Hà Nội ban hành quy chế quản lý chung cư riêng

Việt Vũ

(Dân trí) - Từ ngày 10/12/2020, UBND Hà Nội nghiêm cấm việc cho thuê nhà sinh hoạt cộng đồng trong các tòa chung cư.

Mới đây, UBND Hà Nội đã ban hành quy định trong quản lý, sử dụng nhà chung cư. Quy định này sẽ được áp dụng với nhà chung cư có mục đích để ở, nhà chung cư có mục đích sử dụng hỗn hợp để ở và sử dụng vào các mục đích khác trên địa bàn thành phố Hà Nội. 

Trong đó, việc xác định phần sở hữu riêng và phần sở hữu chung trong nhà chung cư sẽ được căn cứ vào hồ sơ dự án được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt; hợp đồng mua bán căn hộ hoặc diện tích khác nhà chung cư.

 Căn cứ vào các quy định của pháp luật tại thời điểm thực hiện đầu tư xây dựng dự án. Các chủ sở hữu phải có trách nhiệm cung cấp tài liệu chứng minh quyền sở hữu riêng của mình.

Hà Nội ban hành quy chế quản lý chung cư riêng - 1

Từ ngày 10/12/2020, UBND Hà Nội nghiêm cấm việc cho thuê nhà sinh hoạt cộng đồng trong các tòa chung cư. Ảnh: H.T

Về diện tích sinh hoạt cộng đồng, đối với nhà chung cư thương mại, thực hiện theo quy định tại Khoản 10, Điều 80 của Nghị định số 99/2015/NĐ-CP, ngày 20/10/2015, của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở năm 2014.

Quy định này nếu rõ, với trường hợp chung cư không có thiết kế diện tích nhà sinh hoạt cộng đồng, nhưng diện tích nhà dành để kinh doanh, chủ đầu tư và các chủ sở hữu nhà chung cư có thể thỏa thuận để các chủ sở hữu mua hoặc thuê lại một phần diện tích nhà này để làm nhà sinh hoạt cộng đồng.

Nhà sinh hoạt cộng đồng do Hội nghị nhà chung cư quyết định, giao cho Ban quản trị nhà chung cư hoặc đơn vị quản lý vận hành nhà chung cư quản lý.

Nhà sinh hoạt cộng đồng phải được sử dụng đúng mục đích vào sinh hoạt của cả cộng đồng các chủ sở hữu, người sử dụng nhà chung cư.

Nghiêm cấm sử dụng nhà này vào mục đích riêng của các chủ sở hữu, người sử dụng nhà chung cư, cho thuê, cho mượn, sử dụng vào các mục đích khác không phải phục vụ cho sinh hoạt chung của các chủ sở hữu, người sử dụng nhà chung cư.

Đối với nhà chung cư phục vụ tái định cư, đơn vị được UBND TP giao quản lý phải tiến hành rà soát các nhà chung cư mà thiết kế không có diện tích sinh hoạt cộng đồng và đề xuất nơi bố trí diện tích sinh hoạt cộng đồng trong số diện tích kinh doanh dịch vụ đang quản lý.

Báo cáo Sở Xây dựng để trình UBND Thành phố xem xét quyết định; việc quản lý, sử dụng, kê khai, báo cáo phần diện tích trên do UBND xã, phường, thị trấn thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý tài sản công.

Văn bản cũng nêu rõ, với các quy định về nguyên tắc bảo trì nhà chung cư; kế hoạch bảo trì phần sở hữu chung của nhà chung cư; các hạng mục của nhà chung cư được sử dụng kinh phí bảo trì phần sở hữu chung để thực hiện việc bảo trì;

Bên cạnh đó, đối với nhà chung cư đã được đưa vào sử dụng nhưng chưa có quy trình bảo trì nhà chung cư và các thiết bị thuộc phần sở hữu chung của nhà chung cư, việc lập và phê duyệt quy trình bảo trì được thực hiện theo quy định tại Điểm đ, Khoản 2, Điều 38 của Nghị định số 46/2015/NĐ-CP, ngày 12/5/2015, của Chính phủ.

Quy định trên cũng nêu rõ trách nhiệm quyền và trách nhiệm của chủ đầu tư, ban quản trị chung cư; Quyền và trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong quản lý, sử dụng nhà chung cư; việc giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm trong quản lý, sử dụng nhà chung cư...

Trước đó, Bộ Xây dựng cũng cho biết, nhiều địa phương có tranh chấp, khiếu nại liên quan đến nội dung phí bảo trì nhà chung cư, trong đó, nhiều nhất là tại 2 đô thị Hà Nội và TP.HCM.

Các tranh chấp chủ yếu liên quan đến quản lý, sử dụng phí bảo trì phần sở hữu chung như chủ đầu tư không bàn giao, chậm bàn giao hoặc chỉ bàn giao một phần phí bảo trì cho ban quản trị (có 54 chung cư chiếm 11,8% tổng số tranh chấp và chiếm 79% tranh chấp liên quan đến phí bảo trì);...

Riêng địa bàn Hà Nội, tỉ lệ tranh chấp, khiếu nại liên quan đến phí bảo trì phần sở hữu chung cao hơn là 39/919 tòa nhà, chiếm tỉ lệ 4,2%.

Còn theo Sở Xây dựng Hà Nội, đến tháng 3/2020, có 13,5% dân số Hà Nội đang sinh sống ở chung cư. Hà Nội có gần 2.600 chung cư, chiếm 58% số lượng chung cư của cả nước, trong đó có gần 1.580 chung cư cũ, 845 chung cư thương mại và 174 chung cư tái định cư. Trong đó, có 86 chung cư có tranh chấp, ảnh hưởng đến an ninh trật tự xã hội.

Một số chuyên gia kỳ vọng, quy định mới của UBND TP Hà Nội sẽ góp phần giúp nhanh chóng "gỡ rối" quản lý chung cư trên địa bàn. Các quy định mới này bắt đầu có hiệu lực từ ngày 10/12/2020.