Bình Định:

Những chàng trai lạ ở "cổng trời" An Toàn

Doãn Công

(Dân trí) - Từng bị dân làng hồ nghi, song qua thời gian, sự xuất hiện của 4 chàng trai lạ đã tạo một luồng sinh khí mới ở "cổng trời" An Toàn.

Cách quốc lộ 1A trên 50km, trung tâm TP Quy Nhơn chừng 150km, xã An Toàn, huyện An Lão nằm ở độ cao gần 1.000m so với mực nước biển. Nơi đây được ví như "cổng trời" của Bình Định, có người lại cảm nhận An Toàn như một Đà Lạt thu nhỏ, bởi khí hậu mát mẻ quanh năm.

Những dược sĩ trẻ trong trang phục nông dân

Một ngày đẹp trời năm 2021, xã vùng cao An Toàn bỗng xuất hiện 4 chàng trai "lạ mặt" đến dò hỏi thuê đất ở và trồng dược liệu khiến bản làng hồ nghi. Đó là nhóm dược sĩ trẻ quê ở Bình Định, Lâm Đồng, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu; đặc biệt trong số này, có người đang học thạc sĩ ở Na Uy, có người là giảng viên đại học.

Những chàng trai lạ ở cổng trời An Toàn - 1

Nhóm dược sĩ, kỹ sư trẻ đầu tiên đặt chân lên An Toàn để thành lập Hợp tác xã Nông dược và dịch vụ tổng hợp An Toàn - BIDICOMED (Ảnh: HTX cung cấp).

Việc "bỏ phố về rừng" không hề dễ dàng, nhưng với mục tiêu, định hướng rõ ràng cùng ý chí nghị lực và tinh thần đồng đội, nhóm bạn trẻ bước ra khỏi vùng an toàn để đến một vùng đất xa xôi, có phần khắc nghiệt mang tên "cổng trời" An Toàn để khởi nghiệp.

Thái Minh Tiến (29 tuổi), một người con của mảnh đất Bình Định, lớn lên ở Đồng Nai, từng là giảng viên khoa Dược, trường ĐH Lạc Hồng. Sau 1 năm đứng lớp, nhận thấy môi trường sư phạm hơi gò bó so với tính cách và đôi chân hay đi, Tiến xin nghỉ rồi ra ngoài làm quản lý kinh doanh của nhiều công ty dược trong và ngoài nước.

Thời gian này, Tiến nhận thấy thị trường thực phẩm chức năng hiện nay nhu cầu rất lớn, giá thành cao nhưng chất lượng chưa có gì đảm bảo. Nhiều người tiêu dùng nghèo khó nhưng liên tục bị đánh lừa bởi các bài quảng cáo thiếu trung thực, dẫn đến tiền thì mất nhưng sức khỏe vẫn không cải thiện.

Những chàng trai lạ ở cổng trời An Toàn - 2

Các thành viên HTX thu hoạch dược liệu ven tán rừng (Ảnh: HTX cung cấp).

Khi biết câu chuyện của các thành viên và nhận ra rằng mọi người có thể quy tụ về chung một dự án lớn, Tiến kết nối những bạn học cũ trong khoa Dược từ giữa năm 2021. Sau đó, Hợp tác xã (HTX) Nông dược và dịch vụ tổng hợp An Toàn - BIDICOMED ra đời bởi 4 mảnh ghép tưởng chừng như khác biệt nhưng lại bổ trợ cho nhau vô cùng hoàn hảo.

Với Vũ Đức Hòa (28 tuổi, quê tỉnh Lâm Đồng), thời sinh viên Hòa từng là một trong 7 gương mặt nhận Giải thưởng Tình nguyện quốc gia năm 2017. Ra trường, Hòa làm trong lĩnh vực marketing dược phẩm các dòng thuốc Tây y điều trị bệnh mãn tính. Trong quá trình đi tư vấn ở các bệnh viện khắp cả nước, Hòa nhận thấy rất nhiều bệnh nhân mong muốn tìm đến sản phẩm từ thiên nhiên lành tính để cải thiện tình trạng sức khỏe, hạn chế tác dụng phụ khi sử dụng lâu dài.

Sau này, khi du học thạc sĩ ngành Quản lý Phát triển bền vững ở Indonesia và Na Uy, Hòa thấy rằng người dân tộc thiểu số miền núi của Việt Nam còn lệ thuộc nhiều vào sinh kế thiếu bền vững từ việc khai thác rừng và cây hoa màu giá trị thấp. Vì vậy, Hòa mong muốn chuyển dịch kinh tế các khu vực này sang cây dược liệu có giá trị cao hơn và chế biến thương mại hóa để đáp ứng cho thị trường đang đầy nhu cầu, góp phần giảm nghèo bền vững.

"Gia đình tôi ai cũng theo ngành dược nên khi chọn đi "nông dược", ba mẹ cũng hoang mang nhưng rồi cũng hiểu công việc tôi đang làm", Hòa chia sẻ.

Những chàng trai lạ ở cổng trời An Toàn - 3

Khu Nông dược kết hợp du lịch (Ảnh: HTX cung cấp)

Tạo sinh kế, giảm nghèo bền vững

An Toàn có 260 hộ dân, với trên 1.000 nhân khẩu, chủ yếu đồng bào dân tộc thiểu số Ba Na và Hre, trong đó tỷ lệ hộ nghèo chiếm trên 90%, đời sống kinh tế người dân còn rất khó khăn.

Ông Đinh Văn Trang (65 tuổi, còn gọi là già Trai) cho hay trước đây, đường sá không có mà đi, người dân trèo đèo lội suối, đi lại rất khó khăn. Những năm gần đây, Đảng và Nhà nước đã quan tâm làm đường bê tông, xây dựng trường học, trạm y tế… Song do địa bàn vùng núi cách trở, bà con sống chủ yếu dựa vào nương rẫy, đi rừng nên đời sống vẫn rất khó khăn.

"Trồng lúa chỉ đủ ăn, còn trồng khóm (dứa) thì bán không ai mua. Chúng tôi đang đề nghị cấp trên thành lập HTX, để thu mua sản phẩm cho bà con. Hiện có HTX Nông dược An Toàn, dù chưa thu mua nông sản nhưng đang liên kết, hướng dẫn kỹ thuật trồng dược liệu cho một số hộ dân, bước đầu thấy khỏe hơn làm rẫy, bà con ưng cái bụng", già Trai phấn khởi.

Những chàng trai lạ ở cổng trời An Toàn - 4

Các thành viên HTX chăm sóc vườn kim ngân hoa (Ảnh: HTX cung cấp).

Theo anh Tiến, HTX Nông dược An Toàn ra đời với mô hình đi từ vùng trồng đến sản phẩm. Trồng dược liệu cung cấp nguyên liệu cho Công ty BIDICOMED, bào chế ra các sản phẩm chức năng, sản phẩm thảo mộc… Ngoài ra, HTX phát triển Farmstay, tạo ra dòng tiền ngắn hạn để duy trì trong thời gian chờ vùng dược liệu phát triển.

Sau 2 năm, HTX đã có 5 sản phẩm tiên phong ra thị trường và lên kệ các nhà thuốc trên toàn quốc: dầu gội thảo mộc Nẫu Ecofarm, viên bổ dưỡng tỉnh táo Corceton, viên hoạt huyết ngủ ngon HuLang, siro ho bổ phế LaLang, gel bôi ngứa côn trùng Bakazona.

Trong tương lai, HTX dần chủ động tất cả nguồn nguyên liệu. Hiện tại, HTX liên kết với 30 hộ dân người đồng bào trồng đương quy và thường xuân. Ngoài ra, HTX đang làm giống đương quy, cung cấp cho Ban quản lý rừng đặc dụng An Toàn để trồng thí nghiệm.

Anh Tiến cho hay, sâm đương quy có giá trị cao, trồng 1 năm sẽ cho thu hoạch. Với giá bán hiện tại 40.000 đồng/kg, người dân thu lãi 100-140 triệu đồng/ha. Trong khi đó, nếu người dân trồng mì, lúa thì thường mỗi năm thu khoảng 10 triệu đồng.

"Sự ra đời của HTX Nông dược và dịch vụ tổng hợp An Toàn không chỉ góp phần tạo sinh kế cho bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số, mà còn tạo điều kiện cho người dân được tiếp cận với nhiều mặt hàng phong phú", anh Tiến nói.

Những chàng trai lạ ở cổng trời An Toàn - 5

Thành viên HTX giới thiệu sản phẩm tại Lễ kỷ niệm 30 năm thành lập Liên minh Hợp tác xã (Ảnh: Doãn Công).

Mỗi hộ dân sẽ là một homestay

Anh Tiến cũng cho biết, sau đợt tập huấn, hướng dẫn bà con sửa sang nhà cửa làm sao mỗi hộ dân là một homestay, hiện có 7 hộ dân có thể đón khách. HTX xây dựng tour du lịch về văn hóa bản địa, ăn uống cùng người đồng bào, để tạo thu nhập cho bà con.

Sau 2 năm hoạt động, có hàng nghìn lượt du khách tìm về An Toàn tham quan. Hiện tại, du khách đến An Toàn chủ yếu ở lại Nẫu Ecovalley (là một farmstay trồng dược liệu kết hợp du lịch trải nghiệm). Ở đây, du khách tham quan vùng trồng dược liệu, tham quan làng, nhà rông, các suối, thác xung quanh, thưởng thức món ăn với bà con bản địa, các món ăn về dược liệu, ngâm chân bằng thảo mộc.

Những chàng trai lạ ở cổng trời An Toàn - 6

Hoạt động yoga dưới ánh hoàng hôn, chữa lành bằng vận động (Ảnh: HTX cung cấp).

Ông Khiếu Đức Thịnh, Phó Giám đốc Ban quản lý rừng đặc dụng An Toàn, cho hay với hơn 22.000ha rừng nguyên sinh, cùng nhiều loài động thực vật quý hiếm, An Toàn có tiềm năng lớn về phát triển dược liệu dưới tán rừng, chắc chắn sẽ mang lại lợi ích lớn cho người dân.

Ông Đỗ Tùng Lâm, Phó Chủ tịch UBND Huyện ủy An Lão, cho biết huyện đang lập quy hoạch phân khu để phát triển du lịch cho những địa điểm có nhiều tiềm năng, trong đó vùng "cổng trời" An Toàn là một điểm nhấn quan trọng.

"Công ty dược Bidiphar đang phát triển mô hình trồng dược liệu sạch ở An Toàn trên diện tích 11ha với các loài dược liệu, gồm: thìa canh, cà gai leo, đinh lăng, chè dây, đương quy, ba kích, hà thủ ô đỏ, đảng sâm… Ngoài ra, An Toàn còn có 1 HTX Nông dược liệu đang hoạt động rất hiệu quả, góp phần tạo công ăn việc làm cho người dân, giúp địa phương phát triển thêm các sản phẩm OCOP dược liệu, du lịch sinh thái", ông Đỗ Tùng Lâm chia sẻ.