Đòi vợ 42 triệu mới trả giấy tờ: Nên có cái nhìn khách quan cho người chồng

Khả Vân

(Dân trí) - Nếu chỉ có người chồng đóng góp thu nhập cho nhu cầu thiết yếu của gia đình,người vợ có thu nhập nhưng không đóng góp thì yêu cầu phân chia rõ ràng của anh chồng cũng chưa có gì quá bất hợp lý.

Đó là một góc nhìn của Luật sư Quách Thành Lực (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) về câu chuyện ly hôn của đôi vợ chồng trẻ ở tỉnh Thái Bình đang gây xôn xao dư luận mấy ngày này; khi mà người chồng đã lạnh lùng đòi vợ trả tiền ăn uống trong 12 tháng, phải trả sòng phẳng thì anh ta mới cho vợ lấy giấy tờ cá nhân rời khỏi nhà...

Luật sư Lực cho rằng, trong sự việc này cần quy chiếu quy định pháp luật quy định về tài chung vợ chồng của Luật hôn nhân gia đình. Theo đó điều 29 về Nguyên tắc chung về chế độ tài sản của vợ chồng quy định như sau: Vợ, chồng bình đẳng với nhau về quyền, nghĩa vụ trong việc tạo lập, chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung; không phân biệt giữa lao động trong gia đình và lao động có thu nhập. Vợ, chồng có nghĩa vụ bảo đảm điều kiện để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình.

Những nội dung liệt kê trong văn bản thỏa thuận của hai vợ chồng có những khoản đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình. Về nguyên tắc trong gia đình cả hai vợ chồng cùng phải đóng góp bằng thu nhập của mình cho các nhu cầu chung cuộc sống gia đình.

Đòi vợ 42 triệu mới trả giấy tờ: Nên có cái nhìn khách quan cho người chồng - 1
Đòi vợ 42 triệu mới trả giấy tờ: Nên có cái nhìn khách quan cho người chồng - 2

Câu chuyện ly hôn của đôi vợ chồng trẻ gây đang gây xôn xao dư luận trong những ngày gần đây

Dù pháp luật có quy định "không phân biệt giữa lao động trong gia đình và lao động có thu nhập", ưu tiên bảo vệ quyền lợi người phụ nữ nhưng cũng không đồng nghĩa với việc người vợ có thu nhập nhưng không đóng góp, lấy lý do lao động trong gia đình không tạo ra thu nhập.

Xảy ra tranh cãi việc như vậy là điều đáng tiếc. Tuy nhiên để có cái nhìn khách quan hơn thì ta cần có thêm thông tin về việc tại sao chỉ có người chồng đóng góp cho nhu cầu thiết yếu của gia đình?

Nếu đúng chỉ có người chồng đóng góp thu nhập cho nhu cầu thiết yếu của gia đình; còn người vợ có lao động tạo ra thu nhập nhưng không đóng góp kinh tế cho gia đình thì xét rằng yêu cầu phân chia rõ ràng của anh chồng cũng chưa có gì quá bất hợp lý.

Việc người chồng giữ lại giấy tờ, tài sản đã đưa ra yêu sách buộc người vợ trả tiền sau đó mới giao giấy tờ là một việc không hợp pháp. Tuy nhiên khi hai bên đã xảy ra những mâu thuẫn tình cảm, tranh chấp về kinh tế thì người chồng đã lựa chọn một cách thiếu tích cực để đạt được yêu cầu tài chính.

Một sự việc như vậy sẽ góp phần phơi bày nhiều điều khác thường trong cuộc sống riêng tư của hai vợ chồng. Những câu hỏi tại sao người chồng đòi tiền ăn? Tại sao người vợ không đóng góp cho tài chính gia đình? Hai người sống với nhau thế nào mà để hai bên đều đưa ra những hành xử đáng buồn đến vậy?

Về chi tiết cán bộ phụ nữ thôn, công an viên thôn cùng ký vào Biên bản bàn giao tiền và giao giấy tờ, tài sản. Cũng cần thấu hiểu rằng những yêu sách tài chính để giao giấy tờ tùy thân, tài sản là không hợp pháp, đáng nhẽ đại diện thôn xã không nên ký vào giấy tờ đó.

Tuy nhiên để giải quyết các mâu thuẫn nhỏ, đạt hiệu quả cao thì đây cũng là một lựa chọn có thể hiểu được của đại diện Thôn. Giả sử trong vụ việc này nếu lựa chọn khởi kiện ra tòa thì chắc cũng phải 6 tháng thì yêu cầu của hai bên mới có thể được đáp ứng. Xét trong bối cảnh thực thi pháp luật hiện tại lựa chọn hỗ trợ giúp hai bên đạt được thỏa thuận như vậy cũng là một điều đáng ghi nhận.