Cha mẹ phải làm gì khi trẻ lạc vào "mê cung" web đen, mạng xã hội?

Trần Thành Nam

(Dân trí) - Nhiều trang web hiện nay khiến trẻ dễ dàng tiếp cận với những nội dung xấu, độc hại. Một phần do cha mẹ không có thời gian, phó mặc con cho mạng xã hội nên bị dẫn dắt vào các "mê cung".

PGS. TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Các khoa học Giáo dục (ĐH Giáo dục- ĐHQG Hà Nội), nêu quan điểm về thực trạng trẻ "vô tư" xem web đen nhưng cha mẹ thiếu kiểm soát. 

Trẻ vừa biết đi đã được tiếp cận mạng xã hội

Theo nhiều số liệu nghiên cứu, độ tuổi trẻ em truy cập trang web trực tuyến và sử dụng mạng xã hội (MXH) ngày càng nhỏ hơn.

Cụ thể, khoảng 1/3 trẻ từ 3-4 tuổi đã được tiếp xúc và sử dụng máy tính để bàn hoặc máy tính bảng, Tỉ lệ trẻ từ 5-7 tuổi biết sử dụng internet và thường xem các nội dung trực tuyến chiếm đến 87%.

Nhiều trang web khiến trẻ dễ dàng tiếp cận với những nội dung xấu, độc hại. Báo chí đã phản ánh rất nhiều nhưng sự vô tâm của cha mẹ chẳng khác nào "đem con bỏ chợ".

Trong 10 năm qua, dường như có xu hướng đang nổi lên, trẻ ở độ tuổi mới biết đi đã được tiếp cận với máy tính bảng, biết tương tác trên màn hình cảm ứng để trực tuyến và những rủi ro liên quan đến việc sử dụng internet ở độ tuổi nhỏ như vậy hoàn toàn chưa được quan tâm. 

Cha mẹ phải làm gì khi trẻ lạc vào mê cung web đen, mạng xã hội? - 1

Một số web đen tràn lan trên mạng xã hội.

Thậm chí hiện tại, do sự thiếu ý thức của người lớn, rất nhiều hồ sơ, hình thành của trẻ bị công khai ở độ tuổi rất nhỏ khi cha mẹ vẫn giữ thói quen khoe con, thoải mái viết blog, thường xuyên đăng ảnh, video clip của các em trong giai đoạn sơ sinh (thậm chí cả video siêu âm trẻ khi chưa sinh ra) và giai đoạn tiền học đường (khi các em còn quá nhỏ chưa thể hiểu hoặc đủ khả năng thể hiện đồng ý hay phản đối). Điều này rất nguy hại đối với trẻ.

Trẻ đang làm gì và phải đối diện nguy cơ nào trên mạng xã hội?

Giai đoạn dưới 7 tuổi: Bằng chứng nghiên cứu cho thấy, trẻ ở độ tuổi này thích chơi trò chơi và các em rất giỏi sử dụng các màn hình cảm ứng.

Trẻ không thể tự tìm kiếm các nội dung vì chỉ mới học đọc và viết. Do đó, ở độ tuổi này, trẻ thường phụ thuộc vào cha mẹ để tìm kiếm các video clip ưa thích.

Cha mẹ có thể kiểm soát con tốt hơn nhưng đáng tiếc, chúng ta không có thời gian nên phó mặc con cho MXH dẫn dắt vào các "mê cung".

Theo báo cáo Digital 20201 - Việt Nam của We are Social vào tháng 2/2021, Việt Nam có khoảng 72 triệu tài khoản mạng xã hội chiếm 73,7% tổng dân số. Hai mạng xã hội sử dụng phổ biến nhất là Facebook với 68 triệu tài khoản, và Youtube với 55,7 triệu tài khoản. Thời gian trung bình dành cho các MXH này hàng ngày là 2h21 phút.

Giai đoạn từ 7 đến 10 tuổi: Theo tâm lý lứa tuổi này, trẻ thường thích làm theo ý mình. Trẻ ở độ tuổi này nhanh chóng tiếp thu công nghệ và háo hức truy cập các trang web, các ứng dụng, thỏa sức tải các video thiếu chuẩn mực, các tệp và chương trình độc hại và nguy hiểm mà không ý thức.

Trẻ cũng háo hức tìm kiếm một "người bạn" trên internet, và có thể gặp phải những kẻ nguy hiểm, thậm chí bị lạm dụng tình dục.

Đối với trẻ từ 10 đến 13 tuổi: Độ tuổi này, trẻ nhận thức được về internet và thấy rất nhiều thông tin thú vị có sẵn trên đó.

Đây là giai đoạn trẻ bắt đầu tận dụng internet để làm bài tập về nhà. Đặc biệt, các em có thể "bập" vào các trò chơi trên mạng và trở nên nghiện game, nghiện máy tính, internet…

Giai đoạn từ 14 đến 17 tuổi: Giai đoạn này, các bạn trẻ thường có xu hướng giao tiếp qua internet hơn là giao tiếp trực tiếp. Thích giao tiếp với bạn đồng trang lứa hơn là cha mẹ. Do đó, việc kiểm soát trẻ sử dụng mạng giai đoạn này càng trở nên phức tạp hơn đối với các bậc cha mẹ.

Ở độ tuổi này, các em rất tích cực sử dụng các công cụ tìm kiếm, e-mail, nhắn tin (chat), tải nhạc và phim, chơi game và rất dễ vướng phải các lùm xùm liên quan đến bắt nạt, nghiện, tổn thương sức khỏe tâm thần, thậm chí hành vi vi phạm pháp luật trên mạng mà cha mẹ không biết.

Biết sử dụng nhưng thiếu kĩ năng bảo vệ an toàn

Có thể nói, thế hệ trẻ hiện nay thoải mái kết nối trên các nền tảng MXH - nghiện MXH nhiều hơn.

Ngoài giờ học, điện thoại/ipad là thứ đồ chơi công nghệ phổ biến và gần gũi nhất. Nhiều người cho rằng giới trẻ hiện tương tác 3-4 màn hình cùng lúc. Nên tiếp cận thông tin nhanh và nhiều hơn.

Mặc dầu giới trẻ có kỹ năng sử dụng thiết bị công nghệ tốt nhưng lại rất thiếu kỹ năng sử dụng công nghệ và mạng an toàn.

Một nghiên cứu về MXH chỉ ra rằng, có đến 1/3 số trẻ từ 9-16 tuổi tham gia Facebook. Các em ở độ tuổi càng nhỏ, càng có xu hướng công khai tất tần tật hồ sơ, từ năm sinh, số điện thoại, địa chỉ nhà riêng, những sở thích đặc biệt...

Trong khi đó, các quy tắc của cha mẹ về sử dụng mạng cũng chỉ có hiệu quả một phần và các tính năng của các trang MXH thiết kế để bảo vệ trẻ chưa phù hợp với độ tuổi này.

Đặc biệt, theo một khảo sát từ Trung tâm Công nghệ thông tin và truyền thông thực hiện tại Đà Nẵng mới đây, phần lớn trẻ em tự học cách dùng Internet (68%) hoặc học từ bạn bè đồng trang lứa (17%).

Số liệu cho thấy, trẻ học được rất ít từ cha mẹ mình (chỉ chiếm 2%) hoặc nhà trường (11%). Đáng nói là bạn bè, cha mẹ và trường học chỉ dạy các em kỹ năng sử dụng ứng dụng phần mềm thôi chứ không dạy kỹ năng sử dụng mạng an toàn.

Cha mẹ phải làm gì khi trẻ lạc vào mê cung web đen, mạng xã hội? - 2

Nhiều trẻ em có năng lực sử dụng mạng độc lập nhưng không có khả năng "miễn dịch". 

Cần trang bị gì cho thế hệ trẻ để phát triển hệ miễn dịch số

Để trang bị cho trẻ năng lực "miễn dịch số" khi tham gia môi trường mạng, kinh nghiệm các nước đều có chiến lược giúp học sinh tiếp xúc với giáo dục an toàn mạng từ sớm (giai đoạn 6-8 tuổi).

Đây là lứa tuổi đã được bố mẹ cho sử dụng mạng một cách độc lập và có nguy cơ cao nhất, chịu tác động lớn nhất của những nội dung xấu, tương tác xấu trên mạng như bắt nạt trực tuyến, sexting và các hành vi.

Nội dung giáo dục về an toàn mạng cho các em thường tập trung vào 6 nhóm vấn đề.

Sự cân bằng và lành mạnh trong không gian ảo và cuộc sống thực

Trong chủ đề này, học sinh tìm hiểu cách để thời gian sử dụng mạng internet phù hợp, lành mạnh, đem lại lợi ích.

Học sinh sẽ khám phá dần ảnh hưởng của việc sử dụng internet đối với cuộc sống hàng ngày, đối với sức khỏe, các mối quan hệ, từ đó tự đánh giá, tìm hiểu và lên kế hoạch thực hiện các chiến lược cân bằng giữa việc sử dụng mạng và cuộc sống thực.

Hình ảnh của bản thân trên mạng

Học sinh tìm hiểu và nhận diện trách nhiệm của cá nhân trên môi trường mạng. Học sinh xem xét lợi ích và nguy cơ của việc chia sẻ trên mạng, xem xét những tác động của hành động đó đối với danh tính, hình ảnh của bản thân và các mối quan hệ. Học sinh có các chiến lược để quản lý thông tin của bản thân, tận dụng công nghệ trong việc xây dựng hình ảnh bản thân tích cực và hiệu quả

Vấn đề bảo mật

Học sinh nhận diện những nguy cơ liên quan đến vấn đề bảo mật, rèn luyện kỹ năng đánh giá, nhận diện và có các chiến lược để bảo vệ thông tin cá nhân, riêng tư trên mạng

Vấn đề giao tiếp và tương tác trên mạng

Ở chủ đề này, học sinh tìm hiểu cách thức để xây dựng mối quan hệ tích cực trong môi trường mạng. Học sinh sẽ tìm hiểu những lợi ích và nguy cơ đến từ mối quan hệ trên mạng.

Bắt nạt trực tuyến, các sự cố trên mạng

Học sinh khám phá cách thức ứng xử với người khác trên mạng một cách phù hợp, tôn trọng và hợp pháp.

Các em học cách trở thành người chứng kiến tích cực, bảo vệ bản thân và người khác khỏi bắt nạt trực tuyến, xây dựng mối quan hệ tích cực và cộng đồng mạng có tính hỗ trợ.

Tin tức mạng và nhận thức về truyền thông

Trong chủ đề này, học sinh tìm hiểu và rèn luyện kỹ năng, thái độ và tư duy phản biện đối với các thông tin trên mạng, hình thành khái niệm quyền sở hữu nội dung trực tuyến, từ đó nhận diện trách nhiệm của bản thân với việc tạo ra, lưu trữ, sử dụng và truyền tải thông tin của bản thân và người khác trên mạng.

Việc giáo dục 6 vấn đề của kỹ năng an toàn mạng cho con trên đây, cũng chính là hành trình tự giáo dục, tự cập nhật bản thân của các bậc phụ huynh. Đó là cách thức bền vững để bảo vệ một môi trường MXH sạch và an toàn cho các thế hệ tương lai.