Tâm điểm
Trần Mai Hạnh

Ký ức ngày 30/4 và "Biên bản chiến tranh"

Ký ức ngày 30/4 và Biên bản chiến tranh - 1

Tổng Biên tập VNTTX Đào Tùng (giữa) tiễn hai nhà báo Trần Mai Hạnh (bên phải) và Văn Bảo tại cửa rừng Tây Ninh sáng sớm 29/4/1975 lên đường tiến về Sài Gòn (Ảnh tư liệu TTXVN)

Trung tuần tháng 3/1975, sau chiến thắng Buôn Ma Thuột ít ngày, tôi được cử tham gia Chiến dịch giải phóng Sài Gòn - Gia Định (sau được Bộ Chính trị lấy tên là Chiến dịch Hồ Chí Minh) trong đoàn cán bộ, phóng viên đặc biệt của Việt Nam Thông tấn xã (VNTTX) do Tổng Biên tập Đào Tùng dẫn đầu.

Đoàn bám theo các binh đoàn chủ lực tiến vào giải phóng các thành phố, thị xã suốt từ Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam - Quảng Ngãi - Bình Định - Qui Nhơn - Pleiku - Buôn Ma Thuột - Tây Ninh. Sáng sớm 29/4/1975, ông Đào Tùng tiễn tôi và phóng viên nhiếp ảnh Văn Bảo ra tận cửa rừng Tây Ninh để tiến về Sài Gòn. Phút chia tay, ông chụp với hai chúng tôi một bức ảnh kỷ niệm và ân cần dặn dò: "Trần Mai Hạnh và Văn Bảo bằng mọi giá phải đến Dinh Độc Lập nhanh nhất, phải chụp ảnh và viết được bài tường thuật đầu tiên về những giờ phút lịch sử của dân tộc".

Trên chiếc xe máy Honda 90 phân khối đầy bụi đường, tôi và Văn Bảo tới được Dinh Độc Lập thì sự kiện lịch sử vừa diễn ra, cờ chiến thắng vừa cắm trên nóc Dinh. 

Các phóng viên mũi nhọn của Việt Nam Thông tấn xã: Trần Mai Hưởng, Vũ Tạo, Ngọc Đản, Hoàng Thiểm, Đinh Quang Thành… đi theo sư đoàn 304 và lữ đoàn xe tăng 203 của Quân đoàn 2 đã có mặt trước chúng tôi ít phút, các anh kịp ghi lại nhiều hình ảnh về những phút giây lịch sử. Lúc đó mọi người ôm choàng lấy nhau. Chiến tranh đã chấm dứt, hòa bình đã lập lại. Khát vọng độc lập tự do, thống nhất đất nước cháy bỏng của dân tộc ta đã thành hiện thực.

Mười năm, kể từ ngày tốt nghiệp Khoa Ngữ văn Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội về làm phóng viên chiến sự cho VNTTX tại các mặt trận, chiến trường trong Nam, ngoài Bắc, vào sống ra chết, trải qua cảnh "ngày Bắc đêm Nam", khát vọng hòa bình, thống nhất đất nước càng cháy bỏng trong tôi. Trong cơn lốc bộn bề công việc, tôi đã sống, đã tác nghiệp trong niềm khát vọng lớn lao ấy. 

Đầu tiên, để viết được bài tường thuật, tôi hỏi ngay các dữ kiện không thể thiếu (mấy giờ chiếc xe tăng đầu tiên húc tung cánh cửa chính Dinh Độc Lập? Mấy giờ cờ chiến thắng được cắm trên nóc Dinh? Chiến sĩ cắm cờ tên là gì? Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng ra sao, ta tuyên bố chiến thắng như thế nào?) rồi lao lên ngay tầng 2. Gần như đầy đủ nội các của chính quyền Sài Gòn vừa tuyên bố đầu hàng còn ngồi ở đó. 

