Tâm điểm
Hoàng Công Tuấn

Nên làm gì khi đầu tư chứng khoán thua lỗ 50%?

Điều gì đang diễn ra trên thị trường?

Sau chuỗi sụt giảm hơn 6 tuần liên tục, chúng ta đã chứng kiến một tuần hồi phục tương đối thuận lợi của chứng khoán Việt Nam. Bước sang tuần mới, mặc dù thị trường biến động mạnh nhưng kết phiên 24/5, VN-Index vẫn có cú lội ngược dòng ngoạn mục, tăng 14,57 điểm lên 1.233,38 điểm.

Nên làm gì khi đầu tư chứng khoán thua lỗ 50%? - 1

Cộng đồng nhà đầu tư, đặc biệt là những nhà đầu tư mới gia nhập thị trường, vừa phải trải qua "cú sốc" khó quên khi thị trường lao dốc suốt 6 tuần liên tục (Ảnh minh họa: Hữu Khoa).

Có hai yếu tố đang ủng hộ sự hồi phục của thị trường thời điểm hiện tại. Thứ nhất, khi giá cổ phiếu lùi về vùng rất hấp dẫn, thị giá quá rẻ so với giá trị nên đã thu hút được lực cầu chủ động từ những nhà đầu tư vốn đứng ngoài quan sát suốt một thời gian (thường gọi là những nhà đầu tư có vị thế tiền mặt cao - full cash).

Thứ hai, một bộ phận nhà đầu tư chịu áp lực đòn bẩy tài chính cao thì vừa qua đã buộc phải cắt lỗ, cơ cấu lại danh mục. Một khi áp lực thu nợ ký quỹ (margin) bớt căng thẳng, lực bán cũng yếu theo. Thị trường những phiên tới đây chủ yếu dao động do hoạt động "trading" mua cao bán thấp của những nhà đầu tư ngắn hạn, áp lực bán hoảng loạn không còn nữa. Tất nhiên, quá trình tạo đáy không chỉ diễn ra trong một hai phiên mà có thể cần một thời gian đủ dài.

Thanh khoản sụt giảm do đâu, có đáng lo ngại?

Vấn đề mà nhiều nhà đầu tư đang lo ngại hiện nay là thanh khoản. Rõ ràng thanh khoản đã giảm đáng kể so với giai đoạn trước với những phiên giao dịch có giá trị khớp lệnh từ 20.000-30.000 tỷ đồng trên sàn HSX, hay những phiên giao dịch với khối lượng tổng thể trên 1 tỷ cổ phiếu cũng gần như đã biến mất.

Tuy nhiên nếu suy xét kỹ,  với khối lượng giao dịch duy trì từ 500-700 triệu cổ phiếu như bây giờ, tôi cho rằng số lượng nhà đầu tư tham gia thị trường vẫn tương đối đông đảo.

Có 3 yếu tố khiến cả khối lượng và giá trị giao dịch trên thị trường suy giảm so với thời gian trước. Yếu tố  thứ nhất đó là do giá cổ phiếu đã bị chiết khấu khá sâu nên khối lượng giao dịch không giảm nhiều nhưng giá trị giao dịch lại giảm mạnh hơn. Yếu tố thứ hai là hoạt động thanh lọc tại những mã cổ phiếu mang tính đầu cơ, "rỗng ruột" (kết quả kinh doanh yếu kém). Trước đây những mã đó được giao dịch hàng nghìn tỷ đồng một phiên thì bây giờ chỉ giao dịch trong khoảng vài chục tỷ/phiên, dòng tiền thông minh đã chuyển dịch rất nhanh, vậy nên, tổng giá trị giao dịch cần phải loại trừ đi hàng nghìn tỷ động thanh khoản tại những mã cổ phiếu đầu cơ này.

