DMagazine

Dấu hiệu sớm ở trẻ tự kỷ và cách bố mẹ có thể giúp con

(Dân trí) - Nuôi dạy trẻ tự kỷ không phải là điều dễ dàng nhưng có một số việc mà các bậc cha mẹ có thể làm để giúp mọi thứ trở nên tốt hơn cho con và gia đình của mình.

Khi nói đến cách điều trị tự kỷ, chứng rối loạn phát triển có thể gây ra các vấn đề về giao tiếp, kỹ năng xã hội và các hành vi khác, không có giải pháp chung đối với tất cả những đứa trẻ bị tự kỷ.

Một số trẻ tự kỷ có các triệu chứng nhẹ và một số đứa trẻ có các triệu chứng nghiêm trọng hơn dẫn tới suy giảm nhiều hơn về các kỹ năng xã hội và giao tiếp. Ngoài ra, một số trường hợp trẻ tự kỷ lại có nhiều vấn đề về hành vi.

Thomas Frazier II, Tiến sĩ, nhà khoa học làm việc tại tổ chức hỗ trợ chứng tự kỷ Autism Speaks, giải thích: "Việc điều trị chứng tự kỷ cần phải phù hợp với từng cá nhân. Ngoài ra, trẻ mắc chứng tự kỷ luôn là những đứa trẻ khác nhau và ngay cả khi hai trẻ có cùng vấn đề về hành vi thì không có nghĩa là cả hai sẽ phù hợp với cùng một liệu pháp điều trị".

Dấu hiệu sớm ở trẻ tự kỷ và cách bố mẹ có thể giúp con - 1
Dấu hiệu sớm ở trẻ tự kỷ và cách bố mẹ có thể giúp con - 2
Dấu hiệu sớm ở trẻ tự kỷ và cách bố mẹ có thể giúp con - 3

Tiến sĩ Thomas Frazier II nói: "Trẻ tự kỷ luôn khác nhau. Với tư cách là cha mẹ, bạn cần nói chuyện với trẻ và cố gắng hiểu chúng. Sau đó bạn có thể tìm ra phương pháp điều trị riêng hoặc kết hợp các liệu pháp để phù hợp với con của mình".

Tiến sĩ Frazier đưa ra lời khuyên này với tư cách là bác sĩ lâm sàng, người hỗ trợ trẻ em tự kỷ, đồng thời là cũng phụ huynh của một cậu con trai mắc chứng tự kỷ. Ông nói: "Khi nói đến việc điều trị tình trạng này, những người chăm sóc cần phải thông cảm và kiên nhẫn".

Điều trị tự kỷ thường bao gồm sự kết hợp của các liệu pháp hành vi, phương pháp tiếp cận, chế độ ăn uống, thuốc men và các phương pháp khác để đáp ứng tốt nhất nhu cầu của từng cá nhân.

Điều quan trọng, bố mẹ của trẻ tự kỷ phải hiểu rằng không có loại thuốc nào chữa khỏi chứng tự kỷ hoặc làm cho tất cả các triệu chứng của nó biến mất. Nhưng trong một số trường hợp, thuốc có thể giúp kiểm soát các triệu chứng của trẻ như không có khả năng tập trung, trầm cảm hoặc co giật. 

Dấu hiệu sớm ở trẻ tự kỷ và cách bố mẹ có thể giúp con - 4

Can thiệp sớm hơn ở trẻ em giúp cải thiện kết quả  

Tiến sĩ Frazier nhấn mạnh rằng đối với trẻ em tự kỷ, sự can thiệp từ sớm là rất quan trọng. Đó là lý do tại sao nếu bạn nhận thấy con có các triệu chứng mà bạn nghi ngờ có thể là bệnh tự kỷ, hãy nói chuyện với bác sĩ càng sớm càng tốt vì đó là điều quan trọng để có được chẩn đoán chính xác và nhận được sự giúp đỡ cho con bạn.

Trẻ tự kỷ sẽ gặp một số khó khăn trong quá trình học tập và phát triển bình thường khi nói đến các kỹ năng xã hội, giao tiếp và ngôn ngữ, hành vi. Các phương pháp điều trị được thiết kế cho trẻ từ sơ sinh đến 36 tháng tuổi đặc biệt giúp cho trẻ nói chuyện, đi lại và tương tác với người khác.

Dấu hiệu ở trẻ tự kỷ 3 tháng tuổi

Trẻ không phản ứng với những tiếng ồn lớn.

