Lắp đặt thang máy lần đầu xuất hiện tại kỳ thi Kỹ năng nghề quốc gia 12

Lệ Thu

(Dân trí) - Ngày 28/4, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp tổ chức "Hội nghị tổ chức lần thứ nhất về chuẩn bị kỳ thi Kỹ năng nghề quốc gia lần thứ 12 năm 2021" tại Hà Nội.

Kỳ thi gồm có 10 nghề được tổ chức thi từ nguồn vốn Ngân sách nhà nước, vốn xã hội hóa gồm: Cơ điện tử; Giải pháp phần mềm công nghệ thông tin; Thiết kế kỹ thuật cơ khí; Điện tử; Lắp cáp mạng thông tin; Công nghệ Web; Robot di động; Phay CNC; Tiện CNC; Điều khiển công nghiệp.

Cùng với đó, có 11 nghề dự kiến được tổ chức chủ yếu bằng nguồn không phải xã hội hóa do các doanh nghiệp, hiệp hội nghề nghiệp phối hợp tổ chức, cụ thể là: Khuôn mẫu; Sản xuất bồi đắp; Công nghiệp 4.0; Sơn ô tô; Công nghệ thời trang; Nấu ăn; Dịch vụ nhà hàng; Lắp đặt thang máy; Bảo trì thang máy; Làm bánh mỳ và Lái xe ô tô.

Như vậy, có nhiều nghề mới lần đầu tiên tổ chức tại kỳ thi Kỹ năng nghề Việt Nam là những nghề mới lần đầu tiên dự kiến tổ chức tại kỳ thi Kỹ năng nghề thế giới như: Khuôn mẫu, Công nghệ nước, Công nghiệp 4.0, Sản xuất bồi đắp; có nghề chưa từng tổ chức thi tại ASEAN và thế giới mà xuất phát từ nhu cầu lao động lớn trong nước như Lắp đặt thang máy, sửa chữa thang máy.

Lần đầu tiên, danh sách các nghề dự kiến tổ chức thi do xã hội hóa hưởng ứng ngày Kỹ năng lao động Việt Nam (ngày 04/10) tăng lên vượt số nghề do ngân sách nhà nước chi (đến nay là trên 11 nghề so với 10 nghề ngân sách nhà nước).

Lắp đặt thang máy lần đầu xuất hiện tại kỳ thi Kỹ năng nghề quốc gia 12 - 1

Ngoài ra, còn 25 nghề khác do các tập đoàn, hiệp hội, doanh nghiệp tài trợ, phối hợp tổ chức như: Điện lạnh; Lắp đặt điện; Ốp lát tường và sàn; Công nghiệp 4.0; Công nghệ nước... Trong đó, có nhiều nghề mới lần đầu tiên được tổ chức thi.

Đây là các nghề do các các Bộ, ngành, địa phương, tập đoàn, hiệp hội, doanh nghiệp, cơ sở GDNN đề xuất, căn cứ vào nhu cầu của thị trường việc làm hiện nay. Số nghề này sẽ được cập nhật sau khi có sự thống nhất cuối cùng.

Việc mở rộng nghề thi theo hướng khuyến khích sự tham gia của doanh nghiệp cũng chính là điểm mới trong cách tiếp cận Giáo dục nghề nghiệp nói chung và trong công tác đào tạo, tổ chức kỳ thi nghề nói riêng của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, đó là đào tạo nghề gắn với nhu cầu của thị trường lao động, của doanh nghiệp.

Theo đó, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp khuyến khích các Bộ, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, hiệp hội nghề nghiệp, tập đoàn và doanh nghiệp tiếp tục đề xuất tổ chức thi và đăng ký cử thí sinh tham dự ở các nghề có nhu cầu lao động lớn, các nghề phục vụ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Lắp đặt thang máy lần đầu xuất hiện tại kỳ thi Kỹ năng nghề quốc gia 12 - 2

Toàn cảnh Hội nghị tổ chức lần thứ nhất về chuẩn bị kỳ thi Kỹ năng nghề quốc gia lần thứ 12 năm 2021.

Ông Trương Anh Dũng - Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cho hay, đến thời điểm hiện tại, công tác chuẩn bị kỳ thi đang được triển khai khẩn trương theo kế hoạch: Đã ban hành Công văn gửi các bộ, ngành, sở Lao động - Thương binh và Xã hội các tỉnh/thành phố, Tập đoàn, Tổng công ty, doanh nghiệp và hiệp hội về kế hoạch tổ chức Kỳ thi kỹ năng nghề Việt Nam lần thứ 12 năm 2021; Đã thu hút được nhiều hiệp hội, tập đoàn doanh nghiệp đăng ký tham gia thể hiện tính xã hội hóa cao của kỳ thi năm nay.

Một trong những điểm mới đáng chú ý của cuộc thi năm nay là đẩy mạnh công tác xã hội hóa đối với tổ chức kỳ thi kỹ năng nghề thông qua việc thu hút sự tham gia của các hiệp hội, tập đoàn, doanh nghiệp tham gia kỳ thi.

Đến nay đã có Hiệp hội Giáo dục nghề nghiệp và Nghề Công tác Xã hội Việt Nam, Hiệp hội các nhà thầu xây dựng Việt Nam, Hiệp hội thang máy Việt Nam; tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam, tập đoàn Mường Thanh, tổng công ty May 10, công ty cổ phần tập đoàn Xây dựng Hòa Bình, công ty TNHH Festo, công ty TNHH Thương mại và sản xuất Hóa chất sơn MT tham gia hỗ trợ, phối hợp tổ chức kỳ thi.

Theo Kế hoạch tổ chức Kỳ thi kỹ năng nghề quốc gia lần thứ 12 năm 2021 do Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp công bố, kỳ thi sẽ được diễn ra từ ngày 28/9 đến ngày 4/10.

Đối tượng dự thi là học sinh, sinh viên các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và người lao động có độ tuổi từ 15 - 60 tuổi (tùy theo tính chất của từng nghề) đang học tập và làm việc tại các cơ sở giáo dục, giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học, tập đoàn, doanh nghiệp được các bộ, ngành, Sở LĐ-TB&XH, tập đoàn, doanh nghiệp, hiệp hội.

Tại kỳ thi, nhiều hoạt động bên lề được tổ chức bao gồm: Triển lãm thiết bị; thi trình diễn một số nghề; các Hội nghị, Hội thảo chuyên môn, tham quan; Các hoạt động khác có liên quan bao gồm: tổ chức hoạt động thực hiện Chương trình Đại sứ Kỹ năng nghề, tổ chức hoạt động hưởng ứng ngày Kỹ năng thanh niên thế giới, tổ chức kỷ niệm ngày Kỹ năng lao động Việt Nam thông qua các hoạt động tại kỳ thi Kỹ năng nghề quốc gia lần thứ 12, các hoạt động phát sinh theo yêu cầu trong quá trình thực hiện nhiệm vụ thi Kỹ năng nghề quốc gia lần thứ 12.