Tâm điểm
Nguyễn Cảnh Bình

Sách giáo khoa "đắt" hay "rẻ"?

Năm học mới chưa bắt đầu, nhưng vấn đề sách giáo khoa mới đã nóng trên diễn đàn Quốc hội và dư luận trước thông tin một số bộ sách tăng giá 2-3 lần so với hiện nay.

Câu hỏi nhiều người quan tâm là giá sách giáo khoa mới có thực sự đắt không và đằng sau mức giá đó là gì? Nhìn ra thế giới, ở nhiều nước sách giáo khoa được chính phủ trả tiền và cung cấp miễn phí cho học sinh. Một số quốc gia thì thả nổi theo cơ chế thị trường. Việt Nam có chính sách nằm giữa hai thái cực này.

Là một người làm trong ngành xuất bản gần 20 năm, tôi tin nếu thả nổi thị trường, giá bán sách giáo khoa chắc chắn cao hơn hiện nay, tất nhiên chất lượng và hình thức sách cũng sẽ khác nhiều. 

Sách giáo khoa đắt hay rẻ? - 1

Bộ sách cũ giá thành từ 50.000 đến hơn 100.000 đồng; còn bộ sách mới từ 200.000 - 300.000 đồng tùy từng loại (Ảnh minh họa).

Phát biểu trên diễn đàn Quốc hội mới đây, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào Tạo Nguyễn Kim Sơn thông tin, các bộ sách được biên soạn mới có khổ lớn hơn, giấy tốt hơn. Theo chủ trương xã hội hóa nhiều bộ sách, quy trình từ biên soạn cho đến giới thiệu, thử nghiệm, phát hành do các doanh nghiệp hoàn toàn đảm nhiệm và kê khai giá với Bộ Tài chính... Các bộ sách cũ được Nhà nước bỏ tiền cho rất nhiều các khâu từ biên soạn, thẩm định, có khổ nhỏ hơn, giấy xấu. Vì vậy, bộ sách cũ giá thành từ 50.000 đến hơn 100.000 đồng; còn bộ sách mới từ 200.000 đến trên 300.000 đồng tùy từng loại.

Tôi không biết chính xác cơ chế bên trong của quá trình làm sách giáo khoa, như chi phí cho người viết, các quy định về tiền lương, chi phí hoạt động của Nhà xuất bản Giáo dục… Thật khó có thể giữ giá sách không tăng khi khổ lớn hơn, giấy tốt hơn. Nhưng đó chỉ là một trong những lý do bởi còn vài lý do khác. Những năm học trước, tất cả học sinh chỉ có một bộ sách giáo khoa giống hệt nhau, số lượng in lớn, chi phí viết, biên tập không thay đổi, dẫn đến giá thành sẽ giảm. Nhưng hiện nay, khi có nhiều lựa chọn, số lượng in của mỗi bộ sách giảm đi tất yếu khiến cho chi phí sản xuất tăng.

Việc xã hội hóa sách giáo khoa hiện nay chắc chắn sẽ làm tăng chi phí và giá bán. Nhưng dù vậy, sách giáo khoa vẫn chưa thực sự "thị trường". Các điều kiện đặt ra cho việc làm sách giáo khoa khiến cho lĩnh vực này vẫn chưa thực sự mở cửa, vẫn chỉ có Nhà xuất bản Giáo dục và một vài đơn vị khác tham gia.

Trước thực tế giá sách giáo khoa tăng, nhiều ý kiến cho rằng Chính phủ nên tiếp tục trợ giá. Một số ý kiến phản đối vì như thế là trở lại cơ chế cũ. Nhưng nếu không trợ giá, thì có thể nhiều học sinh nghèo sẽ gặp khó trong việc tiếp cận sách giáo khoa mới. Tôi nghĩ thị trường sách giáo khoa vẫn cần sự kiểm soát của Bộ Giáo dục và Đào tạo, nhưng phải theo một lộ trình và phương pháp cởi mở, hiện đại và rõ ràng hơn. 

Tôi đã tìm hiểu kỹ cơ chế làm sách giáo khoa của Hàn Quốc, thấy rằng chúng ta rất nên tham khảo. Tất cả các Nhà xuất bản tham gia làm sách giáo khoa ở Hàn Quốc đều là tư nhân, song vẫn có sự can thiệp khoa học và hợp lý của Bộ Giáo dục. Sau khi Bộ ban hành khung chương trình thì các nhà xuất bản trình lên bản sách mới. Bộ sẽ xem xét và cùng lúc có nhiều bộ sách được chọn. Các nhà xuất bản phải tham gia đấu thầu minh bạch để cung cấp sách giáo khoa cho trường phổ thông, hiệu trưởng có quyền được chọn bộ sách nào phù hợp.

