là những con người đáng được tôn trọng.

"Bản thân mình rất kính trọng và ngưỡng mộ những người sếp, đàn anh, đàn chị của mình. Họ là những con người vừa có tài vừa có đức. Vừa có kinh tế lo cho cha mẹ về vật chất, vừa luôn hiếu thảo, khắc ghi công lao nuôi nấng sinh thành. Những người như vậy đáng để chúng ta học tập theo", Tiến chia sẻ.