Thủ tướng: "Học trò tốt hay xấu là do thầy giáo, cô giáo tốt hay xấu"

Nguyễn Liên

(Dân trí) - Thủ tướng nhấn mạnh, cần hoàn thiện cơ chế chính sách sao cho phù hợp thực tiễn, tương xứng với lao động đặc thù của giáo viên; chăm lo tốt nhất cả về vật chất và tinh thần cho nhà giáo.

Mỗi thầy, cô giáo phải xem nhiệm vụ giáo dục là cao cả

Phát biểu tại lễ kỷ niệm 40 năm ngày Nhà giáo Việt Nam, tổ chức tại Hà Nội ngày 19/11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tâm sự, xác định giáo dục đào tạo là quốc sách hàng đầu, Đảng và Nhà nước ta luôn đặc biệt quan tâm, ban hành và triển khai nhiều chủ trương, chính sách và đạt được những kết quả quan trọng.

Thủ tướng nhấn mạnh, lễ kỷ niệm 40 năm ngày Nhà giáo Việt Nam là dịp để chúng ta tri ân hơn 1,6 triệu nhà giáo trên cả nước và biết bao thế hệ thầy giáo, cô giáo luôn cống hiến thầm lặng, bền bỉ cho sự nghiệp giáo dục thế hệ tương lai.

"Nhiều thầy cô đã vượt khó vươn lên, là tấm gương sáng về đạo đức, sự tận tụy, hy sinh, tâm huyết, cống hiến với nghề; có những thầy cô đã hiến dâng cả tuổi xuân, tình nguyện trở thành người cha, người mẹ thứ hai của các em học sinh.

Thay mặt Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và với tình cảm cá nhân, tôi xin bày tỏ sự kính trọng, tri ân sâu sắc tới các thế hệ thầy cô giáo trên cả nước, những người gánh vác sự nghiệp trồng người hết sức cao cả và vinh quang", Thủ tướng nói.

Thủ tướng: Học trò tốt hay xấu là do thầy giáo, cô giáo tốt hay xấu - 1
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại buổi lễ (Ảnh: T.H).

Nhắn nhủ tới đội ngũ nhà giáo, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhắc lại câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Học trò tốt hay xấu là do thầy giáo, cô giáo tốt hay xấu". Theo đó, mỗi thầy, cô giáo phải xem nhiệm vụ giáo dục là cao cả, đặt toàn bộ tâm huyết, lương tâm, sự hiểu biết sâu sắc và trách nhiệm vào công việc.

Các thầy cô cần là người truyền cảm hứng, lòng yêu nước; chấp nhận sự khác biệt, tôn trọng sự đa dạng, phát huy cao nhất sở trường, năng khiếu của mỗi học sinh, tất cả vì học sinh thân yêu, vì sự nghiệp giáo dục cao cả.

"Tôi mong rằng các thầy cô luôn đề cao ý thức rèn đức luyện tài, tâm huyết, yêu nghề, yêu người; không ngừng học tập, tu dưỡng, tích lũy kiến thức, kinh nghiệm, nâng cao trình độ chuyên môn; năng động, sáng tạo, linh hoạt có cách tiếp cận mới trong dạy và học.

Đồng thời, tích cực ứng dụng khoa học công nghệ, mang lại luồng sinh khí, làn gió mới với sức thuyết phục cao trong mỗi bài giảng. Qua đó, góp phần bồi dưỡng thế hệ tương lai của đất nước với tinh thần "yêu người bao nhiêu, ta càng yêu nghề bấy nhiêu", Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng cũng mong các thầy cô sẽ trở thành tấm gương sáng cho học sinh về tình yêu thương, sẻ chia và trách nhiệm; về nghiên cứu, đổi mới sáng tạo; về khát vọng cống hiến, nỗ lực vượt khó; về đạo đức, tác phong, lối sống, tính nhân văn, nhân ái, tinh thần đoàn kết, kỷ luật...

Bên cạnh đó, các thầy, các cô phải như người cha, người mẹ thứ hai, thường xuyên quan tâm tới tâm, sinh lý, nguyện vọng chính đáng của các cháu; khơi gợi, bồi đắp, hun đúc, trao truyền cho thế hệ trẻ lý tưởng, đạo đức, các giá trị chân - thiện - mỹ, tinh hoa văn hóa dân tộc và nhân loại; góp phần hình thành những phẩm chất tốt đẹp của con người Việt Nam, năng lực sáng tạo của học sinh.

Thủ tướng: Học trò tốt hay xấu là do thầy giáo, cô giáo tốt hay xấu - 2
Các nhà giáo lão thành dự lễ kỷ niệm 40 năm ngày Nhà giáo Việt Nam (Ảnh: T.H).

Đối với phụ huynh và học sinh, Thủ tướng chia sẻ, tất cả chúng ta đều muốn dành sự tri ân và biết ơn sâu sắc nhất đến các thầy cô.