Yếu tố thứ ba là việc sử dụng đòn bẩy (margin) của các nhà đầu tư đã trở nên điềm tĩnh và lý trí hơn khá nhiều sau giai đoạn tăng nóng. Thời gian Vừa qua, những nhà đầu tư lạm dụng đòn bẩy một cách thiếu kiểm soát đã phải chịu áp lực rủi ro rất lớn. Trong nhiều thời điểm, họ ở trạng thái bắt buộc phải bán để đảm bảo an toàn danh mục  chứ không hẳn là do bản thân bi quan, mất niềm tin vào thị trường, vào doanh nghiệp. Khi một nhà đầu tư đã cắt giảm margin thì họ cũng không thể quay trở lại sử dụng margin ngay do tâm lý còn thận trọng.

Kết hợp các yếu tố trên, chúng ta hiểu vì sao thanh khoản giai đoạn này lại thấp. Tuy nhiên, ở trên một góc độ khác thì có thể thấy, thị trường hiện đã giảm mạnh hoạt động đầu cơ thiếu bền vững, sử dụng margin quá tay. Vậy nên, nếu tới đây thị trường có tích lũy hay đi lên thì cũng sẽ vững chắc hơn, chứ không biến động mạnh như giai đoạn vừa rồi.

Vậy câu hỏi là thị trường có còn đủ hấp dẫn nhà đầu tư hay không?

Theo thống kê, trong tháng 4 vừa qua, thị trường vẫn tiếp tục đón nhận trên 200.000 tài khoản mở mới. Về bản chất là thị trường luôn đón nhận những luồng vốn mới, những nhà đầu tư mới, và tháng nào theo thống kê cũng sẽ có một lượng tài khoản mở mới nhất định.

Cộng đồng nhà đầu tư đã có 2 năm thăng hoa cùng với thị trường, hoạt động đầu tư tương đối thuận lợi và tâm lý đầu tư cũng hào hứng, phấn khởi, có thể nói là "mạnh bạo". Vậy nhưng, thời điểm hiện tại, mặc dù số tài khoản mở mới tăng nhưng nhiều tài khoản mới chỉ dừng ở bước tìm hiểu; cũng có những người quan sát, đứng ngoài thị trường. Dòng tiền mới theo đó yếu hơn so với thời gian trước đây.

Về lâu dài, một khi nhà đầu tư đã mở tài khoản thì tôi vẫn tin, họ sẽ giao dịch vào một ngày nào đó. Điều quan trọng là đã có những người biết về chứng khoán, muốn tìm hiểu về kênh đầu tư này. Đây là yếu tố tích cực khi xét về dài hạn! Ta không nên quá bi quan rằng, sau cú điều chỉnh sâu vừa qua, chứng khoán sẽ mất hoàn toàn sức hấp dẫn, khiến người ta sợ hãi, đến mức "không còn dám đầu tư".

Tôi thấy dường như chúng ta quá chú trọng đến yếu tố tâm lý, song trong đầu tư, tâm lý chỉ một phần. Có thể khi thị trường giảm từ 1.500 điểm xuống dưới 1.400 điểm, nhà đầu tư bị yếu tố tâm lý tác động do tin tức tiêu cực , song trong chuỗi bán tháo từ 1.300 điểm xuống 1.150 điểm là câu chuyện cân bằng dòng tiền, giải tỏa margin.

Nhìn lại giai đoạn cuối năm  2018 đến hết năm 2019, có thể thấy, thị trường đi ngang, dao động lên xuống rất nhẹ nhàng vì thời điểm đó nhà đầu tư chủ yếu là Fn (nhà đầu tư lâu năm), họ dùng margin điềm đạm chứ không mạnh bạo như vừa rồi. Cho nên, một khi áp lực margin đã được "tiêu hóa" hết thì rủi ro bán tháo cũng không còn.

Ta chỉ nên lo lắng khi thị trường bị định giá quá cao hoặc triển vọng doanh nghiệp ảm đạm. Còn hiện nay, khi các cổ phiếu đã được định giá thấp, nền kinh tế ổn định và lợi nhuận doanh nghiệp tăng trưởng thì thị trường đang mở ra những cơ hội mới cho những nhà đầu tư khôn ngoan và điềm tĩnh.