Theo tôi, cái gốc của vấn đề sách giáo khoa ở ta hiện nay là thiết kế một cơ chế hiện đại và hiệu quả, cho phép nhiều loại sách giáo khoa với các mức giá khác nhau, chất lượng in ấn, hình ảnh, loại giấy khác nhau phù hợp với các điều kiện địa phương, trường lớp và gia đình. Cùng với đó, Nhà nước trợ giá hoặc tặng miễn phí sách giá rẻ cho học sinh vùng sâu vùng xa, các hộ nghèo, khó khăn.

Có người hỏi tôi: Từ kinh nghiệm của anh, liệu có công nghệ làm sách giáo khoa "nhanh, nhiều, tốt, rẻ" không?. Tôi đã trả lời rằng mục đích của sách giáo khoa không phải chỉ như vậy, mà quan trọng nhất là giúp học sinh tiếp thu kiến thức, phát huy khả năng của bản thân, tạo ra hứng thú học tập… Yếu tố rẻ chỉ nên coi là một trong những yêu cầu và cũng tùy theo từng nhóm học sinh, gia đình, hoàn cảnh cụ thể. 

Nếu coi sách giáo khoa là hàng hóa bình thường, kiểu như "nước mắm công nghiệp" thì khá dễ để có bộ sách đáp ứng yêu cầu "nhanh, nhiều, tốt, rẻ". Vì chúng ta chỉ cần công thức cũ, không cần thay đổi nội dung, nhà nước in mấy chục triệu bản và dùng cho nhiều năm mà không cần làm gì mới. Thế là có ngay. Nhưng đó là quan điểm sai, việc áp dụng tư duy này cản trở sự sáng tạo, sự phát triển và hội nhập, hiện đại hóa của ngành giáo dục nói chung và các nhà xuất bản nói riêng.

Một xã hội hiện đại, một thị trường tiêu dùng thông minh, một nền giáo dục khoa học và nhân văn thì cùng lúc, chúng ta phải coi trọng cả hai yếu tố, chất lượng và hình thức. Khi chúng ta đang muốn cuộc sống của mình ngày càng nhiều tiện nghi công nghệ mới, thì đừng giữ tư duy trẻ em phải học sách giáo khoa cũ, bởi đó không phải là mục tiêu đúng đắn. Trong thực tế, rất nhiều gia đình đang cho con theo học các trường tư với chi phí trên dưới 10 triệu đồng mỗi tháng, tôi tin không chỉ các gia đình này mà hàng triệu phụ huynh khác cần và sẵn sàng bỏ chi phí vài trăm nghìn đồng hoặc hơn để mua bộ sách giáo khoa mới, in ấn đẹp, hình ảnh tốt, khổ rộng cho con mình trong cả năm học. Nếu với xu thế phát triển kinh tế, phát triển giáo dục mà thị trường không có những sản phẩm như vậy để đáp ứng thì mới là vấn đề. 

Ngoài ra, để có những bộ sách giáo khoa tốt, chúng ta cần xây dựng một cơ chế minh bạch hơn, phù hợp hơn, cởi bỏ những trói buộc không cần thiết và khuyến khích các đơn vị xuất bản có ý tưởng sáng tạo. Sách giáo khoa liên quan trực tiếp đến mỗi gia đình, nếu không có đủ thông tin thì dễ hiểu là người dân sẽ nảy sinh những câu hỏi. Khi xuất hiện nhiều góc nhìn tiêu cực, càng khiến những người làm sách giáo khoa cảm thấy áp lực, căng thẳng. Tôi quen biết nhiều người trong ngành, một số tác giả sách giáo khoa do áp lực và những quy kết khiến họ muốn buông bỏ. 

Chúng ta cần một cơ chế để có những bộ sách giáo khoa tốt, hiệu quả, giá thành hợp lý. Tôi dùng từ hợp lý chứ không phải rẻ. Đó là những bộ sách phù hợp với các học sinh có điều kiện khác nhau, được sử dụng nhiều lần, ứng dụng công nghệ hỗ trợ để giảm giá thành. Kinh nghiệm quốc tế và trí tuệ trong nước không thiếu. Tôi tin rằng các đơn vị xuất bản, các chuyên gia tâm huyết sẵn sàng hiến kế cho ngành Giáo dục nếu có cơ hội.

Tác giả: Ông Nguyễn Cảnh Bình là Chủ tịch HĐQT Alpha Books và Omega. Ông cũng là Giám đốc Trung tâm hợp tác Trí tuệ Việt Nam, đồng thời là người sáng lập Chương trình Đào tạo Lãnh đạo Trẻ ABG.

Chuyên mục BLOG mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!