Từ xa xưa, cha ông ta có câu: "Muốn qua sông thì bắc cầu kiều/Muốn con hay chữ phải yêu lấy thầy" để nhắn nhủ chúng ta phải luôn tôn trọng, quan tâm, chia sẻ, đồng hành với thầy cô; phối hợp chặt chẽ với nhà trường để cùng dạy dỗ các cháu trở thành con ngoan, trò giỏi, công dân tốt của xã hội.

Thủ tướng mong các em học sinh sẽ hiểu được tình cảm, sự hy sinh, vất vả cống hiến hết mình của thầy cô để cố gắng hơn nữa trong học tập, rèn đức, luyện tài; mang lại niềm vui, tự hào, hạnh phúc cho thầy cô.

Cần hoàn thiện cơ chế, chính sách liên quan đến đội ngũ giáo viên

Đối với các bộ, ngành, cơ quan, địa phương, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị tiếp tục chủ động quán triệt, triển khai hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển giáo dục đào tạo, nhất là Nghị quyết số 29 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo bằng các kế hoạch, chương trình hành động cụ thể.

Cần ban hành và triển khai hiệu quả Chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045 theo hướng xây dựng hệ thống giáo dục mở, học tập suốt đời, công bằng và bình đẳng, chuẩn hóa, hiện đại, xã hội hóa và hội nhập quốc tế.

Bên cạnh đó, thực hiện hiệu quả Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021-2030; phát triển giáo dục nghề nghiệp theo hướng mở, linh hoạt, hiện đại, hiệu quả, hội nhập; chú trọng cả quy mô, cơ cấu, chất lượng đào tạo; bám sát nhu cầu của thị trường lao động gắn với việc làm, an sinh xã hội và phát triển bền vững, bao trùm; thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo.

Thủ tướng: Học trò tốt hay xấu là do thầy giáo, cô giáo tốt hay xấu - 3

Các đại biểu tham dự buổi lễ kỷ niệm (Ảnh: T.H).

Các đơn vị cũng cần rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách liên quan đến đội ngũ giáo viên sao cho phù hợp với thực tiễn, tương xứng với lao động đặc thù của nhà giáo.

Chăm lo tốt nhất cả về vật chất và tinh thần, nhất là cho giáo viên mầm non, giáo viên ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, giáo viên giảng dạy các ngành nghề đặc thù, nặng nhọc, độc hại…, để đội ngũ nhà giáo yên tâm công tác và cống hiến.

Chính phủ đã giao Bộ GD&ĐT khẩn trương rà soát, sửa đổi quy định về phụ cấp ưu đãi giáo viên phù hợp thực tiễn với tình hình đất nước và nền kinh tế chung cùng các ngành nghề khác.

Trong bài phát biểu, Thủ tướng cũng đề cập tới việc cần chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, nhà giáo là chuyên gia đầu ngành ở các trường đại học, viện nghiên cứu và cán bộ quản lý giáo dục; coi đây là nhiệm vụ quan trọng, ưu tiên trong thời gian tới.

Cần sớm có giải pháp hiệu quả giải quyết vấn đề thiếu giáo viên, nhất là giáo viên mầm non. Tuyển dụng đủ số lượng, cơ cấu và đảm bảo chất lượng đội ngũ giáo viên. Xây dựng chính sách thu hút người giỏi vào học ngành sư phạm.

"Các bộ, ban, ngành, cấp ủy đảng, chính quyền địa phương cần tiếp tục dành cho ngành giáo dục sự quan tâm sâu sắc, sự hỗ trợ hiệu quả, thiết thực hơn nữa.

Tập trung và huy động các nguồn lực đầu tư, đảm bảo cơ sở vật chất trường học, điều kiện tốt nhất cho công tác dạy và học, giải quyết tình trạng thiếu trường học, nhất là ở các khu công nghiệp và thành phố lớn, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo, vùng kinh tế khó khăn", Thủ tướng nói.

Thủ tướng nhấn mạnh, các thầy cô đã, đang và sẽ mãi là tấm gương, là người gieo mầm, là người chăm sóc, nuôi dưỡng những hạt giống tâm hồn, để những hạt mầm của đạo đức, nhân cách, tri thức, sự tử tế luôn tỏa sáng, để xã hội ngày càng tốt đẹp, đất nước Việt Nam "sánh vai với các cường quốc năm châu" như mong ước của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

"Trong giai đoạn phát triển mới của đất nước, tôi tin tưởng rằng với nỗ lực lớn hơn, quyết tâm cao hơn, đội ngũ các nhà giáo sẽ khắc phục mọi khó khăn, thách thức, phấn đấu trở thành người thầy giáo tốt, là hình mẫu cho người học, để nghề dạy học luôn được tôn vinh như Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã đánh giá: Nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý, là nghề sáng tạo nhất trong những nghề sáng tạo", Thủ tướng bày tỏ.