Chùa Dơi ở Sóc Trăng:

Từ đàn dơi bay rợp trời, có con sải cánh 2m, nay còn chùa nhưng dơi ít dần

Cao Xuân Lương

(Dân trí) - Trước đây, khi đến Sóc Trăng, du khách thường về chùa Dơi để chiêm ngưỡng kiến trúc ngôi chùa cả trăm năm tuổi, cũng như tận mắt thấy đàn dơi "khổng lồ" ở chùa. Nay, chùa vẫn còn nhưng dơi đã ít dần.

Khi phóng viên tìm hiểu về chùa Dơi, ông Lý Sên (người dân tộc Khmer, ngụ phường 3, TP Sóc Trăng) cho biết: "Ở Sóc Trăng có hàng trăm ngôi chùa, chùa nào cũng có nhiều cây xanh như chùa Dơi, nhưng không hiểu vì lý do gì mà loài dơi này lại chỉ tìm về chùa Dơi, các chùa khác tuyệt nhiên không có con nào".

Từ đàn dơi bay rợp trời, có con sải cánh 2m, nay còn chùa nhưng dơi ít dần - 1

Thời điểm nhiều năm về trước còn đàn dơi hàng trăm ngàn con bay rợp trời ở chùa Dơi (Ảnh chụp lại từ tư liệu của chùa).

Về tên gọi của loài dơi, ngay tại cổng vào chánh điện chùa Dơi, cơ quan chức năng đã cho dựng tấm bảng ghi rõ loài dơi ở chùa Dơi là dơi ngựa, ra lời kêu gọi bảo vệ loài dơi này.

Dơi ở chùa Dơi được đánh giá là loài dơi quý hiếm, trọng lượng trung bình mỗi con từ 0,5kg đến trên 1kg, sải cánh rộng từ 1m - 1,5m (cá biệt có con nặng đến 1,5kg, sải cánh dài khoảng 2m), tốc độ bay tối đa có thể lên đến 50 - 60km/h.

Từ đàn dơi bay rợp trời, có con sải cánh 2m, nay còn chùa nhưng dơi ít dần - 2

Một cá thể dơi ngựa ở chùa Dơi trước đây có sải cánh dài cả mét (Ảnh chụp lại từ tư liệu của chùa).

Theo sư Lâm Tú Linh, Sư phó chùa Dơi, dơi ở chùa Dơi được đánh giá là loại dơi lớn nhất nước ta. Con dơi mới đẻ đã có sải cánh dài tới 50cm. Giống dơi này không có chân, chỉ có những cái móng ở cánh, dùng để móc vào thân cây, do đó khi rớt xuống đất, cánh lại dài, không có đà nên không thể bay lên được.

Khi ngủ, dơi móc móng vào cành cây và treo ngược lủng lẳng lên thân cây. Loài dơi này là động vật có vú nên đẻ con chứ không đẻ trứng, mỗi năm chỉ đẻ một lứa và đẻ duy nhất một con. Chúng không làm tổ nên khi đẻ chúng vẫn treo mình lủng lẳng trên cành cây, một cánh móc vào cành cây, cánh còn lại đỡ con sắp chào đời, đẻ xong thì cứ ôm con suốt ngày đêm. Khoảng 3 - 4 tháng cứ ôm con như vậy, lúc dơi con biết bay thì tự đi kiếm ăn.

Từ đàn dơi bay rợp trời, có con sải cánh 2m, nay còn chùa nhưng dơi ít dần - 3

Loài dơi trú ngụ tại chùa Dơi hiện nay.

Từ đàn dơi bay rợp trời, có con sải cánh 2m, nay còn chùa nhưng dơi ít dần - 4

Một con dơi lủng lẳng trên cây.

Theo nhiều người dân xung quanh chùa Dơi, điều khiến mọi người ngạc nhiên không lý giải được là dơi ở chùa Dơi chủ yếu ăn quả, nhưng chúng thường bay xa ăn những trái cây của nhà vườn cách đó hàng chục km, chứ không bao giờ ăn trái cây trong vườn chùa, dù trong chùa trồng rất nhiều cây ăn trái.

Vào cuối buổi chiều, đàn dơi bay đi kiếm ăn, đến khoảng 4h sáng là bay về chùa. Theo Sư phó Lâm Tú Linh, trước đây dơi ở chùa rất nhiều. Cứ mỗi buổi sáng hay buổi chiều, dơi bay rợp trời, đậu dày trên các cành cây, nhưng bây giờ khung cảnh đó không còn, dơi bay thưa thớt, nhiều cây cổ thụ trong chùa giờ vắng bóng dơi.

