Tâm điểm
Đại sứ Phạm Quang Vinh

"Mái nhà chung" ASEAN: Vững vàng trước sóng gió thời cuộc

Hôm nay (8/8/2022) vừa tròn 55 năm ngày thành lập Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á ASEAN - mái nhà chung của hơn 630 triệu người dân trong khu vực.

Duyên may trong cuộc đời công tác ngoại giao của mình, tôi có 7 năm 4 tháng, từ cuối tháng 7/2007 đến hết tháng 11/2014, được trực tiếp làm công việc liên quan đến ASEAN. Đây cũng là giai đoạn ASEAN chuyển mình sâu sắc, từ việc soạn thảo Hiến chương và định hình bộ máy mới của ASEAN, rồi đến Kế hoạch tổng thể 3 trụ cột Cộng đồng: Cộng đồng An ninh - Chính trị; Cộng đồng Kinh tế; Cộng đồng Văn hóa - Xã hội. Hiến chương ASEAN được ví như một bản "hiến pháp" của Hiệp hội, đã góp phần quan trọng đưa ASEAN và bộ máy của mình đi vào vận hành nền nếp, thực chất, hiệu quả hơn; tạo những nền tảng cho sự phát triển của ASEAN đến hôm nay.

Quan sát, nghiên cứu rồi trải nghiệm trong cuộc, tôi cũng như những người làm thời đó, giờ thấy rất rõ quá trình phát triển mạnh mẽ và vai trò tích cực của ASEAN trong việc kiến tạo môi trường hòa bình, hợp tác và phát triển ở khu vực cũng như trên thế giới.

Từ một ASEAN ra đời năm 1967 trong bối cảnh khu vực và thế giới có nhiều vấn đề phức tạp, các nước Đông Nam Á phân cực, nghi kị, đối đầu. Rồi đến giữa và cuối những năm 1990, các nước khu vực đã hết sức nỗ lực, vượt qua khác biệt và đưa ASEAN trở thành hiệp hội của cả 10 nước Đông Nam Á, gắn kết hướng tới cộng đồng và đưa hợp tác trên các lĩnh vực đi vào chiều sâu. Trong các dấu mốc quan trọng của ASEAN có việc Việt Nam trở thành thành viên (năm 1995), tiếp đó là Lào, Myanmar, rồi đến Campuchia (giai đoạn 1997 - 1999). ASEAN đã thực sự vượt qua quá khứ, trở thành một trong những tổ chức khu vực được nhiều chuyên gia đánh giá là "thành công nhất trên thế giới", cùng với Liên minh Châu Âu EU.

Mái nhà chung ASEAN: Vững vàng trước sóng gió thời cuộc - 1

Thủ tướng Phạm Minh Chính trao đổi với các thành viên đoàn đại biểu Việt Nam tham dự Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 38 và lần thứ 39 theo hình thức trực tuyến, tháng 10/2021. (Ảnh: VGP/Nhật Bắc)

"Mái nhà chung" là điều mang tính biểu tượng của Hiệp hội, không chỉ để che mưa nắng, mà còn thể hiện sự gắn kết và năng lực phát huy vai trò tích cực của mình trong khu vực, cộng hưởng tạo ra vị thế nổi bật và sức hấp dẫn đối với thế giới, các quốc gia bên ngoài, đặc biệt là các nước lớn, các đối tác chủ chốt. Theo thống kê, 96 nước ngoài khu vực Đông Nam Á đã bổ nhiệm Đại sứ bên cạnh Ban thư ký ASEAN. Hiệp hội hiện có quan hệ đối tác với 11 quốc gia, trong đó 2 nước có quan hệ đối tác chiến lược toàn diện (Trung Quốc, Australia), cùng 8 nước có quan hệ đối tác ở mức chiến lược. Ngày càng nhiều quốc gia trên thế giới mong muốn "bắt tay" với ASEAN. Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 55 diễn ra ở Campuchia đầu tháng 8 này, đã chứng kiến một loạt nước gồm Đan Mạch, Hy Lạp, Hà Lan, Oman, Qatar và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất ký văn kiện gia nhập Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á (TAC).

Với vị thế dẫn dắt, ASEAN đã kết nối hiệu quả và tạo ra các cơ chế khu vực với các đối tác, bao gồm nhiều nước lớn, như Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Australia, Nga, Canada, Liên minh châu Âu (EU), Anh… Qua đó tranh thủ nguồn lực, sự đóng góp vào hòa bình, hợp tác, phát triển ở khu vực, đồng thời cộng hưởng sức mạnh và phát huy vai trò của ASEAN trong các cơ chế hợp tác đa phương trên toàn thế giới. Đơn cử như việc ASEAN huy động nguồn lực để kiểm soát dịch bệnh và phục hồi kinh tế; hay việc tiếp tục tổ chức các hoạt động cấp cao, như tháng 5 vừa qua, dù vừa ra khỏi đại dịch và tình hình thế giới còn phức tạp, ASEAN - Hoa Kỳ vẫn tổ chức được Hội nghị cấp cao đặc biệt tại Washington, cam kết nâng Quan hệ ASEAN - Hoa Kỳ lên tầm Đối tác chiến lược toàn diện vào trước cuối năm nay.