Không theo dõi các vật thể chuyển động bằng mắt.

Không nắm và giữ đồ vật.

Không cười với mọi người.

Không nói ê a.

Không chú ý đến những gương mặt mới.

Dấu hiệu ở trẻ tự kỷ 7 tháng tuổi

Trẻ không quay đầu lại để xác định nơi phát ra âm thanh.

Không thể hiện tình cảm.

Không cười hoặc không kêu la.

Không với lấy đồ vật.

Không cố gắng thu hút sự chú ý thông qua các hành động.

Không có hứng thú với những trò chơi như ú òa.

Dấu hiệu sớm ở trẻ tự kỷ và cách bố mẹ có thể giúp con - 5

Dấu hiệu ở trẻ tự kỷ 12 tháng tuổi

Trẻ không bò.

Không nói những từ đơn lẻ.

Không sử dụng các cử chỉ như vẫy tay hoặc lắc đầu.

Không chỉ vào đồ vật hoặc hình ảnh.

Không thể đứng vững ngay cả khi được hỗ trợ.

Đối với một số trẻ tự kỷ được chẩn đoán khi còn rất nhỏ, việc đi học mẫu giáo hoặc các chương trình giáo dục sớm khác có thể hữu ích vì có thể giúp chúng phát triển các kỹ năng mới và tránh những "hành vi phi xã hội" không phù hợp hoặc kỳ lạ. Tuy nhiên trong một số trường hợp, việc tiếp xúc với môi trường học đường khi còn nhỏ có thể quá sức.

Hầu hết trẻ em mắc chứng tự kỷ đều có thể áp dụng một số liệu pháp tâm lý hành vi. Bác sĩ Jeremy Veenstra-Vanderweele, trưởng khoa Tâm thần học trẻ em và vị thành niên tại Đại học Columbia, Mỹ cho biết: "Điều quan trọng mà bố mẹ của trẻ tự kỷ cần biết là, đối với hầu hết các đứa trẻ, không một liệu pháp duy nhất nào có thể là giải pháp.

Có những ngày tốt lành, khi các triệu chứng của con có thể kiểm soát được hoặc không gây khó chịu nhưng cũng có những ngày tồi tệ, khi các triệu chứng của trẻ nghiêm trọng hơn".

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC), các liệu pháp dành cho trẻ tự kỷ cung cấp cách hướng dẫn để giúp trẻ học các kỹ năng hành vi, xã hội và giao tiếp. 

Bố mẹ có thể cho con học về liệu pháp hành vi với nhà tâm lý học, giáo viên giáo dục đặc biệt, nhà trị liệu ngôn ngữ hoặc các chuyên gia đã được đào tạo về lĩnh vực này.

Dấu hiệu sớm ở trẻ tự kỷ và cách bố mẹ có thể giúp con - 6
Dấu hiệu sớm ở trẻ tự kỷ và cách bố mẹ có thể giúp con - 7
Dấu hiệu sớm ở trẻ tự kỷ và cách bố mẹ có thể giúp con - 8

Ngăn ngừa và đối phó với cơn kích động

Trẻ tự kỷ thường bị kích thích quá mức bởi những thứ như xúc giác, âm thanh và ánh sáng. Chúng cũng có thể trở nên choáng ngợp và thất vọng trước những việc bất ngờ bất ngờ, chẳng hạn như những thay đổi trong thói quen.

Vì trẻ tự kỷ thường gặp khó khăn trong việc hiểu hoặc truyền đạt ý kiến, cảm xúc của mình, nên chúng có thể bị kích động. Trong lúc kích động, một đứa trẻ có thể la hét, đập phá, phản ứng dữ dội với người khác. Trẻ tự kỷ có thể thường xuyên trở nên kích động, vì vậy điều quan trọng là cha mẹ phải biết cách làm dịu chúng. Mỗi đứa trẻ đều khác nhau, vì vậy hãy thử một số kỹ thuật để tìm ra những cách phù hợp nhất với con bạn.

Tìm nguyên nhân khiến con kích động

Bố mẹ tìm nguyên nhân khiến con "nổi đóa" có thể giúp con tránh xa bất cứ điều gì khiến chúng khó chịu. Điều này rất quan trọng trong việc xoa dịu trẻ tự kỷ. Quan sát con bạn hàng ngày và cố gắng tìm ra nguyên nhân gây ra một số hành vi nhất định.  Bố mẹ cũng nên ghi chép lại những nguyên nhân phổ biến khiến trẻ bị kích động và gửi cho những người chăm sóc con của mình để họ nắm được vấn đề.

