Hồi sinh voi ma mút từ thời tiền sử

Sau 10.000 năm kể từ khi voi ma mút biến mất hoàn toàn khỏi Trái Đất, các nhà khoa học đang bắt tay vào một dự án đầy tham vọng để đưa những con vật này trở lại Bắc Cực.

Hồi sinh voi ma mút từ thời tiền sử - 1

Voi ma mút hay Voi lông dài (tên khoa học: Mammuthus) là một chi voi cổ đại đã bị tuyệt chủng từ thế Pliocen, vào khoảng 4.500 năm về trước. Tuy nhiên, các nhà khoa học từ lâu vẫn luôn ấp ủ tham vọng tạo ra một loài vật hoàn toàn mới có cấu trúc giống với voi ma mút khổng lồ, từ giúp chúng thêm một lần nữa được bước đi trên mặt đất.

Ý tưởng hồi sinh voi ma mút và đưa chúng về lại với tự nhiên đã được đem ra bàn luận trong hơn một thập kỷ. Thế nhưng mãi ngày 13/9 vừa qua, các nhà nghiên cứu mới công bố dự án chính thức sau khi tìm được nguồn tài trợ. Họ tin rằng sẽ sớm thôi giấc mơ đầy tham vọng của con người sẽ trở thành hiện thực.

Người đứng sau dự án nghiên cứu này là Ben Lamm - một doanh nhân công nghệ và phần mềm và George Church - giáo sư di truyền học tại Harvard, với khoản đầu tư lên đến 15 triệu USD thông qua công ty khoa học sinh học và di truyền Colossal.

Cách thức "hồi sinh voi ma mút" được mô tả như sau. Đầu tiên, các nhà khoa học sẽ tạo ra một con lai giữa chủng voi hiện đại với voi ma mút, bằng cách đưa chuỗi ADN của voi ma mút lông xoăn vào bộ gene của voi Châu Á.

ADN này vốn được chiết xuất từ hóa thạch của voi ma mút, và bảo quản tốt trong lớp băng vĩnh cửu suốt hàng nghìn năm sau khi chúng bị xóa sổ khỏi Trái đất.

Những phôi thai mới sau khi được sinh ra, sẽ được cấy vào cơ thể một con voi cái khác, hoặc cũng có thể được nuôi trong tử cung nhân tạo. Sở dĩ làm được điều này là bởi voi châu Á có quan hệ họ hàng đặc biệt gần gũi với voi ma mút, khi cấu trúc ADN giống nhau đến 99,6%.

Nếu mọi thứ diễn ra theo đúng như kế hoạch, các nhà nghiên cứu đang hướng đến mục tiêu tạo ra những chú voi ma mút lai đầu tiên sau 4 đến 6 năm nữa.

Bên cạnh việc "hồi sinh" lại giống loài đã tuyệt chủng, dự án còn được xem như một nỗ lực của các nhà khoa học trong việc bảo tồn loài voi Châu Á, vốn đang đứng bên bờ vực tuyệt chủng.