Mái nhà chung ASEAN: Vững vàng trước sóng gió thời cuộc - 2

Tổng thống Mỹ Joe Biden cùng các lãnh đạo ASEAN tại Nhà Trắng hôm 12/5. (Ảnh: FB của Tổng thống Joe Biden)

Trên đây là mặt mạnh, thuận lợi và triển vọng to lớn của ASEAN. Nhưng, hiện tại và sắp tới, ASEAN phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức, phức tạp. Đó là các thách thức về liên kết, phát triển cao hơn, bao gồm chuyển đổi số, xanh và sạch. Hay các vấn đề về môi trường an ninh, như vấn đề Myanmar, vấn đề Biển Đông, dịch bệnh, an ninh nguồn nước, biến đổi khí hậu…

Cùng với đó, sự cạnh tranh giữa các nước lớn cũng "tăng nhiệt" đòi hỏi ASEAN phải xử lý vững vàng và khôn khéo, tránh để khu vực bị nóng lên, cuốn vào vòng xoáy cạnh tranh, trong khi vẫn chủ động khai thác được các cơ hội trong các chuyển động phức tạp này. 

Đây là điều mà nhiều người hay gọi là trong "nguy" có "cơ". Ví như, ASEAN có thể đưa ra lựa chọn phù hợp trong sự chuyển dịch của các chuỗi cung ứng, hay từ sáng kiến của các nước lớn với khu vực, cả về kinh tế và an ninh. Rồi, các nước lớn cạnh tranh, khác biệt nhau, nhưng họ lại đều coi trọng và ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN, ủng hộ các nguyên tắc và quyết định của Hiệp hội. Các nước đều ủng hộ các kế hoạch của ASEAN về xây dựng cộng đồng, về phòng chống dịch bệnh và hướng tới phục hồi kinh tế. Ngay cả về các "điểm nóng" phức tạp ở khu vực và trên thế giới, các nước cũng chia sẻ với các tuyên bố của Hiệp hội. Ví dụ như về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, các nước lớn khác nhau, thậm chí là chỉ trích nhau, nhưng lại đều thấy và chia sẻ các nguyên tắc và nội hàm của ASEAN trong Tài liệu Tầm nhìn của Hiệp hội về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

 ASEAN không chọn bên, đúng. Nhưng không chỉ đơn giản như vậy, mà ASEAN còn cần phải chủ động "chơi" tốt được với các nước, bao gồm các nước lớn và các đối tác khác, đồng thời, cần có tiếng nói về các diễn biến ở khu vực, thúc đẩy đối thoại, hợp tác, xây dựng lòng tin, trên cơ sở luật pháp quốc tế, các nguyên tắc của ASEAN và lợi ích chung của khu vực. Đó chính là vai trò trung tâm và giá trị chiến lược của ASEAN. 

Qua 27 năm tham gia ASEAN, Việt Nam đã trở thành một thành viên rất tích cực và có trách nhiệm, góp phần quan trọng thúc đẩy hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực. Chúng ta cũng đã đóng góp tích cực vào sự đoàn kết của ASEAN, nhất là khi nảy sinh "điểm nóng" hay trước những vấn đề cạnh tranh nước lớn. Trong những năm giữ vai trò Chủ tịch ASEAN (1998, 2010 và 2020), Việt Nam đã hoàn thành xuất sắc trọng trách được phân công, dẫn dắt ASEAN vượt qua nhiều khó khăn, thách thức và qua đó khẳng định bản lĩnh, năng lực và trách nhiệm quốc tế của mình.

Thế giới đang trong giai đoạn có nhiều biến động phức tạp, ở nhiều khu vực nổi lên chủ nghĩa cường quyền, chủ nghĩa bảo hộ… Nhìn trong bối cảnh đó, ASEAN vẫn là điểm sáng về sự ổn định và thúc đẩy liên kết. Nhiều thỏa thuận hợp tác nội khối cũng như giữa ASEAN với các đối tác về ứng phó với biến đổi khí hậu, về phát triển kinh tế, tự do hóa thương mại… đã được ký kết và đang triển khai tích cực, mang lại kết quả thực chất.

Càng trong bối cảnh có cạnh tranh nước lớn phức tạp, ASEAN lại càng cần đoàn kết, kiên định nguyên tắc và phát huy vai trò chiến lược này. Cùng với đó, ASEAN với tư cách tập thể và từng quốc gia, càng cần phải xây dựng vững mạnh, mà quan trọng trước mắt là nỗ lực phục hồi kinh tế sau đại dịch. Mỗi thành viên mạnh hơn, liên kết và hợp tác khu vực được gia tăng thì sẽ tạo nên sức mạnh chung, cộng hưởng của cả ASEAN.

Kỷ niệm 55 năm thành lập, cũng là thời điểm ASEAN hướng tới mục tiêu xây dựng cộng đồng vào năm 2025. Nhưng ngay bây giờ đây các quốc gia trong khu vực đang cùng nhau xác định tầm nhìn xa hơn. Đó sẽ là gì? Chúng ta tin tưởng rằng Việt Nam sẽ cùng với các nước ASEAN vạch ra lộ trình đưa Hiệp hội tiến xa hơn.

Tác giả: Ông Phạm Quang Vinh nguyên là Đại sứ Việt Nam tại Mỹ, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao. Ông Vinh từng có 7 năm làm Trưởng Hội nghị Quan chức cao cấp ASEAN - Việt Nam.

Chuyên mục BLOG mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!