Từ đàn dơi bay rợp trời, có con sải cánh 2m, nay còn chùa nhưng dơi ít dần - 5

Nhiều cây cổ thụ trong chùa Dơi giờ vắng bóng dơi.

Cần bảo vệ loài dơi cho chùa

Theo tìm hiểu của phóng viên, cũng như người dân địa phương cho biết, vừa qua tình trạng số lượng dơi ở chùa Dơi ngày càng ít đi, mà một trong những nguyên nhân là sự xuất hiện của nạn săn bắt dơi để làm thịt.

Dơi bay đi kiếm ăn vào ban đêm, các tay săn bắt giăng lưới ở các vườn cây ăn trái để bắt dơi bán cho các quán nhậu. Cũng vì lời đồn thổi cho rằng ăn thịt dơi, uống rượu pha tiết dơi tăng cường sức khỏe cho đàn ông, nên nhiều người tìm đến quán để ăn thịt dơi, dù giá của mỗi con dơi không hề rẻ, từ bạc trăm ngàn trở lên.

Có một thời chính quyền địa phương ở Sóc Trăng làm mạnh với nạn săn bắt dơi, với các quán nhậu có bán mồi nhậu làm từ dơi nhưng vẫn không xuể. Thậm chí, khi phát hiện có quán nhậu đang nhốt dơi tại quán thì chỉ có cách lập biên bản, tịch thu, phóng thích dơi về với chùa, rồi đâu cũng vào đấy.

Người dân địa phương cho rằng, chùa Dơi sẽ còn khách đến tham quan chỉ khi còn đàn dơi trú ngụ, còn nếu mai này đàn dơi không còn thì có thể du khách sẽ không còn mặn mà với chùa Dơi nữa.

Từ đàn dơi bay rợp trời, có con sải cánh 2m, nay còn chùa nhưng dơi ít dần - 6

Chùa Dơi hiện nay.

Từ đàn dơi bay rợp trời, có con sải cánh 2m, nay còn chùa nhưng dơi ít dần - 7

Du khách đang cố gắng nhìn lên cây để được tận mắt thấy dơi ngựa (Ảnh chụp ngày 9/4/2021).

Xác định đàn dơi ngựa ở chùa Dơi đã suy giảm nghiêm trọng, hiện chỉ còn không đầy 2.000 cá thể. Ngoài nguyên nhân dơi bị săn bắt thì còn có sự thay đổi cơ cấu cây lâu năm trồng trong khu vực chùa Dơi và vùng lân cận, từ đó các nhà khoa học ở địa phương đã đề xuất các giải pháp để bảo tồn đàn dơi.

Cụ thể, tổ chức thanh, kiểm tra các hoạt động săn bắn, kinh doanh, buôn bán dơi ngựa trên địa bàn Sóc Trăng và các tỉnh lân cận; Thực hiện một số giải pháp kỹ thuật nhằm hạn chế sự tác động của con người đến đàn dơi ngựa trong khuôn viên chùa Dơi.

Về lâu dài, cần trồng thêm cây xanh ở khuôn viên sau chùa Dơi để cung cấp thức ăn tại chỗ cho nhóm dơi con chưa thể đi xa để kiếm ăn. Bên cạnh đó, rà soát hệ thống cây xanh, nhân giống các loại cây vừa là nguồn thức ăn vừa là chỗ đậu cho dơi; tích cực mở rộng diện tích rừng trồng trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng theo hướng có lợi cho đàn dơi;...

Chùa Dơi có tên thật là chùa Mahatup, người dân đọc trại ra thành chùa Mã Tộc. Do ở chùa từng có đàn dơi "khổng lồ" trú ngụ nên được nhiều người gọi là chùa Dơi.

Chùa Dơi được xây dựng từ năm 1569, trên một bãi cát hoang do biển bồi. Vị sư trụ trì đầu tiên sau khi dựng ngôi chùa nhỏ bằng gỗ, liền trồng một vườn cây để chắn gió biển. Khi vườn cây xanh tốt, các loại chim liền kéo về, nhiều nhất là cò, cồng cộc, điên điển, quạ, dơi… cho đến nay.