Truyền thuyết về 47 lãng nhân: Lòng trung thành hơn cả mạng sống

Thảo Quyên

(Dân trí) - Câu chuyện về 47 lãng nhân (47 ronin) xả thân lấy lại danh dự cho chủ nhân đã trở thành biểu tượng bất diệt về lòng trung thành và niềm tự hào về tinh thần võ sĩ đạo của dân tộc Nhật Bản.

Vào một buổi sáng tháng 3 năm 1701, lãnh chúa Asano Takumi no Kami của vùng Ako (nay là tỉnh Okayama) đã rút thanh kiếm katana và chém cấp trên của mình, lãnh chúa Kira Hozuke no Suke ngay trong thành Edo, do Kira đã lăng mạ các thuộc hạ của Asano, và đây được cho là lý do khiến Asano mất bình tĩnh.

Việc rút vũ khí là hành động tuyệt đối cấm kỵ trong thành Edo. Chính vì thế, ngay trong ngày hôm đó, đại tướng quân Tokugawa Tsunayoshi đã ra lệnh cho Asano thực hiện nghi lễ seppuku (một nghi lễ tự sát để các samurai được chết trong danh dự) trong vườn của một lãnh chúa khác, một nơi thấp kém hơn nhiều so với địa vị của Asano.

Truyền thuyết về 47 lãng nhân: Lòng trung thành hơn cả mạng sống - 1

Bức tranh vẽ lại cảnh Asano tấn công Kira (Ảnh: Historytoday).

Sau khi thực hiện nghi lễ seppuku, thi thể của Asano được chôn tại Sengakuji. Toàn bộ tài sản của ông bị tịch thu. Còn Kira thì sống sót và không phải chịu bất kỳ một hình phạt nào.

Chính điều này đã gây nên sự phẫn nộ vô cùng lớn đối với các thuộc hạ của Asano, hiện đã trở thành các ronin (lãng nhân), tức các samurai vô chủ phiêu bạt giang hồ. Họ đã cầu xin tướng quân để lấy lại danh dự và tài sản cho chủ nhân nhưng điều vô ích, vì vậy họ tập hợp dưới sự chỉ đạo của thuộc hạ chính, Oishi Kura no Suke và quyết định tự mình giải quyết và trả thù cho cái chết uất ức của chủ nhân.

Truyền thuyết về 47 lãng nhân: Lòng trung thành hơn cả mạng sống - 2

Bức tranh thể hiện cảnh các ronin đột nhập vào phủ của Kira (Nguồn: Wikipedia).

Hơn một năm sau, vào đêm 14/12/1702, 47 lãng nhân đột nhập vào phủ của Kira, giết hết toàn bộ lính canh, mang thủ cấp về đặt trước mộ của Asano, hoàn thành cuộc trả thù và đầu thú trước triều đình.

Tuy rằng luật pháp thời đó cấm những hành động trả thù dã man nhưng nhiều người bao gồm cả các quan triều đình cũng cảm thấy rằng Asano đã phải chịu một cái chết bất công. Hơn nữa lòng trung thành của các lãng nhân đối với chủ nhân của mình đã được coi là hình ảnh tiêu biểu cho các giá trị truyền thống của bushido (tinh thần chiến binh), mà nhiều người cho rằng đã bị mai một dần trong một xã hội suy đồi.

Cuối cùng, các lãng nhân được đại tướng quân ban cho quyền được thực hiện nghi lễ seppuku thay cho việc bị hành quyết. Thi thể của họ được chôn cạnh chủ nhân Asano. 47 lãng nhân và chủ nhân của họ đã được lập đền thờ mang tên Sengakuji, hiện thu hút được rất nhiều khách thập phương.

Vào ngày 14/12 hằng năm, tại đây sẽ diễn ra lễ hội lớn để tưởng niệm cái chết của các samurai trung thành. Câu chuyện về 47 lãng nhân cũng được lưu truyền khắp nơi, trở thành niềm tự hào của Nhật Bản và đã nhiều lần được chuyển thể thành phim.