Tình huống pháp lý trong việc Giám đốc CDC Bình Phước trả lại quà Việt Á

Khả Vân

(Dân trí) - Luật sư cho biết, chỉ cần sự hứa hẹn sẽ nhận những lợi ích vật chất để làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ là đã cấu thành tội nhận hối lộ.

Tình huống pháp lý trong việc Giám đốc CDC Bình Phước trả lại quà Việt Á - 1

Trụ sở Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) Bình Phước (Ảnh: Trung Kiên).

Thể hiện sự thành khẩn, không né tránh việc đã nhận quà

Nêu ý kiến về việc Giám đốc CDC Bình Phước trả lại quà nhận từ Việt Á, theo Luật sư Quách Thành Lực, Giám đốc Công ty luật Pháp trị, việc này thể hiện sự thành khẩn, không tránh né sự thật. Tuy nhiên đến nay vị này mới có thông tin đã báo cáo và mong muốn trả lại quà là đã vi phạm các quy định về việc xử lý quà tặng được quy định tại luật phòng chống tham nhũng.

Việc xác định có hay không hành vi nhận hối lộ thì sẽ được làm sáng tỏ thông qua hoạt động điều tra của cơ quan cảnh sát điều tra. Hành vi nhận hối lộ được xác định như sau: "Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn trực tiếp hoặc qua trung gian nhận hoặc sẽ nhận bất kỳ lợi ích nào sau đây cho chính bản thân người đó hoặc cho người hoặc tổ chức khác để làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ".

Theo đó chỉ cần sự hứa hẹn sẽ nhận những lợi ích vật chất để làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ đã cấu thành tội nhận hối lộ. Việc trả lại tiền đã nhận không làm thay đổi bản chất của việc nhận hối lộ.

Cơ quan điều tra sẽ lấy lời khai từ phía Việt Á để xác định mục đích gửi quà cho Giám đốc CDC Bình Phước. Ngoài ra cơ quan điều tra sẽ làm sáng tỏ Giám đốc CDC Bình Phước trước, trong, sau khi nhận quà từ Việt Á để làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của Việt Á không. Dựa trên hai thông tin cơ bản này cơ quan điều tra có thể xác định được chính xác có hay không hành vi đưa và nhận hối lộ.

Trường hợp cơ quan cảnh sát điều tra xác định hành vi đã cấu thành tội nhận hối lộ thì việc trả lại số tiền nhận hối lộ sẽ có ý nghĩa trong việc giảm nhẹ hình phạt. Trong trường hợp số tiền nhận hối lộ từ 1 tỷ đồng mà bị áp dụng hình phạt tử hình thì việc nộp lại toàn bộ tài sản nhận hối lộ sẽ được ân giảm, từ hình phạt tử hình được chuyển thành tù chung thân.

Tình huống pháp lý trong việc Giám đốc CDC Bình Phước trả lại quà Việt Á - 2

Chi nhánh Công ty Việt Á tại Bình Dương phân phối kit test đi nhiều tỉnh thành phía Nam (Ảnh: A.X).

Tại luật phòng chống tham nhũng năm 2018, điều 22 quy định việc tặng quà và nhận quà tặng như sau: "Cơ quan, tổ chức, đơn vị, người có chức vụ, quyền hạn không được trực tiếp hoặc gián tiếp nhận quà tặng dưới mọi hình thức của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan đến công việc do mình giải quyết hoặc thuộc phạm vi quản lý của mình".

Trường hợp không từ chối được thì cơ quan, tổ chức, đơn vị phải tổ chức quản lý, xử lý quà tặng theo quy định. Bao gồm các bước sau:

Báo cáo nộp lại quà tặng theo điều 26 Nghị định 59/2019/NĐ-CP.

  1. Cơ quan, tổ chức, đơn vị khi nhận được quà tặng không đúng quy định thì phải từ chối; trường hợp không từ chối được thì phải giao lại quà tặng cho bộ phận chịu trách nhiệm quản lý quà tặng của cơ quan, đơn vị đó để xử lý theo quy định tại Điều 27 của Nghị định này.
  2. Người có chức vụ, quyền hạn khi nhận được quà tặng không đúng quy định thì phải từ chối; trường hợp không từ chối được thì phải báo cáo Thủ trưởng cơ quan, tổ chức, đơn vị mình hoặc Thủ trưởng cơ quan, tổ chức, đơn vị cấp trên trực tiếp và nộp lại quà tặng để xử lý theo quy định tại Điều 27 của Nghị định này trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được quà tặng.

