Gặp gỡ đôi vợ chồng Nhật Bản vẽ tranh đường phố tại Hà Nội

(Dân trí) - Kami và Sasu, hai nghệ sỹ phong cách đến từ Nhật Bản đã vẽ những bức tranh tường khổng lồ trong triển lãm lần đầu tiên của họ tại Hà Nội.

Là một cặp vợ chồng hoạ sĩ được yêu mến tại Nhật Bản, nhân dịp kỷ niệm Năm hữu nghị Việt Nam- Nhật Bản 2013, Kami và Sasu đã sang giao lưu và vẽ những bức tranh tường tuyệt đẹp lên không gian của Trung tâm Giao lưu Văn hoá Nhật Bản tại Hà Nội.

Sự kết hợp hài hoà giữa những đường cong khoẻ khoắn thời thượng của Kami và những hình hoạ đối xứng đầy màu sắc của Sasu trong các bức tranh tường cũng như các sản phẩm của họ chắc chắn sẽ khiến người xem mãn nhãn và mang đến những cảm hứng mới lạ cho cuộc sống.
 
Cặp vợ chồng nghệ sỹ Kamivà Sasu

Cặp vợ chồng nghệ sỹ Kamivà Sasu
 
Triển lãm cũng giới thiệu một chuỗi các sản phẩm khác nhau được thiết kế bởi Hitotzuki, từ áo T-shirt, túi, mũ, tới những chiếc ván trượt, đồng hồ và cốc. Sự phát triển trong thiết kế của họ từ các tác phẩm nghệ thuật đến với các sản phẩm tiêu dùng chắc chắn sẽ mang lại cảm hứng sáng tạo trong tương lai cho thế hệ trẻ Việt Nam.
 
Trước khi khai mạc triển lãm, ngày 14/12/2013 chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn ngắn hai nghệ sỹ Kami và Sasu :

Lần đầu tiên hai nghệ sỹ sang Việt Nam, vậy anh chị có cảm nhận như thế nào về đất nước, con người Việt Nam?

Đúng vậy, đây là lần đầu tiên vợ chồng tôi tới Việt Nam. Ấn tượng đầu tiên của chúng tôi là giao thông ở Việt Nam. Giao thông ở Việt Nam khiến cho người ta cảm thấy rất bất ngờ và lạ lùng! Quang cảnh của Việt Nam để lại nhiều dấu vết cổ xưa, cũ kĩ mà ở Nhật Bản hiện nay không còn nữa.
 
Tranh của Kami và Sasu


Tranh của Kami và Sasu
Tranh của Kami và Sasu

Vì sao anh chị lại gắn bó với tranh tường?

Tranh tường là loại hình nghệ thuật mà chúng tôi rất thích.Tranh tường mang những ý nghĩa nhất định. Ý nghĩa của tranh tường là thể hiện khung cảnh của thiên nhiên thay đổi ngay trong đời sống của người Nhật cũng như là của tất cả mọi người nói chung.

Vẽ những bức tranh trên một bề mặt tường lớn như vậy thì các nghệ sỹ gặp những khó khăn gì?

Khi làm việc với các mặt tường lớn chúng tôi gặp phải rất nhiều vấn đề khó khăn. Về chất liệu, tường của Việt Nam khác với tường của Nhật, cho nên xử lý khá khó. Có những lúc tôi cảm giác tôi muốn bỏ cuộc, nước mắt chỉ đợi trào ra khi mà làm việc không đến nơi, không được như mình mong muốn.

Đặc biệt là ở những chỗ mép, những chỗ tường gồ ghề, bây giờ mọi người nhìn thì thấy nó rất đơn giản thôi, rất là bình thường. Nhưng thực ra khi bắt đầu làm thì đó lại là một thử thách, một sự khó khăn lớn. Và khi đã làm xong, tôi quên đi những khó khăn ấy thì lúc đó tôi biết chắc chắn rằng tác phẩm của mình đã hoàn thành một cách hoàn thiện nhất. Nhưng đây cũng lại chính là một nét hấp dẫn của nghệ thuật vẽ tranh này.