Về tổng thể, kinh tế vĩ mô của Việt Nam vẫn là một điểm sáng với khu vực với thế giới. Chính sách tiền tệ và tài khóa vẫn đang có xu hướng hỗ trợ cho nền tảng thị trường. Kể cả trong trường hợp lạm phát vượt 4% thì vẫn khá tốt nếu so sánh với những quốc gia khác trong khu vực và trên thế giới.

Cá nhân tôi cho rằng, sau mỗi đợt biến động mạnh như thế này, thị trường sẽ được nâng tầm, đồng thời cũng nâng chất lượng nhà đầu tư. Có thể nói, nhiều nhà đầu tư đã có thể tự hào vì "tốt nghiệp F0", rồi đây, khả năng quản trị rủi ro, cách thức đầu tư cũng sẽ thay đổi theo hướng tích cực và bền vững hơn.

Nhà đầu tư nên làm gì khi đã thua lỗ hơn 40-50%?

Có một số người hỏi rằng, khi đã lỡ "kẹp hàng" để lỗ đến 40-50% danh mục thì phải làm sao?

Trước hết, nếu muốn gắn bó với thị trường, nhà đầu tư cần phải xác định phương pháp đầu tư, xác định bản thân là nhà đầu tư dài hạn hay ngắn hạn.

Khi bạn không có đủ kiến thức để cơ cấu lại danh mục thì có thể yêu cầu sự hỗ trợ từ các chuyên viên tư vấn tại các CTCK và các chuyên viên tư vấn phải có trách nhiệm hỗ trợ bạn. Sau khi rà soát thì nên chọn thời điểm để loại bỏ dứt khoát những mã cổ phiếu mang tính đầu cơ và chỉ giữ lại những cổ phiếu có triển vọng kinh doanh khả quan và bền vững lâu dài.

Tôi muốn chia sẻ với các bạn hai điều trên góc độ là một người đã và đang đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp:

Thứ nhất, nếu bạn là nhà đầu tư cá nhân ít có thời gian theo dõi thị trường, coi đầu tư cổ phiếu là nguồn thu nhập thứ hai với mức sinh lời hợp lý thì không nên quá quan tâm biến động chỉ số, mà nên dành thời gian để tìm hiểu về một vài doanh nghiệp chắc chắn, có triển vọng phát triển trong tương lai sau đó chọn thời điểm để mua với mức giá hợp lý và nắm giữ lâu dài.

Tôi biết một số nhà đầu tư lâu năm thường mua cổ phiếu mang tính chất tích lũy. Họ không tham gia thị trường thường xuyên, song sẽ có mặt để mua vào cổ phiếu mỗi khi thị trường điều chỉnh. Có thể, tài khoản của họ không dễ gấp 5, gấp 10, nhưng mức sinh lời qua nhiều năm sẽ tốt hơn rất nhiều so với lãi suất tiết kiệm.

Với những nhà đầu tư có xu hướng lướt sóng theo nhịp của thị trường (trading) thì cần phải trau dồi thêm kiến thức kinh nghiệm, chủ động học hỏi, tham gia những buổi đào tạo bồi dưỡng kỹ năng. Nếu coi trading là một công việc nghiêm túc thì liệu rằng bạn có chịu dành thời gian cho việc đó hay không? Đồng thời, đã giao dịch trading thì phải có kỷ luật về quản trị rủi ro và về sử dụng đòn bẩy.

Đầu tư Chứng khoán không phải là dễ dàng nhưng cũng không quá khó. Tuy nhiên nếu không nghiêm túc, không xác định được mục đích, phương pháp đầu tư thì thua lỗ là điều khó tránh khỏi. Ngược lại, nếu vẫn muốn gắn bó với chứng khoán lâu dài, thị trường vẫn ở đó, luôn có cơ hội cho tất cả mọi người.

Tác giả: Hoàng Công Tuấn là một trong những chuyên gia uy tín trên thị trường chứng khoán Việt Nam hiện nay. Ông giữ cương vị Kinh tế trưởng (Trưởng Bộ phận Nghiên cứu Vĩ mô) của Công ty Chứng khoán MB (MBS).

Chuyên mục BLOG mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và cho biết suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!.