Nghề thu mua tóc rối ở Việt Nam lên báo nước ngoài

Huy Hoàng

(Dân trí) - Những mái tóc dài không nhuộm, không hóa chất, được người thu mua với giá chỉ khoảng 7 USD (hơn 150 nghìn đồng) ở Việt Nam, nhưng bán ra giá hàng nghìn USD tại các salon ở nước ngoài.

Các phóng viên của Insider đã theo chân những người thu mua tóc rối, len lỏi qua từng góc phố ở Hà Nội, Việt Nam, để tìm hiểu về nghề đặc biệt này.

Chị Nguyễn Thị Vân chạy xe hơn 80 km mỗi ngày trên các tuyến phố ở Hà Nội. Chị là một trong những người đi thu mua tóc rối. Nhưng đó phải là những mái tóc dài, không nhuộm, không sử dụng hóa chất.

Nghề thu mua tóc rối ở Việt Nam lên báo nước ngoài - 1
Một người thu mua tóc dạo ở Hà Nội (Ảnh cắt từ clip).

Ngày hôm nay, chị tìm được một vị khách muốn bán tóc. Vị khách này đã nuôi tóc mình suốt 2 năm, bán với giá 7 USD (hơn 150 nghìn đồng). Làm thế nào một mái tóc dài chỉ có giá vài USD ở Việt Nam, nhưng sau cùng khi bán tại các salon trên khắp thế giới lại lên tới hàng nghìn USD?

Nghề thu mua tóc rối ở Việt Nam lên báo nước ngoài

Chị Vân thu hút khách hàng bán tóc bằng câu rao "ai tóc dài, tóc nối bán không" được thu sẵn, gắn trên xe. Trước đó, người phụ nữ này làm nghề thợ khảm, nhưng đã bỏ gần 10 năm nay. Với nghề mua tóc, chị thu nhập khoảng 300 USD/ tháng (7 triệu đồng). Mức thu nhập này nhỉnh hơn một chút so với mặt bằng chung tại Việt Nam.

Với giá cả mỗi mái tóc, chị Vân định giá dựa vào tuổi tác người bán, chất lượng tóc, độ dài, màu tóc, xem đã bị nhuộm hay chưa. Chị cũng ghé vào các salon tóc. Nếu họ có những đoạn tóc dài ít nhất 10 cm, chị sẽ đề nghị mua lại. Với chỗ tóc mua lại giá 2 USD, chị sẽ bán lại khoảng 4 USD.

Nghề thu mua tóc rối ở Việt Nam lên báo nước ngoài - 2
Một mái tóc dài như thế này được bán giá khoảng 7 USD (Ảnh cắt từ clip).

Hôm nay, chị Vân tới chỗ chị Vũ Thị Tam để mua tóc ở nhà. Với mái tóc dài nuôi 2 năm, chị Tam bán cho một cơ sở thu mua giá 11 USD.

"Đây là ngành công nghiệp hoàn toàn khác với bình thường ngay ở những khâu đầu tiên vì không có người cụ thể xác định giá trị của mái tóc. Thông thường, người mua cố gắng mua với giá rẻ nhất có thể", bà Emma Tarlo, Giáo sư nhân chủng học tại Goldsmiths thuộc Đại học London, nhận định.

Giáo sư Emma đã nghiên cứu về ngành thương mại tóc toàn cầu. "Tóc là loại sợi vô cũng quen thuộc, cũng là một sản phẩm của cơ thể. Tôi rất hứng thú với việc một thú rất thân thiết với cơ thể người lại được mua bán, giao dịch trên toàn thế giới. Sau khi mua đi bán lại, cuối cùng, chúng lại được đội lên đầu một người khác", Giáo sư Emma bổ sung.

Việt Nam xuất khẩu các sản phẩm về tóc có giá trị lên tới 7,6 triệu USD thông qua các sản phẩm như tóc giả và đồ dệt vào năm 2019. Trong khi đó, tại Trung Quốc, quốc gia này có giá trị xuất khẩu tóc lên tới 1,05 tỷ USD. Tuy nhiên, Trung Quốc lại là thị trường gây nhiều tranh cãi. Năm 2020, lực lượng Hải quân và Bảo vệ Biên giới Mỹ từng thu rất nhiều container tóc nối xuất ra từ quốc gia này.

Nghề thu mua tóc rối ở Việt Nam lên báo nước ngoài - 3
Một sản phẩm bằng mái tóc thật qua sơ chế tại xưởng sản xuất ở Việt Nam (Ảnh: Insider).

Một số công ty tại Việt Nam cho biết họ không sử dụng lao động cưỡng bức. Giám đốc một công ty trong ngành này, chị Phạm Thị Thúy cho biết, công ty trả lương cho nhân viên lên tới 550 USD/tháng - con số cao hơn thu nhập bình quân mặt bằng chung. Công ty dùng tóc người làm sản phẩm, trong khi một số nơi khác có trộn lẫn sợi tổng hợp hoặc lông thú.  

Theo chủ nhà máy, họ sẽ tính mức giá cao hơn cho những sản phẩm phải đầu tư nhiều công sức. Họ chỉ thu mua tóc từ những nhà cung cấp đã hợp tác cùng trong suốt hơn một thập kỷ qua. Và cũng theo vị này, những mái tóc thu mua được hầu hết mua lại từ những người có kinh tế khó khăn.