Gia Lai - Bài 5:

Khởi tố vụ cả đoàn xe độ chế rầm rập tiến vào phá nát rừng xanh Tây Nguyên

Phạm Hoàng

(Dân trí) - Xác định vụ phá rừng Báo Dân trí phản ánh có dấu hiệu phạm tội, cơ quan chức năng đã khởi tố vụ án hình sự, siết chặt công tác quản lý, bảo vệ rừng để kịp thời ngăn chặn các vụ vi phạm lâm luật.

Khởi tố vụ phá rừng, truy bắt lâm tặc

Ngày 2/3, Hạt kiểm lâm huyện Đăk Đoa (Gia Lai) cho biết đã khởi tố hình sự về "Vi phạm quy định về khai thác bảo vệ rừng và lâm sản" tại xã Hải Yang. Hiện nay, cơ quan công an đang mở rộng điều tra để truy bắt các đối tượng thực hiện vụ khai thác rừng trái phép tại làng Bông Hiot (xã Hải Yang, huyện Đắk Đoa, Gia Lai), đồng thời, điều tra, làm rõ tránh nhiệm của cá nhân, tổ chức thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng.

Cận cảnh vụ phá rừng rầm rộ tại Gia Lai được Báo Dân trí phản ánh.

Vừa qua, báo Dân trí đã có loạt bài điều tra: "Bàng hoàng cả đoàn xe độ chế rầm rập tiến vào phá nát rừng xanh Tây Nguyên". Theo đó, phóng viên đã bí mật tiến sát vào "công trường" đang khai thác gỗ trái phép tại làng Bông Hiot (xã Hải Yang) khoảng 5km. Tại đây, chúng tôi đã phát hiện nhiều nhóm lâm tặc đang ngang nhiên xẻ cây rừng. Hàng loạt cây rừng bị xẻ trong một ngày nhưng lực lượng chức năng không biết. 

Khởi tố vụ cả đoàn xe độ chế rầm rập tiến vào phá nát rừng xanh Tây Nguyên - 1
Lâm tặc "ngang nhiên" xẻ hộp tại rừng xanh nhưng cơ quan chức năng không biết...?.

Ngay sau báo Dân trí phản ánh, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đã có văn bản chỉ đạo UBND tỉnh Gia Lai khẩn trương điều tra, xác minh loạt bài phản ánh vụ phá rừng tại xã Hải Yang (huyện Đăk Đoa, tỉnh Gia Lai) mà báo phản ánh. Đồng thời, Phó Thủ tướng cũng yêu cầu xử lý nghiêm các vi phạm theo quy định của pháp luật. Kết quả báo về Thủ tướng Chính phủ trước ngày 30/3/2021.

Sau khi căn cứ biên bản kiểm tra hiện trường về vụ phá rừng tại lô 4, khoảnh 1, Tiểu khu 454 trên địa chính xã Hải Yang, lâm phần thuộc BQL RPH Đăk Đoa mà báo Dân trí phản ánh, ngành chức năng xác định có dấu hiệu phạm tội vi phạm quy định về khai thác bảo vệ rừng và lâm sản (Quy định tại điểm b, khoản 2, điều 232, Bộ Luật Hình sự).

Khởi tố vụ cả đoàn xe độ chế rầm rập tiến vào phá nát rừng xanh Tây Nguyên - 2
Gỗ hộp nằm ngổn ngang trong rừng xanh

Theo đó, Hạt kiểm lâm huyện Đăk Đoa, tỉnh Gia Lai ra Quyết định khởi tố vụ án hình : "Tội vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản" về vụ phá rừng xảy ra vào tháng 1/2021 tại xã Hải Yang (huyện Đắk Đoa, Gia Lai).