Theo Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Mỹ: "Tự kỷ có thể là di truyền. Hơn nữa, bằng chứng cho thấy đột biến của một số gen nhất định có thể làm tăng nguy cơ mắc rối loạn phổ tự kỷ".

Dấu hiệu sớm ở trẻ tự kỷ và cách bố mẹ có thể giúp con - 9

Một bài báo của Viện Y tế Quốc gia Mỹ viết: "Nhiều loại bệnh có thể được gây ra bởi các yếu tố môi trường, bao gồm cả chứng tự kỷ. Một số hóa chất có thể (và làm) tăng nguy cơ mắc bệnh". Tuy nhiên, Viện Y tế cũng giải thích rằng, nguy cơ gia tăng này thường được kết hợp với các yếu tố khác.

Một số nguyên nhân phổ biến gây ra sự cáu giận ở trẻ tự kỷ là sự thay đổi hoặc gián đoạn trong thói quen bình thường của chúng.

Kích động khác với cơn giận dữ. Kích động là tình trạng rối loạn cảm xúc cao độ, trẻ tự kỷ trở nên căng thẳng đến mức không thể kiểm soát bản thân.

Hãy tuân theo một thói quen 

Khi có một thói quen cần tuân thủ, đứa trẻ có thể dự đoán điều gì sẽ xảy ra tiếp theo. Điều này giúp trẻ bình tĩnh.

Ví dụ, bố mẹ hãy nói trước với con về lịch trình trong ngày hoặc trong tuần. Nếu bạn biết rằng sẽ có những thay đổi trong lịch trình đó, hãy đảm bảo rằng bạn dành thời gian để chuẩn bị cho con mình. Nói chuyện trước với con và thông báo những thay đổi này một cách rõ ràng và kiên nhẫn.  

Trao đổi rõ ràng với con

Hãy nói chuyện với con một cách kiên nhẫn, tôn trọng và trình bày rõ ràng. Tránh la hét hoặc sử dụng giọng điệu cáu giận vì nó có thể làm trầm trọng thêm tình trạng kích động của con bạn. Nếu con bạn khó giao tiếp bằng lời nói, hãy thử giao tiếp qua hình ảnh hoặc các hình thức khác.  

Hãy nhớ rằng, luôn lắng nghe con bạn và nói rõ rằng bạn coi trọng và tôn trọng những gì chúng nói. Hãy đặt câu hỏi cho con nếu bạn cần làm rõ, để ngăn chặn những rắc rối liên quan đến việc con thất vọng, nổi cáu.

Đánh lạc hướng trẻ

Khi con bạn khó chịu, đôi khi bạn có thể xoa dịu chúng bằng cách chuyển hướng sự chú ý của chúng. Hãy thử cùng con chơi một món đồ chơi mà chúng yêu thích, xem một video hoặc nghe một bài hát con yêu thích. Hãy tỏ ra thật sự quan tâm đến những sở thích đặc biệt của con.  

Khi con đã bình tĩnh trở lại, bạn nên nói chuyện với con về điều đã khiến con tức giận hoặc bị kích thích. Hãy hỏi con điều gì đã xảy ra và cùng nhau tìm cách ngăn nó tái diễn.

Dấu hiệu sớm ở trẻ tự kỷ và cách bố mẹ có thể giúp con - 10

Thay đổi môi trường xung quanh 

Con bạn có thể khó chịu vì chúng quá nhạy cảm và bị kích thích quá mức. Khi điều này xảy ra, bạn chỉ cần đưa trẻ đến một môi trường khác hoặc thay đổi môi trường.

Ví dụ, nếu con bạn khó chịu với nơi có âm nhạc quá lớn, hãy đưa con rời khỏi đó; Nếu con không thích ánh đèn trắng trong phòng, bố mẹ hãy thay bằng ánh đèn vàng. Bạn có thể cho con bạn đeo kính râm (có tác dụng với trẻ quá nhạy cảm với ánh sáng) khi ra nắng hoặc cho con nút tai (át tiếng ồn) ở những nơi công cộng.  

Cho con bạn không gian riêng

Đôi khi, trẻ chỉ cần thời gian bình tĩnh trở lại trước khi chúng tái hòa nhập. Vì thế, khi con bị kích động, hãy thử để chúng ngồi yên một lúc để có thể bình tĩnh lại.