Ghi nhận xong ở Dinh Độc Lập, tôi và Văn Bảo mời một thanh niên đang có mặt ở cửa Dinh lên xe máy (kẹp ba người) nhờ chỉ đường phóng ra ngay cảng Sài Gòn. Chúng tôi có mặt ở bến cảng cùng lúc với những đoàn xe quân sự chở bộ đội đang tiến vào giải phóng và tiếp quản. Cảng Sài Gòn, nơi vào năm 1911 Chủ tịch Hồ Chí Minh lưu luyến giã từ Tổ quốc ra đi tìm đường cứu nước, ngày hôm nay đã rợp bóng cờ sao. 

Từ cảng Sài Gòn tôi về thẳng trụ sở Việt tấn xã (trụ sở Hãng Thông tấn của chính quyền Sài Gòn - địa điểm tiếp quản của Thông tấn xã Giải phóng (TTXGP) tại số 118 - 120 đường Hồng Thập Tự (sau giải phóng lần lượt đổi tên là Xô Viết Nghệ Tĩnh và Nguyễn Thị Minh Khai) để viết bài tường thuật. Vừa đặt bút viết bài thì khung cảnh bến cảng Sài Gòn huy hoàng với ảnh chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh và cờ đỏ sao vàng bay trong nắng đẹp chan hòa bừng hiện ngay trước mắt khiến tâm trí tôi chợt hiện lên dòng chữ: "Thành phố Hồ Chí Minh rực rỡ sao vàng". Và tôi đã dùng những dòng chữ đầu tiên ấy làm đầu đề bài viết. Khoảng 2 giờ chiều tôi đã viết xong.

Bài tường thuật dài khoảng gần 2.000 từ, được điện lên căn cứ TTXGP trên rừng Tây Ninh, từ đó, điện báo viên dùng điện đài công suất lớn hơn điện chuyển tiếp về Tổng xã ở Hà Nội.

Ký ức ngày 30/4 và Biên bản chiến tranh - 2

Phóng viên Trần Mai Hạnh đang viết tường thuật tại Dinh Độc Lập. Lễ ra mắt Ủy ban Quân quản Thành phố Sài Gòn - Gia Định sáng 7/5/1975. (Ảnh Trần Mai Hưởng-TTXVN)

Từ mờ sáng 1/5/1975, thành phố được đánh thức bởi những bài ca cách mạng từ các loa phóng thanh được đội quân chiến thắng mang về lắp đặt từ chiều tối hôm trước. Nắng sớm rực rỡ khắp các phố phường. 

Trưa cùng ngày, tôi và Văn Bảo với chiếc đài bán dẫn mang theo, đang trên ô tô giữa đường phố Sài Gòn nườm nượp dòng người của ngày hội lớn thì nghe được buổi thời sự đặc biệt của Đài tiếng nói Việt Nam. Sau khi đọc bản tin đặc biệt của TTXGP: "Từ sáng 1/5/1975, toàn bộ miền Nam nước ta đã hoàn toàn giải phóng", Đài đã giới thiệu trang trọng: "Tiếp theo, mời các bạn đón nghe bài tường thuật "Thành phố Hồ Chí Minh rực rỡ sao vàng" của Trần Mai Hạnh, phóng viên VNTTX vừa điện về từ Sài Gòn". Âm thanh ra-đi-ô được mở hết cỡ. Bài tường thuật vang lên giữa biển người và cờ hoa chào đón của Sài Gòn giữa trưa nắng đẹp chan hòa của ngày Quốc tế lao động 1/5 đầu tiên đất nước thống nhất. Tôi đã rưng rưng nước mắt. Đời phóng viên có hạnh phúc nào, có niềm xúc động nào lớn lao hơn thế.

