Ngày thu phân - Tết xum vầy của người Nhật Bản

Chi Chi

(Dân trí) - Ngày lễ thu phân vào tháng 9 tại Nhật Bản được quy định vào năm 1948 và là một trong những ngày lễ quốc dân của xứ sở phù tang.

Ngày lễ thu phân là gì?

Thu phân là ngày lễ thờ kính tổ tiên và tưởng nhớ đến người đã khuất, từng được gọi là Shuki Koreisai (Lễ cảm tạ thần linh tiết thu). Vào dịp thu phân, thời gian giữa ngày và đêm gần bằng nhau. Vì qua ngày này thời gian mặt trời lên cao sẽ ngắn đi, nên từ xưa đây được gọi là "ngày giữa thế giới cực lạc và thế giới hiện tại đến gần nhau hơn".

Ngày thu phân - Tết xum vầy của người Nhật Bản - 1

Ngày lễ thu phân diễn ra vào tháng 9 (Ảnh: Fun-japan.jp). 

Nếu giải nghĩa theo thiên văn học, lễ thu phân là thời điểm "mặt trời đi ngang qua điểm thu phân của kinh tuyến hoàng đạo 180 độ trên thiên cầu", có sự chênh lệch theo mỗi năm từ khoảng ngày 22 - 24/9.

Vì vậy cứ đến ngày 1/2 hàng năm, hội nghị nội các sẽ dựa theo bảng lịch "Rekisho-nenpyo (暦象年表)" do đài thiên văn quốc gia lập nên và quyết định ngày lễ thu phân thích hợp.

Phong tục viếng mộ vào ngày lễ thu phân

Tuần lễ có ngày lễ thu phân được gọi là "Aki higan (秋彼岸)". Mùa xuân cũng có ngày lễ xuân phân, nên tuần lễ có ngày lễ xuân phân thì được gọi là "Haru higan (春彼岸)".

Ngày thu phân - Tết xum vầy của người Nhật Bản - 2

Thu phân là ngày lễ thờ kính tổ tiên và tưởng nhớ đến người đã khuất (Ảnh: Fun-japan.jp). 

Từ ngữ "Higan (Bỉ ngạn)" trong Phật giáo mang ý nghĩa "thế giới giác ngộ được từ thế giới đầy phiền não", nói đơn giản hơn là "thế giới có các linh hồn của tổ tiên, những người đi trước sinh sống". Để cúng dưỡng linh hồn tổ tiên, cứ đến thời gian này thì mọi người thường hay đi viếng mộ.

Ở vùng nông thôn, cứ đến dịp xuân phân thì người dân có phong tục tín ngưỡng thiên nhiên, cầu nguyện cho đất đai được mùa, đến thu phân thì sẽ ăn mừng cho mùa vụ đã qua.

Ngày thu phân - Tết xum vầy của người Nhật Bản - 3

Ngày thu phân mang ý nghĩa cúng dưỡng tổ tiên (Ảnh: Fun-japan.jp). 

Từ trước lễ xuân phân, họ sẽ đón linh hồn tổ tiên, tượng trưng của thần núi về và sau lễ thu phân sẽ tổ chức nghi lễ tiễn đưa người đi. Song sau khi Phật giáo hội nhập, lễ thu phân còn được biết đến là "Aki higan" và bắt đầu mang ý nghĩa cúng dưỡng tổ tiên.

Thưởng thức bánh nếp Ohagi sau khi cúng

Ngoài việc viếng mộ, người Nhật còn có phong tục ăn bánh Ohagi vào ngày này. Bánh được làm từ đậu đỏ và được tin rằng có công dụng trừ ma, được sử dụng làm đồ cúng nhằm xua đuổi tà khí.

Ngày thu phân - Tết xum vầy của người Nhật Bản - 4

Ngoài việc viếng mộ, người Nhật còn có phong tục ăn bánh Ohagi vào ngày thu phân (Ảnh: Fun-japan.jp). 

Hoa bỉ ngạn rực sắc đỏ

Vào dịp thu phân, hoa bỉ ngạn rực sắc đỏ như những đốm lửa ma mị còn được biết đến là loài hoa tượng trưng cho mùa thu Nhật Bản. Cuốn hoa dài vươn lên và những cánh hoa xòe rộng như những tia pháo bông đặc sắc không lẫn vào đâu được.

Ngày thu phân - Tết xum vầy của người Nhật Bản - 5

Vào dịp thu phân, hoa bỉ ngạn rực sắc đỏ (Ảnh: Fun-japan.jp). 

Ngoài cái tên "Hoa mạn đà la", hoa còn được biết đến với nhiều biệt danh đáng sợ như "hoa địa ngục" "hoa linh hồn" "hoa tử nhân". Vào khoảng giữa tháng 9, tuyệt cảnh thảm đỏ trải dài khắp muôn nơi để lại ấn tượng khó quên cho người qua kẻ lại.