Bố mẹ không nên để trẻ tự kỷ nhỏ tuổi ở một mình mà không có người giám sát hoặc nhốt chúng trong phòng. Hãy đảm bảo rằng con luôn được an toàn và có thể rời đi nếu chúng muốn.

Trò chuyện với con sau cơn kích động

Thay vì đổ lỗi hoặc trừng phạt con bạn, hãy nói về các cách để ngăn chặn sự tức giận và đối phó với căng thẳng tốt hơn. Hãy thử nói với con về những gì con nghĩ là đã khiến con bị "khủng hoảng", làm thế nào để tránh được những tình huống tương tự trong tương lai.

Dấu hiệu sớm ở trẻ tự kỷ và cách bố mẹ có thể giúp con - 11

Làm dịu đứa trẻ bằng cách sử dụng "áp lực sâu"

Trẻ tự kỷ thường có sự khác biệt về giác quan. Vì thế, bố mẹ có thể tạo áp lực sâu khiến cơ bắp của con thư giãn.

Ví dụ, thử quấn con bạn vừa khít trong một chiếc chăn hoặc đắp nhiều tấm chăn lên người con. Trọng lượng của chăn sẽ tạo ra áp lực nhẹ nhàng cho con bạn. Tuy nhiên bố mẹ nhớ không trùm chăn lên mặt con để tránh ảnh hưởng đến hô hấp.  

Hiện tại, nhiều chiếc ghế ôm dành cho người tự kỷ đang bán rất chạy. Chiếc ghế này giúp người tự kỷ đáp ứng nhu cầu cảm thụ giác quan của chính họ.

Massage cũng là một cách tốt để bạn tương tác với con mình, đồng thời tạo áp lực sâu. Bố mẹ có thể massage cho con mỗi ngày giúp con có cảm giác thư thái hơn hoặc xin lời khuyên, sự hỗ trợ từ những thợ massage chuyên nghiệp.

Dấu hiệu sớm ở trẻ tự kỷ và cách bố mẹ có thể giúp con - 12
Dấu hiệu sớm ở trẻ tự kỷ và cách bố mẹ có thể giúp con - 13

Làm dịu trẻ bằng các bài tập hỗ trợ hệ thống tiền đình

Hệ thống tiền đình góp phần giữ thăng bằng và cảm giác định hướng không gian. Các bài tập tiền đình giúp trẻ bình tĩnh lại bằng cách sử dụng các chuyển động đung đưa hoặc bập bênh. Các chuyển động lặp đi lặp lại làm dịu và tập trung sự chú ý của trẻ vào cảm giác thể chất của chúng.

Ví dụ bố mẹ có thể đặt trẻ vào xích đu và đẩy trẻ một cách nhẹ nhàng. Điều chỉnh tốc độ lắc lư, giảm tốc độ cho đến khi con bạn bình tĩnh. Nếu con thích xích đu, bố mẹ có thể lắp xích đu trong nhà để thuận tiện cho việc sử dụng trong bất cứ thời gian hay thời tiết như thế nào.  

Xoay đứa trẻ trên ghế cũng là một bài tập hỗ trợ tiền đình mà trẻ tự kỷ có thể yêu thích. Hoạt động này có khả năng sẽ ngăn chặn cơn kích động bằng cách chuyển hướng sự chú ý của trẻ khỏi yếu tố gây kích động. Ghế văn phòng có xu hướng hoạt động tốt nhất vì chúng xoay dễ dàng. Hãy cho con ngồi vững trên ghế và bố mẹ xoay ghế một cách từ từ.

Hội đồng chuyên gia của Viện Hàn lâm Khoa học Mỹ khuyến nghị rằng trẻ em nên có 25 giờ trị liệu mỗi tuần ngay khi nghi ngờ mắc chứng tự kỷ.

Dấu hiệu sớm ở trẻ tự kỷ và cách bố mẹ có thể giúp con - 14

"Không dễ để nuôi dạy một đứa trẻ mắc chứng tự kỷ nhưng có những điều bố mẹ có thể làm để giúp mọi thứ tốt hơn cho con và gia đình.

Bằng cách nói chuyện với con bạn và hỏi về cảm xúc của chúng, bạn có thể  khám phá những gì là có ích với con và những gì cần phải thay đổi", Lisa Jo Rudy, nhà tư vấn người Mỹ chuyên về lĩnh vực tự kỷ, cho biết.

Thu Hằng