Người Nhật rèn tính kỷ luật ở trẻ như thế nào?

Hoàng Anh

(Dân trí) - Cách những bậc phụ huynh Nhật Bản rèn tính kỷ luật cho con trẻ, khiến các em học được cách cư xử đúng mực nơi công cộng khiến nhiều bậc cha mẹ trên thế giới phải suy ngẫm và học hỏi.

Kate Lewis là người nước ngoài sinh sống và làm việc tại Nhật Bản. Với tư cách là người mẹ có con nhỏ muốn tìm những phương pháp đúng đắn và hiệu quả để giáo dục con cái, bà đã để ý quan sát cách người Nhật giáo dục con trong cuộc sống thường ngày và đúc rút ra những kinh nghiệm thú vị về phương pháp rèn luyện tính kỷ luật cho con trẻ của họ.

Trong một lần đi tàu hỏa tại Nhật Bản, Lewis để ý thấy những em bé Nhật Bản tuổi còn nhỏ hơn con trai hai tuổi của bà ngồi rất ngay ngắn, tĩnh lặng trên ghế. Trong khi đó, cậu con trai của bà nhún nhảy thường xuyên trên ghế ngồi.

Lewis nhận ra sự khác biệt giữa các em nhỏ người Nhật và con trai mình là do nền văn hóa nơi các em sinh trưởng và được giáo dục. Trong khi bà Lewis liên tục nhắc nhở con trai mình giữ trật tự trên xe thì các bà mẹ người Nhật giữ thái độ ôn hòa, tĩnh lặng nhưng vẫn khiến con cái họ thể hiện thái độ đúng mực, giữ trật tự trên phương tiện công cộng.

Người Nhật rèn tính kỷ luật ở trẻ như thế nào? - 1
Trẻ em Nhật Bản thường cư xử đúng mực nơi công cộng. Ảnh: Savvytokyo

Khi Lewis nói chuyện về những khó khăn bà gặp phải trong việc đưa cậu con trai hai tuổi của mình vào khuôn khổ, giáo viên tiếng Nhật của bà cho biết, người Nhật cũng đối mặt với những khó khăn tương tự khi giáo dục trẻ trong độ tuổi 2-3 tuổi và có thuật ngữ "Ma no nisai" dành riêng cho độ tuổi này và gọi là "độ tuổi ác mộng".

Bí quyết để người Nhật giáo dục trẻ nhỏ trong giai đoạn này là kỷ luật, dạy bảo trẻ trong không gian riêng tư để giữ lòng tự trọng cho trẻ, không làm các em cảm thấy xấu hổ khi bị quở trách nơi công cộng. Ngoài ra, người Nhật giáo dục trẻ theo phương pháp người lớn làm mẫu cho trẻ những hành vi và cách cư xử đúng mực, từ đó trẻ quan sát, học hỏi và noi theo để tự hình thành hệ tư tưởng, việc làm đúng đắn.

Lewis được chứng thực phương pháp giáo dục trẻ em của người Nhật khi quan sát cách một gia đình người Nhật dạy bảo con em nơi công cộng. Bà tình cờ thấy một gia đình người Nhật trên tàu hỏa và đứa trẻ khóc lóc vì không muốn đi tàu về nhà. Người cha lập tức đưa cả gia đình rời khỏi toa tàu xuống sân ga. Lewis nhìn theo và thấy người cha đứng tại ga tàu vắng vẻ và dạy bảo con của mình.

Từ đó, Lewis hiểu ra sự khác biệt trong cách dạy con của mình và người Nhật. Trong khi bà luôn nhắc nhở con ngay khi đứa trẻ làm sai, người Nhật lại tìm không gian riêng tư để bảo ban trẻ. Lewis có thể thấy hình ảnh này phổ biến tại Nhật Bản, khi các bậc phụ huynh tìm góc khuất sau những cột trụ để nhắc nhở con cái tại các ga tàu, tại góc công viên, góc bãi đỗ xe. Người Nhật luôn tìm cách giáo dục con nghiêm khắc nhưng đồng thời cũng không làm ảnh hưởng tới lòng tự tôn của đứa trẻ. Họ chỉ trách mắng hành vi sai trái của đứa trẻ chứ không nhằm vào chỉ trích cá nhân.

Trong tiếng Nhật, từ "shitsuke" nghĩa là kỷ luật, đồng thời cũng có nghĩa là dạy bảo, nuôi nấng. Người Nhật hình thành kỷ luật ở trẻ qua phương pháp làm gương. Cha mẹ, người lớn làm gương cho con cái noi theo những việc làm đúng đắn của mình.

Lewis quan sát thấy điều này từ cách con trai bà được giáo dục tại trường mầm non Nhật Bản. Các học sinh tuân theo thời gian biểu được xếp sẵn, lặp lại các bài hát, các trò chơi và các thói quen đúng đắn như xếp gọn giày dép, ngồi yên tĩnh cho tới khi việc làm này trở thành thói quen nề nếp.