Báo cáo được thể hiện bằng văn bản và có đầy đủ các nội dung: Họ, tên, chức vụ, cơ quan, địa chỉ của người tặng quà; loại và giá trị của quà tặng; thời gian, địa điểm và hoàn cảnh cụ thể khi nhận quà tặng; mối quan hệ với người tặng quà.

Sau đó việc Xử lý quà tặng được thực hiện theo điều 25, điều 28 Nghị định 59/2019/NĐ-CP.

  1. Đối với quà tặng bằng tiền, giấy tờ có giá thì Thủ trưởng cơ quan, tổ chức, đơn vị tổ chức tiếp nhận, bảo quản và làm thủ tục nộp vào ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật.
  2. Đối với quà tặng bằng hiện vật, Thủ trưởng cơ quan, tổ chức, đơn vị tiếp nhận, bảo quản và xử lý như sau:                                                                                         a) Xác định giá trị của quà tặng trên cơ sở giá của quà tặng do cơ quan, đơn vị, cá nhân tặng quà cung cấp (nếu có) hoặc giá trị của quà tặng tương tự được bán trên thị trường. Trong trường hợp không xác định được giá trị của quà tặng bằng hiện vật thì có thể đề nghị cơ quan có chức năng xác định giá;     b) Quyết định bán quà tặng và tổ chức công khai bán quà tặng theo quy định của pháp luật;                                                                                                                 c) Nộp vào ngân sách nhà nước số tiền thu được sau khi trừ đi chi phí liên quan đến việc xử lý quà tặng trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày bán quà tặng.

...

5. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày xử lý quà tặng, cơ quan, tổ chức, đơn vị xử lý quà tặng có trách nhiệm thông báo bằng văn bản cho cơ quan, tổ chức, đơn vị quản lý người tặng quà hoặc Cấp trên trực tiếp của cơ quan, tổ chức, đơn vị đã tặng quà để xem xét, xử lý theo thẩm quyền.

Như vậy các quy định của Luật phòng chống tham nhũng và các văn bản hướng dẫn đều quy định khá rõ về việc khi không từ chối được quà tặng thì cá nhân, tổ chức nhận được quà có thời gian 05 ngày kể từ ngày nhận được quà tặng để báo cáo Thủ trưởng cơ quan, tổ chức, đơn vị mình hoặc Thủ trưởng cơ quan, tổ chức, đơn vị cấp trên trực tiếp và nộp lại quà tặng để xử lý.

Trường hợp cá nhân, tổ chức vi phạm quy định thì xử lý theo điều 28 Nghị định 59/2019/NĐ-CP như sau: "Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị vi phạm quy định về nhận quà tặng, xử lý quà tặng, người có chức vụ, quyền hạn vi phạm quy định về nhận quà tặng, báo cáo, nộp lại quà tặng thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý theo quy định của pháp luật về xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức và xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài nhà nước".

Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Bình Phước (CDC Bình Phước) đã mua khoảng 87.000 kít xét nghiệm phát hiện SARS-CoV-2 với tổng số tiền trên 40 tỷ đồng của Công ty Việt Á. Đáng chú ý, Công ty Việt Á có đến "gửi quà" lãnh đạo CDC Bình Phước. 

Về việc "gửi quà" này, ông Nguyễn Văn Sáu, Giám đốc CDC Bình Phước thông tin: "Đầu tháng 12, đại diện của Công ty Việt Á có lên gặp và gửi quà, đến tối tôi có kiểm tra thì đó là quà của công ty gửi cho tôi. Việc này tôi đã báo cáo tổ chức, báo cáo lãnh đạo các cấp. Phần quà này sau kỳ nghỉ lễ tôi sẽ nộp lại cơ quan chức năng".

Hiện Bộ Công an đang làm việc với CDC Bình Phước và cá nhân liên quan. Quà hay vật phẩm và các tài liệu liên quan công an đã niêm phong và đang điều tra làm rõ.

Trước sự việc này, dư luận thắc mắc liệu giám đốc CDC Bình Phước có bị khép vào tội nhận hối lộ không, cũng như việc trả lại quà thì được xem xét thế nào? 

Dòng sự kiện: Bê bối kit test Việt Á