1. Dòng sự kiện:
  2. Chuyển động bất động sản 2024

"Nóng" chuyện quy hoạch, vạch nguồn cơn gây sốt ảo, thao túng đất đai

Nguyễn Mạnh

(Dân trí) - Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Hoàn cho rằng cần xử lý trách nhiệm đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân không thực hiện công bố, công khai thông tin quy hoạch hoặc làm song chưa nghiêm túc.

Chỉ là một cú kích chuột nhưng lại khó khăn  

Bước sang tuần làm việc thứ hai, Quốc hội dành cả ngày 30/5 để thảo luận về việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành. Hơn 40 đại biểu Quốc hội đăng ký phát biểu góp ý xung quanh vấn đề này.

Phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Lê Thanh Hoàn (đoàn Thanh Hóa) cho biết báo cáo của Chính phủ đã nêu ra một số tồn tại, hạn chế trong công tác lập, thẩm định, phê duyệt, thực hiện, điều chỉnh quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn.

Nóng chuyện quy hoạch, vạch nguồn cơn gây sốt ảo, thao túng đất đai - 1

Đại biểu Lê Thanh Hoàn (Đoàn Thanh Hóa) đề nghị Quốc hội bổ sung quy định về biện pháp, chế tài xử lý cụ thể với những trường hợp chậm hoặc không công khai thông tin quy hoạch (Ảnh: Quốc Chính).

Tuy nhiên, theo đại biểu, một trong những nội dung quan trọng chưa được báo cáo rõ với Quốc hội, đó là công tác công bố, công khai thông tin quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn.

"Một vấn đề tưởng chừng như đơn giản chỉ là một cú kích chuột, nhưng việc thực hiện thì rất có vẻ khó khăn trên thực tế", đại biểu băn khoăn.

Qua đó, đại biểu cho biết tán thành với nhận định của Đoàn giám sát, đó là việc công bố, công khai thông tin quy hoạch ở một số địa phương còn chậm, chưa thường xuyên, liên tục, chưa tăng cường áp dụng công nghệ thông tin để công khai và cung cấp thông tin quy hoạch có hiệu quả.

Đại biểu cũng cho biết, việc công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được quy định rõ tại Luật Đất đai, Luật Quy hoạch. Tuy nhiên, thực tế cho thấy công tác công bố, công khai thông tin quy hoạch nói chung thực sự còn rất hình thức, đặc biệt là quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch xây dựng.

"Việc thực hiện công khai thông tin chỉ riêng đối với quy hoạch xây dựng chưa đạt yêu cầu. Gần đây Bộ Xây dựng có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đề nghị thực hiện đăng tải thông tin hồ sơ đồ án quy hoạch xây dựng quy hoạch đô thị Việt Nam trên cổng thông tin điện tử. Đây không phải lần đầu tiên Bộ Xây dựng gửi cho các địa phương.

Theo đó, toàn quốc hiện có 53 tỉnh, thành phố đã thực hiện việc đăng tải với tổng số là 1.087 đồ án thực hiện quy hoạch. Theo thống kê cho thấy có 10 địa phương chưa thực hiện việc đăng tải quy hoạch, trong đó có 12 địa phương chỉ có 1 đồ án duy nhất được đăng tải", đại biểu Hoàn băn khoăn.

Ông Hoàn nhận xét, việc công bố công khai thông tin quy hoạch theo yêu cầu của Luật Quy hoạch có lúc, có nơi chưa được thực hiện nghiêm túc, chưa kể đến việc nội dung công bố thông tin quy hoạch còn rất hình thức, nhiều nội dung công bố chỉ có quyết định mà không có bản vẽ bản đồ cụ thể hoặc nếu có thì bản vẽ dung lượng bản ảnh rất thấp không thể xem rõ được nội dung.

"Rõ ràng, việc thực hiện công bố công khai thông tin quy hoạch, bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của người dân chưa thực sự được coi trọng. Theo phản ánh của cử tri, những gì dân muốn biết, dân cần thực sự rất khó để có thể tiếp cận", ông Hoàn nói.

Theo đại biểu, đây cũng chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng nhiễu loạn thông tin, sốt ảo đất đai, đầu cơ, thao túng thị trường đất đai, gây bất ổn thị trường, khiếu kiện về đất đai dẫn đến mất an ninh trật tự tại một số địa phương.

Ông Hoàn cũng chỉ ra bất cập khác, đó là việc xử lý trách nhiệm đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân không thực hiện việc công bố công khai thông hoặc làm nhưng chưa được nghiêm túc.

"Chưa thấy có báo cáo số liệu về xử lý kỷ luật hay xử lý trách nhiệm trong trường hợp không công bố thông tin quy hoạch", ông Hoàn băn khoăn.

Do đó, vị đại biểu Quốc hội đề nghị Quốc hội trong dự thảo nghị quyết giám sát Quốc hội cần bổ sung quy định về biện pháp chế tài xử lý cụ thể với những trường hợp chậm, hoặc không công khai thông tin quy hoạch, bảo đảm những quy định của pháp luật về quy hoạch được thực thi nghiêm túc trên thực tế.

Bất cập về quy hoạch, đại biểu "tha thiết" đề nghị

Nêu ý kiến tại phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Tạo (Đoàn Lâm Đồng) cho rằng Luật Quy hoạch vẫn còn chậm đi vào cuộc sống, còn nhiều khó khăn, bất cập và vướng mắc.

Do vậy, đối với việc triển khai rà soát các quy hoạch hết hiệu lực theo quy định tại khoản 1 Điều 59 của Luật Quy hoạch, đại biểu đã "tha thiết" đề nghị Chính phủ cần kịp thời ban hành văn bản tháo gỡ khó khăn liên quan đến công tác quy hoạch quản lý ngành, lĩnh vực sau khi bãi bỏ các quy hoạch hàng hóa, dịch vụ sản phẩm.

Đồng thời hướng dẫn việc lấy ý kiến đối với phương án phân bổ và khoanh vùng đất đai theo khu vực chức năng, theo loại đất đến từng đơn vị hành chính cấp huyện trong quy hoạch tỉnh; sớm phê duyệt các quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch các vùng để làm cơ sở định hướng xây dựng các phương án phát triển ngành trên địa bàn tỉnh.

"Phải nói việc này cần phải đẩy nhanh hơn nữa, tiến độ dứt điểm trong năm 2022", đại biểu Tạo kiến nghị.

Còn về quy hoạch tỉnh đối với các quy hoạch nội dung thuộc thẩm quyền phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ đã tích hợp trong các quy hoạch như quy hoạch về sử dụng đất giai đoạn 2021-2030, đại biểu đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành trung ương nghiên cứu, phân cấp một số nội dung cho chính quyền địa phương như điều chỉnh cục bộ nội dung trong quy hoạch tỉnh nhằm tạo thuận lợi cho các địa phương trong quá trình triển khai thực hiện.

Góp ý với việc tài trợ về quy hoạch, đại biểu Tạo cho biết hiện nay đã và đang được triển khai đồng bộ, khắp nơi trong cả nước. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là cơ chế, chính sách pháp luật, đề nghị Chính phủ phải ban hành những quy định cụ thể, chặt chẽ việc tiếp nhận tài trợ các sản phẩm quy hoạch và việc quản lý, sử dụng các quy hoạch được tài trợ nhằm đẩy mạnh thực hiện chủ trương xã hội hóa, huy động tối đa các nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội.