Áp lực từ chiếc "vòng kim cô" con ngoan, trò giỏi đè nặng tâm lý trẻ

Minh Nhật

(Dân trí) - Không phải đòn roi, mà chính những áp lực "vô hình" do phụ huynh tạo ra lại trở thành một thứ vũ khí có tính sát thương cao, như chiếc vòng kim cô siết chặt lấy trẻ.

Chỉ trong một thời gian ngắn đã xảy ra liên tiếp nhiều vụ việc trẻ em tự tử đầy thương tâm. Đáng nói, không phải đòn roi, mà chính những áp lực "vô hình" do phụ huynh tạo ra lại trở thành một trong những nguyên nhân chính yếu, khiến các em đi đến quyết định dại dột.

Từ góc độ của một chuyên gia tâm lý, PGS.TS Trần Thu Hương - Giảng viên Khoa Tâm lý học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội nhận định, có những lời nói, cách hành xử vốn được phụ huynh xem là bình thường lại có tính "sát thương" cực kì cao đối với trẻ, gây áp lực cao lên trẻ.

Khi lời nói "nặng" hơn cả đòn roi

Áp lực từ chiếc vòng kim cô con ngoan, trò giỏi đè nặng tâm lý trẻ - 1

Các con thường cố gắng bộc lộ những hành vi để làm hài lòng bố mẹ nhưng trên thực tế không phải là như vậy (Ảnh: minh họa).

PV: Nạn nhân trong nhiều vụ việc trẻ em tự tử là những học sinh trường chuyên, lớp chọn, sống trong gia đình cơ bản. Liệu đây có phải là hành động bồng bột nhất thời của các em thưa chuyên gia?

PGS.TS Trần Thu Hương: Các con khi đã đưa ra quyết định tự tử và thực hiện hành vi này thì đều có lý do và lý do này đã kéo dài rất lâu. Điều đó có nghĩa là suy nghĩ và hành động của các con không hề bột phát.

Chúng ta có thể thấy, các trường hợp trẻ tự tử trong thời gian gần đây tập trung ở độ tuổi 12 - 16 tuổi, tức là tuổi vị thành niên. Ở giai đoạn này các con có rất nhiều vấn đề như: khó kiểm soát về mặt cảm xúc, khó kiểm soát về mặt hành vi.

Các con tuổi vị thành niên sẽ có những suy nghĩ khá là khác so với suy nghĩ của bố mẹ. Do đó, ở giai đoạn này các con rất hay có sự "nổi loạn" dẫn đến những xung đột rất lớn với bố mẹ.

Nếu bố mẹ không nắm bắt được, không hiểu được nguyên nhân cốt lõi của sự xung đột đấy thì chắc chắn sẽ thúc đẩy các con đến với hành vi tiêu cực. Trong đó, tự tử là một trong các hành vi tiêu cực nhất.

Thường khi chúng ta hỏi về xung đột với bố mẹ của các con ở tuổi vị thành niên sẽ nhận được câu trả lời: "Bố mẹ không hiểu gì con cả!".

Các con thường cố gắng bộc lộ những hành vi để làm hài lòng bố mẹ nhưng trên thực tế không phải là như vậy.

Các bố, các mẹ cần phải suy nghĩ, lưu tâm và có sự cân nhắc về những việc có thể tạo áp lực cho các con giai đoạn này, vì đây là thời điểm khiến cho các con dễ bị kích động nhất.

Từ những vụ việc thương tâm đã xảy ra, có thể thấy, không phải đòn roi, mà chính những việc mà các vị phụ huynh vẫn coi là điều rất bình thường như: nhắc nhở con chuyện học hành, bảo con phải làm thế này, thế kia... lại trở thành nguyên nhân chính khiến các em đi đến quyết định dại dột. Vì sao lại như vậy thưa chuyên gia?

- Bạo lực có 2 dạng thức là bạo lực thể chất và bạo lực tinh thần. Những lời nói, kỳ vọng và sự áp đặt của bố mẹ đem đến áp lực tinh thần cực kì lớn và dai dẳng với trẻ. Điều này gây ra sát thương lớn và giống như xát muối đi, xát muối lại vết thương của trẻ.

Nhiều khi, thà rằng các con bị đánh mắng, đòn roi sẽ còn dễ chịu hơn nhiều so với những áp lực tinh thần mà bố mẹ đưa đến, vì vết thương trên da có thể sớm lành trong khi vết thương tinh thần cứ dai dẳng mãi.

Cuối cùng, khi các con đã quá mệt mỏi, không chịu đựng được sẽ ra quyết định thực hiện các hành vi và có thể dẫn đến các kết cục thương tâm.

Các hành vi này, về mặt bản chất giống như sự cảnh báo của các con với bố mẹ là họ cần thực sự lắng nghe, thấu hiểu mình hơn. Tuy nhiên, một số trường hợp, các con không thể lường trước hậu quả hành vi của mình nên cuối cùng dẫn đến kết cục không đáng có.

Trở thành "con ngoan, trò giỏi": Áp lực đè nặng tâm lý của trẻ

Áp lực từ chiếc vòng kim cô con ngoan, trò giỏi đè nặng tâm lý trẻ - 2

Bản chất mỗi con có một đặc điểm riêng, không thể nào nghe theo bố mẹ suốt đời (Ảnh: minh họa).

Vậy thứ áp lực này với những học sinh trường chuyên, lớp chọn luôn sống trong kỳ vọng của bố mẹ là phải trở thành con ngoan, trò giỏi hẳn sẽ rất lớn?

- Thật ra bố mẹ nào cũng muốn con đạt được thành tích nhưng đôi khi thành tích đó không phải là của con mà đấy là thành tích của bố mẹ. Vì khi con đạt một thành tích nào đấy bố mẹ rất vui vẻ, hồ hởi khoe với người khác con đạt được cái này và cái kia, nhưng chưa chắc các con đã vui vẻ. Bố mẹ nhiều khi bỏ qua những năng lực thực sự của con.

Cần nói rằng, mỗi đứa trẻ lại có các năng lực khác nhau, ví dụ có con giỏi toán, có con giỏi văn, có con giỏi nghệ thuật.

Tuy nhiên, các con vẫn phải theo quan điểm của bố mẹ. Vì vậy nhiều khi tạo sự xung đột: bố mẹ cho rằng, con phải phát triển theo hướng này mới tốt, có thể giúp con thành đạt, thành công trong cuộc sống, nhưng con lại không muốn vậy, con có năng lực khác muốn đi theo năng lực mà con giỏi, yêu thích.

Chính bố mẹ sử dụng quyền lực của mình áp cho con và khiến con bị ngắt cảm xúc. Những cảm xúc lẽ ra phải đi theo chiều tích cực bị ngắt lại và đảo chiều đi theo chiều hướng tiêu cực.

Bố mẹ lại nghĩ rằng, con tạm thời nghe lời mình nghĩa là mình đã thắng cuộc và các con phải nghe theo mình. Tuy nhiên, bản chất mỗi con có một đặc điểm riêng, không thể nào nghe theo bố mẹ suốt đời.

Nhưng nhìn ở góc độ ngược lại, đã là người làm cha, làm mẹ ai cũng muốn con ngoan ngoãn, thành tài. Làm sao để dung hòa giữa kỳ vọng của bố mẹ và mong muốn của con cái?

- Tất nhiên, bố mẹ nào cũng muốn con mình trở thành một đứa trẻ ngoan ngoãn, học giỏi, đạt thành tích cao. Những điều này, đứa trẻ vẫn có thể đáp ứng nhưng các con cần có một sự thông cảm, thấu hiểu và lắng nghe từ phía các vị phụ huynh. Một điều rất quan trọng là sự tin tưởng vào đứa trẻ của bố mẹ và thừa nhận năng lực mới giúp con phát triển tốt.

Thời gian gần đây, bà có gặp nhiều trường hợp trẻ em cần tư vấn tâm lý và vấn đề các con thường gặp phải là gì?