Ngay trong khung cảnh chiến thắng huy hoàng ấy, một ý nghĩ chợt lóe lên trong tôi, những sự kiện lịch sử vừa diễn ra ở Dinh Độc Lập trưa 30/4/1975 sẽ ngày một lùi xa sau lớp bụi thời gian. Những sự kiện lịch sử chỉ diễn ra một lần, cũng như đời mỗi con người chỉ sống có một lần. Tại sao mình có cơ may tham gia chiến dịch giải phóng Sài Gòn - Gia Định, được chứng kiến những sự kiện lịch sử suốt dọc đường chiến dịch, may mắn được chứng kiến và viết bài tường thuật về những giờ phút lịch sử trưa 30/4/1975 tại Dinh Độc Lập mà lại không phục dựng lại sự thật lịch sử đã diễn ra trong những ngày tháng sụp đổ cuối cùng của phía bên kia (phía Việt Nam Cộng hòa và phía Hoa Kỳ)? 

Không ngờ phút lóe sáng định mệnh ấy lại gắn chặt với cuộc đời tôi suốt gần nửa thế kỷ sau đó. Khi tôi thưa với Tổng Biên tập Đào Tùng về ý định xây dựng cuốn sách mới nảy sinh, ông hết sức hoan nghênh và khuyên tôi cần tiến hành ngay việc tìm kiếm, sưu tập các tài liệu nguyên bản từ phía bên kia, cả nguồn tài liệu trong nước và trên thế giới.

Ông nói: "Chúng ta may mắn được chứng kiến những giờ phút lịch sử, chúng ta phải có trách nhiệm với lịch sử. Điều cốt lõi của lịch sử chính là sự thật. Muốn phục dựng trung thực sự thật đã diễn ra trong những ngày tháng sụp đổ cuối cùng của Việt Nam Cộng hòa thì phải phục dựng bằng chính các tài liệu nguyên bản, các văn bản gốc và nhân chứng của các sự kiện lịch sử thuộc phía bên kia (phía Việt Nam Cộng hòa và phía Hoa Kỳ), chứ không phải phục dựng bằng trí tưởng tượng và hư cấu của tác giả". 

Ông đã phác họa cho tôi chặng đường gian khó tôi sẽ phải dấn thân. Ông hào hứng nói, đại ý: "Phục dựng" có nghĩa là dựng lại như thật, nó khác với "tái hiện" và cũng khác với "phục chế" (như phục chế một bức tranh nổi tiếng bị hư hỏng bởi thời gian). Đây là bức tranh về sự sụp đổ của cả một chế độ (chính quyền Sài Gòn) và cả một thế chế (Việt Nam Cộng hòa) trong những ngày cuối cùng của chiến tranh. 

Tầm vóc, quy mô của sự sụp đổ - Không gian, khung cảnh của sự sụp đổ - Hệ lụy của sự sụp đổ - Số phận những con người thuộc phía bên kia trong giờ phút sụp đổ cuối cùng là những câu hỏi phải có lời giải trong bức tranh lịch sử mà Trần Mai Hạnh phục dựng. Làm sao thu thập đầy đủ nhất (có thể) những tài liệu nguyên bản tuyệt mật về chiến tranh của phía bên kia (cả phía chính quyền Sài Gòn và phía Hoa Kỳ, cả ở trong nước và nước ngoài)? Câu hỏi đó, vào giờ phút này là không thể trả lời. Đó là một việc dường như không thể. Nhưng nếu không dám dấn thân biến cái không thể thành cái có thể, thì rốt cuộc ý định tốt đẹp đến mấy cũng chỉ là  ý định mà thôi... Đời chỉ mở cửa cho thằng liều là vì vậy! Tất nhiên là sự liều lĩnh có trí tuệ và suy nghĩ.

"Đời chỉ mở cửa cho thằng liều" - Tôi ấn tượng tới mức bị sốc vì câu nói ấy của ông. 32 tuổi, trong men say chiến thắng và niềm hạnh phúc vỡ òa vì khát vọng thống nhất cháy bỏng của cả dân tộc đã thành hiện thực, tôi đã liều lĩnh không hề biết sợ dấn thân vào cuộc phục dựng sự sụp đổ của phía bên kia. Công việc đó bắt đầu với tôi ngay từ những ngày đầu Sài Gòn giải phóng với cương vị là phóng viên VNTTX, có Giấy công tác đặc biệt do Ủy ban Quân quản Thành phố Sài Gòn - Gia Định cấp ngày 1/5/1975.

