Lái đò chợ nổi chật vật mưu sinh trong mùa dịch

Bảo Kỳ

(Dân trí) - Từ ngày dịch Covid-19 bùng phát đợt 4, chợ nổi Cái Răng không còn đông đúc như thường ngày. Những người lái đò ở chợ nổi phải chạy từng "cuốc ghe" chở nông sản để có thu nhập xoay sở qua ngày.

Lái đò chợ nổi Cái Răng mưu sinh mùa dịch

Suốt mấy tháng qua, từ khi dịch Covid-19 bùng phát đợt 4, chợ nổi Cái Răng (quận Cái Răng, TP Cần Thơ) không còn xuất hiện hình ảnh ghe thuyền, người mua bán hàng hóa tấp nập trên sông. Thay vào đó là hình ảnh im ắng, thương hồ  neo chân vịt, uể oải đợi người mua hàng.

Lái đò chợ nổi chật vật mưu sinh trong mùa dịch  - 1

Chợ nổi Cái Răng im ắng từ khi dịch Covid-19 bùng phát dịch đợt 4.

Không bán được hàng hóa cũng đồng nghĩa nguồn thu nhập bị giảm sút, các thương hồ chợ nổi lâm vào cảnh khó khăn. Vì vậy, họ tìm cách để cho ghe thuyền của mình hoạt động, kiếm được "đồng vô, đồng ra" sinh sống. Thời điểm này, nhu cầu tiêu thụ hàng hóa trong mùa dịch cũng tăng cao, một số thương hồ đã tìm nơi nhập rau củ, trái cây bán lại cho các thương lái ở chợ bình ổn giá.

Chị Trần Thúy Kiều (một thương hồ quê ở tỉnh Trà Vinh) cho biết, để mua bán được trong thời điểm này chủ ghe và người trên ghe đều phải có giấy xét nghiệm âm tính SARS-CoV-2 mới qua được các chốt kiểm soát đường sông. Ngoài ra, còn phải khai báo lịch trình di chuyển, mặt hàng thu mua để cơ quan chức năng nắm rõ.

"Tuy mất nhiều thủ tục nhưng được tạo điều kiện để lưu thông hàng hóa trong thời điểm này tôi vui lắm. Dịch bệnh kéo dài, ai nấy cũng đã rệu rã nên được mua bán kiếm được đồng nào hay đồng nấy thôi", chị Kiều chia sẻ.

Lái đò chợ nổi chật vật mưu sinh trong mùa dịch  - 2

Thu nhập giảm, ít mối lái hơn trước nhưng với cánh lái đò và thương hồ có được thu nhập để trang trải cuộc sống bằng cách vận chuyển hàng hóa cho thương lái.

Theo những thương hồ chợ nổi, để giao hàng hóa cho thương lái phải cần đến đội ngũ lái đò. Họ là cầu nối trung chuyển nhận hàng hóa từ ghe của thương hồ rồi giao đến thương lái ở trên bờ.

Ông Nguyễn Văn Mười Hai, chủ đò có gần 20 năm chở rau củ thuê cho thương hồ, cho biết gần 2 tháng "thất nghiệp" ngồi không ở nhà, ông quyết định trở lại bến bãi làm việc. "Nhiều người thuê chở hàng quá, thấy ghe để trống cũng phí nên tôi mới nhận chở thuê cho bà con. Mùa này dịch bệnh khó khăn nếu không làm nữa thì biết lấy gì mà sống, chạy được cuốc ghe nào là mừng lắm rồi", ông Hai chia sẻ.

Cũng theo ông Hai, bình thường ở chợ nổi Cái Răng có cả trăm người chạy đò thuê như ông nhưng dịch bệnh đến giờ con số ấy giảm đi rất nhiều. Hiện chỉ còn chừng 20 lái đò nhận trung chuyển nông sản, hầu hết là dân địa phương.

Lái đò chợ nổi chật vật mưu sinh trong mùa dịch  - 3

Mặt hàng thu mua đa dạng như củ sắn, dưa hấu, khóm... Mùa này tiêu thụ chậm nên thương lái mua số lượng ít, có khi một ghe chở được có một tấn mà mua tới cả chục thứ.

Trên ghe chở được 20 túi dưa hấu và khóm, anh Nguyễn Văn Phú tấp sát vào chiếc ghe neo giữa sông để chở thêm 100 kg củ sắn giao cho khách. Chia sẻ với Dân trí, anh Phú hào hứng: "Hôm nay mở hàng thuận lợi lắm, sáng giờ tôi chạy được 2 chuyến đò rồi, tính ra cũng hơn 200.000 đồng, coi như đủ tiền xăng dầu với cơm nước".

Anh Phú sinh sống bằng nghề chạy đò mướn đã 5 năm nay, trước dịch anh còn nhận chở thêm khách du lịch nhưng thời điểm hiện tại anh chỉ có thể chở được rau củ. Anh cho biết, tiền công của nghề này không tính theo ghe mà tính theo sản lượng, bình quân mỗi tấn nông sản được trả 100.000 đồng.

Lái đò chợ nổi chật vật mưu sinh trong mùa dịch  - 4

Anh Nguyễn Văn Phú, một lái đò ở chợ nổi Cái Răng, cho biết mùa này chạy đò chở nông sản kiếm được 100.000 đồng hoặc 200.000 đồng/ngày là rất may mắn.

"Có nhiều cách chở hàng, có lúc mình nhận tiền của thương lái ở trên bờ mua hàng hóa ở các ghe dưới sông. Có lúc chủ ghe thuê mình chở nông sản giao ngược cho thương lái. Mặt hàng thu mua đa dạng như khoai lang, củ sắn, dưa hấu, bắp cải... Có khi một ghe chở được có một tấn mà mua tới cả chục thứ vì nếu đi nhiều ghe thì tốn xăng hơn mà tiền công vẫn vậy", anh Phú giải thích về công việc giao nhận của mình.

Thu nhập giảm, ít mối lái hơn trước nhưng với những người lái đò và thương hồ vẫn cảm thấy may mắn vì họ vẫn còn việc làm trong mùa dịch, có được thu nhập để trang trải cuộc sống.

Lái đò chợ nổi chật vật mưu sinh trong mùa dịch  - 5

Ngoài ghe rau củ, trái cây, chợ nổi Cái Răng còn có "tiệm tạp hóa trên sông". Mùa này họ kiếm thu nhập từ việc bán hàng tiêu dùng, hàng thiết yếu cho thương hồ trên ghe.

Trao đổi với Dân trí, bà Bùi Thị Bích Phượng, Phó Chủ tịch UBND phường Lê Bình (quận Cái Răng) cho biết, toàn bộ người dân mua bán, làm việc ở chợ nổi đều là lao động tự do, dịch bệnh kéo dài họ không có việc làm ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống. Do mặt hàng nông sản ở chợ nổi là mặt hàng thiết yếu nên địa phương cũng cố gắng tạo điều kiện cho hàng hóa lưu thông để bà con có thu nhập trong sự kiểm soát dịch bệnh của địa phương.