- Số lượng này rất nhiều! Đa phần các bạn theo hướng xung đột với bố mẹ, không nói chuyện được, không kiểm soát được các vấn đề về cảm xúc. Có bạn trở nên lo âu và tự đổ lỗi cho bản thân là mình không được như bố mẹ mong muốn, có bạn bị trầm cảm, có bạn thất bại trong việc học tập của mình và dẫn đến các hành vi nguy cơ.

Trong một số trường hợp, các bạn gái tìm kiếm mối quan hệ với người khác giới và đẩy mình vào trạng thái nguy cơ, khi rơi vào mối quan hệ không kiểm soát và không giữ cho mình an toàn.

Bạn trai sẽ có xu hướng gây hấn, có hành vi bạo lực với người khác. Và trong nhiều trường hợp khác, cả các bạn nam và nữ có các hành vi tự xâm hại bản thân như: cắt tay, dẫn đến các bạn có nguy cơ tự tử nhiều hơn.

 Việc phải học trực tuyến kéo dài vì dịch có phải là một trong những nguyên nhân góp phần làm tăng vấn đề về tâm lý ở trẻ?

- Học trực tuyến kéo dài gây ra một ảnh hưởng rất lớn về sức khỏe tâm thần ở trẻ. Điều này đã được chứng minh qua dữ liệu nghiên cứu của Tổ chức Y tế Thế giới.

Không chỉ ở Việt Nam, mà nhiều nơi trên thế giới khi học sinh không được đến trường và phải học trực tuyến tỷ lệ trầm cảm, lo âu và rối loạn liên quan đến stress đã tăng lên rất nhiều. Theo nghiên cứu của WHO vào tháng 8/2020, tỷ lệ này tăng 7 - 8 lần.

Ở Việt Nam, dù chưa có nghiên cứu cụ thể về vấn đề này nhưng có lẽ cũng trong khoảng 3 - 4 lần.

Rõ ràng chúng ta có thể thấy, các em học sinh ở trong nhà học trực tuyến không được giao lưu với người khác, suốt ngày bị gắn với trang thiết bị điện tử, dẫn đến việc các em chỉ có giao tiếp một chiều. Giao tiếp một chiều không giúp các em giải tỏa các vấn đề về mặt cảm xúc. Điều này khiến vấn đề sức khỏe tâm thần của các em gia tăng, tập trung vào vấn đề về cảm xúc như trầm cảm, lo âu…

Phát hiện vấn đề không khó, quan trọng là niềm tin của bố mẹ

Áp lực từ chiếc vòng kim cô con ngoan, trò giỏi đè nặng tâm lý trẻ - 3

Bất cứ khi nào các con có sự chống đối lại thì bố mẹ cần có sự lưu tâm (Ảnh: minh họa).

Các vị phụ huynh có thể phát hiện sớm con mình có vấn đề về tâm lý thông qua những dấu hiệu nào?

- Bất cứ khi nào các con có sự chống đối lại thì bố mẹ cần có sự lưu tâm. Bên cạnh đó, trẻ có vấn đề về tâm lý có thể xuất hiện những bất ổn về cảm xúc, hành vi. Ví dụ như đột nhiên các con ủ rũ, không vui vẻ, tự đóng cửa nhốt mình bên trong, kết quả học tập giảm sút, cắt đứt các mối quan hệ với bạn bè, trở nên gây hấn hơn…

Tất cả những điều đấy, bố mẹ phải hết sức lưu tâm và cần có những biện pháp hỗ trợ cho các con, tìm cách khắc phục. Nếu bố mẹ bế tắc không hỗ trợ được, phải nhanh chóng tìm sự trợ giúp của các chuyên gia tâm lý. Vì có những vấn đề các con không nói với bố mẹ và chỉ nói với người khác.

Tuy nhiên, tôi nhấn mạnh rằng, sự bất ổn của các con nếu bố mẹ tinh ý sẽ dễ dàng phát hiện được nhưng điều quan trọng là các vị phụ huynh có tin vào các con hay không!

Nhiều ông bố, bà mẹ khi thấy các con như vậy sẽ nghĩ là con kiếm cớ để không học, để đối phó. Trong khi đó, thật ra các con có vấn đề và cần được lắng nghe, giải quyết.

 Xin cảm ơn bà!