Nhờ sự chỉ dẫn của Tổng Biên tập Đào Tùng, sự giúp đỡ của các đồng chí có trách nhiệm và các cơ quan có thẩm quyền trong và ngoài quân đội, tôi đã có cơ hội tiếp xúc, khai thác các tài liệu tuyệt mật về chiến tranh của phía bên kia. Đó là các tài liệu ta thu được tại phòng làm việc và nơi ở của Nguyễn Văn Thiệu, Tổng thống Việt Nam Cộng hòa tại Dinh Độc Lập và tại phòng làm việc của Cao Văn Viên, Đại tướng, Tổng tham mưu trưởng Quân lực Việt Nam Cộng hòa tại Trụ sở Bộ Tổng tham mưu quân đội Sài Gòn vào buổi trưa và chiều tối ngày 30/4/1975.

Đó còn là lời khai, các bản tường trình của tướng lĩnh, sĩ quan quân đội Sài Gòn bị bắt tại trận hoặc sau giải phóng ra trình diện, đi học tập tại các trại cải tạo. Đó là hồi ký, trả lời phỏng vấn của tướng lĩnh và những người cầm đầu chính quyền Sài Gòn chạy ra nước ngoài sống lưu vong. Đó còn là kho tư liệu tham khảo MẬT đồ sộ do VNTTX lưu giữ về nội tình chính quyền Sài Gòn và các can dự của Hoa Kỳ trong cuộc chiến tranh Việt Nam. 

Khối lượng công việc lớn, phức tạp, không thể tiến hành thường xuyên đã đeo bám tôi suốt gần bốn thập kỷ trong công việc của một nhà báo gắn với nhiều chặng đường của đất nước. Vào năm 2014, sau 39 năm kể từ những giờ phút diễn ra các sự kiện lịch sử trưa 30/4/1975 ở Dinh Độc Lập, trên cơ sở khối lượng tư liệu đồ sộ kỳ công thu thập được, tôi bắt tay viết cuốn "Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75" mà mình ôm ấp. 

Từ khi bắt đầu thu thập tài liệu để xây dựng cuốn tiểu thuyết này, tôi đã hiểu rằng, dù dữ dội và đau đớn đến đâu, cuộc chiến tranh nào rồi cũng qua đi. Những năm tháng khổ đau, máu và nước mắt của bất cứ bên tham chiến nào cũng không bao giờ bị lãng quên và tất yếu trở thành một phần của lịch sử. Nhưng lịch sử không yên nghỉ, mà nó luôn thức với ánh sáng chiếu rọi mách bảo chúng ta cần phải làm gì trong cuộc đấu tranh bảo vệ những phẩm giá tốt đẹp của hiện tại và tương lai trong một thế giới đang lên cơn sốt, trĩu nặng âu lo vì những tham vọng chiến tranh và xung đột.

Suốt dọc đường chiến dịch từ Huế, Đà Nẵng, Qui Nhơn tới Sài Gòn tôi đã chứng kiến bao câu chuyện đau thương của con người. Những xác chết chưa phân hủy hết trên dọc đường chiến dịch. Có bà mẹ bị kích động, ôm xác con chạy bộ di tản theo Quân đoàn 2 Sài Gòn từ Pleiku xuống Tuy Hòa. Suốt ba ngày cứ ôm xác con vì không tìm được chỗ chôn con. Cũng là đồng bào mình cả chứ ai. Có nên viết về những điều đó bằng sự lạnh lùng của người thắng trận không, hay viết nó với thái độ nhân văn trước thân phận con người trong chiến tranh.

