Cây bonsai 400 năm tuổi sống sót sau thảm họa ném bom Hiroshima

Minh Hương

(Dân trí) - Không chỉ gây ấn tượng với sức sống bền bỉ qua hàng thế kỷ, cây thông trắng trong bài viết còn đại diện cho tình yêu hòa bình của người Nhật.

Ngày 6/8/1945, quân đội Mỹ ném bom xuống thành phố Hiroshima trong chiến tranh Thế giới II, khiến 140.000 người thiệt mạng và phá hủy thành phố. Lạ kỳ thay, gia đình nghệ nhân bonsai Masaru Yamaki sống cách địa điểm nơi quả bom rơi xuống chỉ vài km sống sót thần kỳ sau thảm họa. Một vài thành viên trong gia đình chỉ bị thương nhẹ, và cây bonsai trồng bên ngoài căn nhà của họ cũng vậy.

Đây là cây thông trắng trồng năm 1625 và được 5 thế hệ trong gia đình nghệ nhân Yamaki chăm sóc trước khi được trao tặng cho Vườn ươm quốc gia Mỹ vào năm 1975 nhân dịp kỷ niệm 200 năm ngày độc lập của Mỹ. "Nhân chứng lịch sử" này được trao tặng không phải như món quà gợi nhớ tới quá khứ đau thương, tới chiến tranh mà để thể hiện cho thiện chí, tình yêu hòa bình của người dân Nhật Bản. Tuy nhiên, mối liên hệ của cây thông với sự kiện ném bom xuống thành phố Hiroshima được gia đình Yamaki giấu kín.

Cây bonsai 400 năm tuổi sống sót sau thảm họa ném bom Hiroshima - 1

Cây bonsai 400 năm tuổi được gia đình nghệ nhân Nhật Bản tặng cho vườn ươm Mỹ. Ảnh: Nationalgeographic

Mãi tới khi hai người cháu của nghệ nhân bonsai Yamaki tới vườn ươm vào năm 2001 để thăm cây thông kỷ niệm của ông mình, câu chuyện về quá khứ gắn liền với lịch sử của cây thông trắng này mới được tiết lộ. "Cây bonsai không được trao tặng để nhắc nhở về quá khứ đau thương tại Hiroshima", bà Kathleen Emerson-Dell, người chăm sóc cây thông tại Vườn ươm Quốc gia Mỹ tại Washington, D.C cho biết. "Đó là món quà của tình bạn và sự kết nối giữa hai nền văn hóa khác biệt".

Sau khi bí mật về cây thông trắng nhỏ bé phủ đầy rêu xanh được tiết lộ, "nhân chứng lịch sử" này đã thu hút sự chú ý của nhiều người dân Mỹ. Ngày nay, cây thông vẫn được lưu giữ và chăm sóc tại Vườn ươm Quốc gia Mỹ như một biểu tượng của đức tính vị tha, tình yêu hòa bình của người dân Nhật Bản. Đặc biệt hơn, cây thông có tuổi đời gần 400 năm tuổi, vượt quá tuổi thọ trung bình của các cây bonsai.

Sau khi nghe về lịch sử của cây thông, William Lee, sinh viên Mỹ, cho biết cây bonsai với anh thể hiện tình hữu nghị giữa hai quốc gia. "Cây thông là biểu tượng của lòng vị tha. 30 năm sau vụ ném bom, cây thông được trao tặng như biểu tượng của tình bạn từ đất nước Nhật Bản. Điều đó thật tuyệt vời", Lee nói.

"Khi bạn nhìn cây thông, bạn sẽ thấy nó rất đẹp. Nghệ thuật bonsai có rất nhiều ý nghĩa: hòa bình, coi trọng vẻ đẹp của thiên nhiên và triết lý Thiền", Michael James, kỹ sư nông nghiệp làm việc tại vườn ươm, cho biết.

Bà Dell hy vọng du khách tham quan sẽ cảm nhận về cây thông như biểu tượng của sức sống kiên cường sau thảm kịch, chiến tranh và là biểu tượng của tình hữu nghị giữa hai quốc gia.