Cảnh nhếch nhác khó tin trong Công viên địa chất toàn cầu ở Đắk Nông

Dương Phong

(Dân trí) - Dù mới được công nhận là Công viên địa chất toàn cầu, thế nhưng nhiều công trình, nhiều điểm đến du lịch thuộc công viên này lại khiến khách du lịch “bất ngờ” về cả chất lượng và giá trị thẩm mỹ.

Tháng 7/2020, UNESCO đã công nhận Công viên đại chất (CVĐC) Đắk Nông là Công viên địa chất toàn cầu. Với sự công nhận này, nơi đây trở thành CVĐC toàn cầu thứ 3 ở Việt Nam, sau Hà Giang và Cao Bằng.

Cảnh nhếch nhác khó tin trong Công viên địa chất toàn cầu ở Đắk Nông - 1

Điểm đến số 5- mỏ Cao lanh thuộc 44 điểm du lịch của CVĐC toàn cầu Đắk Nông

Ngay lập tức, tỉnh Đắk Nông đã có kế hoạch tổ chức lễ đón nhận danh hiệu Công viên địa chất toàn cầu Đắk Nông vào tháng 11/2020. Buổi lễ được dự kiến sẽ rất công phu và hoành tráng, được kết hợp với các sự kiện văn hóa lớn của tỉnh này.

Tuy nhiên, thời điểm hiện tại nhiều điểm đến, thuộc các tuyến du lịch mà tỉnh Đắk Nông xây dựng đã có dấu hiệu xuống cấp, thậm chí nhiều điểm còn “bẫy” khách tham quan, khiến nhiều người “chưng hửng” khi ghé thăm.

Cảnh nhếch nhác khó tin trong Công viên địa chất toàn cầu ở Đắk Nông - 2
Tại đây, chỉ duy nhất có 1 bức tường được gắn những vật dụng bằng sành, sứ

Điểm đến số 5, mỏ Cao Lanh thuộc xã Đắk Ha (huyện Đắk G’Long, tỉnh Đắk Nông). Điểm đến này cách trung tâm thành phố Gia Nghĩa khoảng hơn 20km với nhiều đoạn đường đất chạy ngang qua rẫy nhà người dân.

Nhiều khách tham quan tỏ ra bất ngờ khi ghé thăm điểm đến này. Một bức tường rộng hơn 4m2, được đặt cạnh đất sản xuất của người dân. Bức tường được dựng sơ sài, gắn chi chít những mảnh sành, mảnh sứ, thậm chí cả bộ ly chén.

Cảnh nhếch nhác khó tin trong Công viên địa chất toàn cầu ở Đắk Nông - 3
Nhiều chén bát bị đập vỡ, hướng phía sắc nhọn ra phía khách tham quan

“Nguy hiểm quá! Người ta gắn lên tường mảnh sành, mảnh sứ nhưng lại chĩa phần sắc nhọn ra ngoài. Nếu bất cẩn, không chỉ trẻ em mà thậm chí người lớn cũng bị thương khi va chạm với bức tường này”, một khách tham quan ngán ngẩm.

Theo ghi nhận, bức tường được dựng trên được gắn rất nhiều chén, bát, ly, lọ hoa bị đập vỡ. Một số mảnh sành, mảnh sứ được gắn vào tường nhưng lại để phần sắc, nhọn hướng ra bên ngoài.

Cảnh nhếch nhác khó tin trong Công viên địa chất toàn cầu ở Đắk Nông - 4

Bức tượng được gắn rất nhiều chén, bát, ly, lọ hoa bị đập vỡ

Tại một điểm đến khác nằm cách trung tâm thành phố Gia Nghĩa chỉ vài cây số- Điểm trưng bày gỗ hóa thạch (xã Đắk R’Moan, TP. Gia Nghĩa) cũng nhếch nhác, hoang hóa và… không hề có gỗ hóa thạch.

Cảnh nhếch nhác khó tin trong Công viên địa chất toàn cầu ở Đắk Nông - 5
Điểm số 34- Nhà trưng bày gỗ hóa thạch

Điểm đến này nằm ngay trên đường tránh của thành phố Gia Nghĩa, nơi có mật độ người qua lại đông đúc. Tuy nhiên, ngoài không có gỗ hóa thạch trưng bày như đúng tên gọi của công trình, không gian, cơ sở vật chất của điểm đến cũng hết sức sơ sài, có dấu hiệu xuống cấp dù mới được xây dựng.

Theo người dân địa phương, điểm đến này đã lâu không được sử dụng, luôn trong tình trạng cửa đóng then cài. Một số khách đến tham quan, muốn tìm hiểu không gian trưng bày cũng không biết liên hệ ai mở cửa vào.

Cảnh nhếch nhác khó tin trong Công viên địa chất toàn cầu ở Đắk Nông - 6
Tuy nhiên, đây lại là một công trình trống không, không hề có gỗ hóa thạch

Tương tự, dù được đầu tư hàng tỷ đồng vào xây dựng nhưng Công viên vui chơi giải trí Liêng Nung (xã Đắk Nia, TP. Gia Nghĩa), một trong 44 điểm du lịch thuộc Công viên Địa chất toàn cầu Đắk Nông cũng đã hư hỏng, xuống cấp nhiều hạng mục. Riêng khu nhà truyền thống của người Mạ đã mục nát, đổ sập sau một thời gian ngắn.

Công trình đường phục vụ xuống thác trị giá gần 27 tỷ đồng cũng bị sạt trượt, không còn khả năng sử dụng.

Cảnh nhếch nhác khó tin trong Công viên địa chất toàn cầu ở Đắk Nông - 7

Công trình đường xuống thác Liêng Nung bị sạt lở nghiêm trọng

Theo UBND xã Đắk Nia, do xây dựng bằng những vật liệu tự nhiên nên những căn nhà truyền thống bị hư hỏng sau một thời gian ngắn sử dụng. Đến nay, phần lớn đã đổ sập, không thể khôi phục.

Trong khi đó, công trình đường phục vụ xuống thác bị hư hỏng lần thứ 3, Bí thư Tỉnh ủy Đắk Nông phải trực tiếp đến hiện trường, chỉ đạo xử lý, tìm hiểu nguyên nhân sự cố.

Trao đổi về những bất cập nói trên, theo một lãnh đạo Ban quản lý CVĐC toàn cầu Đắk Nông, điểm số 5- mỏ Cao Lanh được xây dựng để phục vụ đoàn chuyên gia nước ngoài đến thẩm định. Hiện nay ban đã quyết định bỏ bức tường này, tuy nhiên “do xây dựng bằng tiền ngân sách, mới xây dựng được một năm nên chưa thể bỏ ngay được”.

Cảnh nhếch nhác khó tin trong Công viên địa chất toàn cầu ở Đắk Nông - 8
Khu nhà truyền thống của người Mạ đã mục nát, đổ sập sau một thời gian ngắn.

Trong khi đó, thông tin về Nhà trưng bày gỗ hóa thạch, cán bộ này cho biết, hiện đang xin ý kiến của UBND thành phố và tỉnh để đầu tư xây dựng khang trang hơn, đến nay vẫn chưa có quyết định .