Và tôi đã chọn cách thứ hai khi viết cuốn sách này với sự điềm tĩnh, khách quan, không thiên kiến, tôn trọng sự thật lịch sử, nhân văn trước số phận những người thuộc phía bên kia, đảm bảo sự trung thực của ngòi bút trước các sự kiện, sự việc và tình tiết đã diễn ra. 

Ký ức ngày 30/4 và Biên bản chiến tranh - 3

Cuốn "Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75" do Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật xuất bản lần đầu tháng 4/2014 và các Phiên bản tiếng Anh, tiếng Lào, tiếng Tây Ban Nha (Ảnh tác giả cung cấp)

Tháng 4/2014, cuốn tiểu thuyết tư liệu lịch sử phục dựng lại sự sụp đổ cuối cùng của chính quyền Sài Gòn mang tên "Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75" của tôi do Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật xuất bản ra mắt độc giả. Cuốn sách đã giành được Giải thưởng Văn học năm 2014 của Hội Nhà văn Việt Nam, Giải thưởng Văn học ASEAN năm 2015; được tái bản tới lần thứ năm (2022) với số lượng lớn. 

30/4/1975 - Ngày ấy, hôm nay cách nhau đã gần nửa thế kỷ. Thế nhưng, niềm hạnh phúc lớn lao và cảm xúc mãnh liệt về giờ phút toàn thắng, về chiến tranh chấm dứt, hòa bình lập lại và khát vọng thống nhất cháy bỏng của toàn dân tộc đã thành hiện thực, vẫn nguyên vẹn trong tôi. Ngồi viết lại những dòng này, tôi bỗng xúc động bồi hồi. Đã 47 năm trôi qua. Bao biến cố đã đến với mỗi cuộc đời trong quãng thời gian không ngắn ấy.

Tổng Biên tập Đào Tùng, thủ trưởng kính mến, người thầy đã phác thảo và làm bùng cháy trong tôi khát vọng dấn thân trên con đường gian khó tới công trình mà mình ôm ấp, đã không còn nữa. 24 năm sau ngày ông lâm trọng bệnh ra đi mãi mãi, "Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75" mới chào đời. Tôi mang cuốn sách đầu tiên nhận được của Nhà xuất bản đến thắp hương trên bàn thờ ông…

Đời mỗi con người chỉ sống có một lần cũng như những sự kiện lịch sử chỉ diễn ra một lần. Suy nghĩ ấy đến trong phút lóe sáng ý định phục dựng sự thật lịch sử về những ngày tháng sụp đổ của chính quyền Sài Gòn dần hoàn thiện trong tôi, và được đúc rút trong lời in ở bìa cuối cuốn "Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75": 

 "Những sự kiện lịch sử chỉ diễn ra một lần, cũng như đời mỗi con người chỉ sống có một lần. Nhưng để hiểu hết chân giá trị của lịch sử, để hiểu đúng một con người lại cần có thời gian, nhiều khi không thể chỉ đánh giá một lần. Lịch sử và cuộc sống luôn là một dòng chảy liên tục, bất tận. Trong cuộc sống hiện tại ngày hôm nay có nền tảng và những giá trị tinh thần vô giá của quá khứ, đồng thời nó cũng chứa đựng mầm mống và sức sống mãnh liệt của tương lai".

Tác giả: Nhà báo Trần Mai Hạnh là phóng viên Thông tấn xã Việt Nam, có mặt tại nhiều điểm nóng và sự kiện lớn của đất nước giai đoạn 1965-1975. Ông từng giữ chức Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký Hội Nhà báo Việt Nam; Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam; tác giả của nhiều đầu sách như: Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75; Lời tựa một tình yêu; Thời tôi sống, Viết và Đối thoại… Trong đó, cuốn "Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75" được xuất bản bằng tiếng Anh (năm 2017), bằng tiếng Lào (năm 2018) và bằng tiếng Tây Ban Nha (năm 2021).