Tâm điểm
Dương Trung Quốc

"Nhớ ngày giỗ Tổ mùng mười tháng ba"

Những ngày cuối xuân, đầu hạ này thời tiết ở khu vực Phú Thọ không mưa, nhiệt độ vừa phải, thuận lợi cho người dân từ khắp mọi miền Tổ quốc về dự lễ giỗ Tổ Hùng Vương. Trong bối cảnh dịch Covid-19 đã được kiểm soát, dù không chủ quan nhưng chắc chắn rằng lễ giỗ Tổ năm nay sẽ có đông đảo người dân hành hương hơn 2 năm đại dịch vừa qua.

Năm nay chúng ta kỷ niệm 10 năm UNESCO chính thức công nhận Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ, Việt Nam, là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Quyết định của UNESCO lúc đó nêu rõ "Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương thể hiện lòng tôn kính đối với các bậc tổ tiên và từ đó nâng lên lòng tự hào dân tộc và gắn kết cộng đồng".

Quả thực, nhìn lại dòng lịch sử, tín ngường thờ cúng Hùng Vương gắn với những truyền thuyết về nguồn gốc đất nước, khởi đầu từ các làng xã ở xung quanh vùng đất Tổ và ngày càng có có vị thế đặc biệt trong tâm thức của người Việt. Từ thời nhà Lê sử sách đã ghi lại điều này. Triều đình cho dân xã Hy Cương được miễn thuế 500 mẫu ruộng, miễn đóng sưu, miễn đi phu, đi lính, và còn được trích một khoản thuế điền thổ phục vụ cho việc phúng tế hàng năm. Đến nhà Nguyễn, bên cạnh việc cho tu sửa di tích, đã ấn định ngày mồng Mười tháng Ba hằng năm làm ngày Quốc tế, tức là chính thức hóa bằng luật pháp.

Sau khi cách mạng tháng Tám thành công, Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã ra sắc lệnh về những ngày lễ chính thức, trong đó có giỗ Tổ Hùng vương, cho phép các viên chức được nghỉ ngày lễ mà vẫn hưởng lương. Ngày 11/4/1946 (tức mùng 10 tháng 3 năm Bính Tuất) lần đầu tiên giỗ Tổ Hùng Vương được tổ chức ở Hà Nội do Chủ tịch Hồ Chí Minh - người đứng đầu Nhà nước, đứng ra làm chủ lễ. Buổi lễ diễn ra ở khu vực Đông Dương học xá - Đại học Bách Khoa ngày nay, với hàng vạn người tham gia đứng thành hàng lối nghiêm chỉnh.

Dịp này, đoàn đại biểu của Chính phủ, Quốc hội, Mặt trận do cụ Huỳnh Thúc Kháng - Bộ trưởng Nội vụ, cụ Nguyễn Văn Tố - Trưởng ban Thường trực Quốc hội, ông Nguyễn Xiển - Chủ tịch Ủy ban hành chính Bắc Bộ… đã đến Phú Thọ dự lễ giỗ Tổ ở đây. Ngày lễ hội tại đền Hùng năm đó được tường thuật lại là đã diễn ra với không khí khác rất nhiều với mọi năm, khi cờ đỏ sao vàng và các khẩu hiệu: Việt Nam thống nhất, Tổ quốc muôn năm… treo khắp ngả đường từ chân núi lên đỉnh núi. Trong không khí trang nghiêm, trước bàn thờ Tổ quốc trên đỉnh núi cao, đoàn đại biểu đã dâng lên đền Thượng tấm bản đồ đất nước Việt Nam thống nhất Nam Bắc và lá cờ đỏ sao vàng. Đây có thể được xem là một trong những dấu mốc của lễ hội đền Hùng qua các giai đoạn lịch sử.

Sau kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi, năm 1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh từ chiến khu Việt Bắc về Đền Hùng dâng hương tưởng niệm. Tại đây, nói chuyện với Đại đoàn quân tiên phong trước khi về tiếp quản Thủ đô, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: "Các vua Hùng đã có công dựng nước. Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước".

Một dấu mốc khác có thể kể đến, trong những năm kháng chiến chống Mỹ, đã diễn ra chuỗi sinh hoạt khoa học lớn thu hút giới nghiên cứu về thời đại Hùng Vương. Lúc đó xuất hiện khẩu hiệu "đưa 4.000 năm ra trận", trở thành một trong những nguồn động lực cho công cuộc thống nhất đất nước.

Nhìn ra thế giới, không chỉ người Việt Nam mới có văn hóa thờ cúng tổ tiên, nhưng việc UNESCO chính thức công nhận Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương 10 năm trước, cho thấy đây là một Tín ngưỡng sâu sắc của người Việt gắn kết với biểu tượng quốc gia và cộng đồng. Tín ngưỡng này phát triển cùng với sự nghiệp dựng nước và giữ nước, là điểm tựa tinh thần cho các thế hệ người Việt vượt qua những khó khăn, thách thức hết sức khắc nghiệt trong lịch sử để tồn tại và phát triển. Là một quốc gia với cộng đồng hơn 50 dân tộc anh em, mỗi dân tộc có tập quán và tín ngưỡng riêng, chúng ta càng ý thức về tinh thần đại đoàn kết và hòa hợp trong ngày lễ hội thiêng liêng này.

Vì tính chất thiêng liêng và quan trọng đó, nhu cầu hành hương về đất Tổ sẽ ngày càng nhiều hơn, trách nhiệm của các cơ quan quản lý và chính quyền địa phương là tổ chức thật tốt lễ hội, đảm bảo cho các chuyến về nguồn của người dân tránh được những bất cập, những hình ảnh chen lấn không hay như trước đây.

Trong sinh hoạt xã hội dịp này, theo tôi, nên điều chỉnh để không diễn ra những hoạt động hưởng ứng lãng phí, kiểu như nấu những món ăn "siêu to, khổng lồ", vừa không thiết thực lại trưng ra hình ảnh phản cảm.

Dịp giỗ Tổ năm nay, chúng ta đón nhận một công trình văn hóa lớn ở Nam Bộ là Đền thờ Vua Hùng tại thành phố Cần Thơ. Ngoài ra, chương trình ngày Quốc Tổ Việt Nam toàn cầu 2022 và vinh danh con cháu Vua Hùng cũng được tổ chức bằng hình thức kết nối trực tuyến từ 40 quốc gia và vùng lãnh thổ. Hy vọng đây là sự kiện văn hóa có ý nghĩa không chỉ đối với cộng đồng người Việt Nam đang sinh sống, học tập, nghiên cứu và làm việc ở nước ngoài, mà còn đối với bạn bè quốc tế yêu mến Việt Nam.

Cùng với các điểm hội tụ tâm linh, thờ kính vua Hùng trên khắp cả nước và kết nối với kiều bào ở nước ngoài, mạch nguồn dân tộc sẽ được lan tỏa và phát triển vững bền.

Tác giả: ông Dương Trung Quốc là nhà nghiên cứu sử học, đại biểu Quốc hội liên tục từ khóa XI đến khóa XIV (20 năm).