Vậy anh chị có cách gì khắc phục khó khăn đó?

Cách khắc phục khó khăn duy nhất là ý chí mà thôi. Tức là, khi vẽ một bức tranh trước mắt chúng ta là ba ngày, nhưng không nghĩ đến ba ngày đó mà từng ngày, mỗi ngày sơn lên một lớp một, một chút một. Và khi sơn là sơn bằng chổi, cọ, nên cần tỉ mỉ từng tí một chứ không phải cầm bình và…phun.

Một tinh thần nữa chúng tôi muốn nói tới, khi vẽ một bức tranh ba ngày hay bốn ngày, năm ngày… thì trước mắt chúng ta nó cũng giống như cuộc sống hàng ngày vậy, tương lai thế nào không ai biết trước được, hoặc có thể gặp rất nhiều khó khăn. Mỗi ngày chúng ta đều nấu ăn, gấp quần áo, vậy tất cả những việc làm ấy là để góp phần xây dựng tương lai lâu dài của chúng ta, dù đó là những công việc đơn giản. Vậy từng ngày vượt qua những khó khăn đó có thể tạm coi là công việc thường nhật. Chúng ta phải vượt qua khó khăn để đạt được những kết quả tốt. Đó là tinh thần chúng tôi muốn phản ánh qua những bức tranh của chúng tôi.
 
Tác phẩm của cặp vợ chồng nghệ sỹ trên tường Trung tâm giao lưu văn hoá Nhật Bản tại Hà Nội
Tác phẩm của cặp vợ chồng nghệ sỹ trên tường Trung tâm giao lưu văn hoá Nhật Bản tại Hà Nội

Khán giả xem tranh tại buổi triển lãm khai mạc ngày 14/12

Khán giả xem tranh tại buổi triển lãm khai mạc ngày 14/12

Mỗi nghệ sỹ có một phong cách hội hoạ riêng, anh chị có thể chia sẻ thêm về phong cách của mình?

Phong cách của chúng tôi có sự kết hợp giữa “tính nam” và “tính nữ”. Cũng giống như trong đời sống hàng ngày, chúng tôi là hai vợ chồng, cho nên người chồng sẽ có thiên chức của người chồng, người vợ sẽ có những thiên chức, bổn phận của người vợ.

Trong tranh của chúng tôi, tôi là nam, tôi thường vẽ những đường uốn lượn rất mạnh mẽ, còn vợ tôi chuyên về vẽ hoa. Tuy rằng cách vẽ của mỗi người có những nét đặc trưng riêng, nhưng nó vẫn hoà quyện được vào nhau. Đó chính là phong cách nghệ thuật của chúng tôi.

Chúng tôi còn đặt tên nhóm của chúng tôi là Hitotzuki. “Hi” tức là mặt trời, “Ki” là mặt trăng. Mặt trời và mặt trăng là hai thái cực hoàn toàn khác nhau, cũng như nam và nữ vậy, rất khác nhau nhưng hai thái cực đó lại không thể tách rời, mà luôn gắn bó, hoà quyện với nhau.

Có rất nhiều bạn trẻ Việt Nam đam mê nghệ thuật tranh tường và có thể sẽ theo đuổi công việc vẽ tranh tường trong tương lai. Vậy hai nghệ sỹ có thể đưa ra những lời khuyên cho họ?

Đối với những bạn trẻ yêu thích nghệ thuật vẽ tranh tường có một điều chúng tôi muốn gửi gắm tới các bạn. Đó là các bạn hãy luôn trân trọng tất cả những gì xung quanh các bạn, từng bức tường, từng ngọn cỏ, cành cây…Bởi mỗi một vật, mỗi một đối tượng ấy đều có thể toát lên giá trị nghệ thuật, sẽ khơi gợi cảm hứng cho các bạn. Các bạn đừng vội phá bỏ đi những thứ tưởng chừng như rất đỗi bình thường trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta.

Xin cảm ơn anh chị!

Bài và ảnh: Trúc Diệp