Trước đó, Hạt kiểm lâm huyện Đăk Đoa (Gia Lai) đã có báo cáo về kết quả kiểm tra, khám nghiệm hiện trường vụ khai thác rừng trái pháp luật trên. Cụ thể, số gốc cây rừng bị chặt hạ thống kê tại hiện trường là 41 gốc, nằm rải rác ở nhiều vị trí khác nhau. Loại cây rừng bị khai thác là Giẻ xanh, Dầu nước, Trầm tía… có đường kính gốc bình quân từ 25 - 60cm, chiều cao gốc chặt trung bình từ 20 - 10cm. Các đối tượng lâm tặc đã dùng công cụ khai thác trái phép bằng cưa xăng để đốn hạ cây rừng. Số lượng gỗ được đo đếm tại hiện trường là gần 4m3. Tại thời điểm kiểm tra chưa xác định được đối tượng vi phạm.

Yêu cầu điều tra, làm rõ việc "tiếp tay"!

Trước tình hình phức tạp của việc quản lý và bảo vệ rừng trên địa bàn, UBND tỉnh Gia Lai, UBND huyện Đăk Đoa đã có nhiều văn bản yêu cầu Công an huyện Đăk Đoa, Hạt kiểm lâm và chính quyền địa phương kịp thời phối hợp đề làm rõ vụ án phá rừng. Đồng thời, huyện Đăk Đoa cũng có văn bản gửi lên Sở NN - PTNN để yêu cầu làm rõ tránh nhiệm của các cán nhân, tổ chức trong việc để xảy ra tình trạng phá rừng trên.

Khởi tố vụ cả đoàn xe độ chế rầm rập tiến vào phá nát rừng xanh Tây Nguyên - 3

Những cánh rừng đang dần bị ăn mòn theo từng năm.

Bà Giang H'Đan (Phó Chủ tịch UBND huyện Đăk Đoa) cho biết: "Trước sự việc phá rừng mà báo chí đã phản ánh, huyện cũng đã kịp thời có những văn bản đôn đốc cơ quan chức năng vào cuộc khẩn trương kiểm tra, xác minh vụ việc. Qua đó, chỉ đạo tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn, tránh những vụ phá rừng xảy ra, đặc biệt là dịp Tết nguyên đán. Đối với việc báo phản ánh thì cơ quan chức năng đã khởi tố và đang chờ kết quản kiểm tra của cơ quan công an.".

Trao đổi với PV Dân trí, ông Vũ Anh Văn (Phó ban phụ trách Ban quản lý rừng phòng hộ Đăk Đoa) thông tin: "Ban đã kịp thời phối hợp cùng cơ quan chức năng vào hiện trường kiểm tra, xác minh thông tin. Hiện vụ việc đã khởi tố và chờ kết luận của công an để làm rõ tránh nhiệm của từng cá nhân, tổ chức trong việc buông lỏng quản lý để xảy ra vụ phá rừng. Qua điều tra, nếu có tình trạng "tiếp tay" thì cơ quan cũng sẽ kiến nghị để xử lý nghiêm. Ngay sau khi báo Dân trí phản ánh, cơ quan công an và chính quyền xã đã phát hiện thêm nhiều gốc bị cưa hạ trên lâm phần mà báo phản ánh. Cơ quan Cảnh sát điều tra đã tiến hành mở rộng để điều tra".

Khởi tố vụ cả đoàn xe độ chế rầm rập tiến vào phá nát rừng xanh Tây Nguyên - 4
Cơ quan chức năng đang yêu cầu làm rõ hành vi "tiếp tay", buông lỏng để xảy ra vụ phá rừng quy mô lớn

Ông Nguyễn Văn Hoan - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Gia Lai cho biết: "Lợi dụng Tết thì các đối tượng lâm tặc thường manh động, bấp chấp vào rừng để khai thác gỗ trái phép. Xác định vậy nên Sở đã chỉ đạo lực lượng trực tết 100% và chia ra thành các tổ nhóm chốt chặn tại các cửa dừng. Đồng thời, tuyên truyền và giao khoán cho chính người dân tham gia vào công tác bảo vệ rừng".

"Vụ này đang bàn giao hồ sơ cho cơ quan công an điều tra theo quy định của pháp luật. Ngay khi nắm được vụ việc mà báo phản ánh thì Sở đã chỉ đạo ngành chức năng kịp thời kiểm tra hiện trường. Quyết liệt trong công tác điều tra nhằm truy bắt các đối tượng phá rừng. Đồng thời, chúng tôi cũng nhờ cơ quan công an điều tra có hay không việc "tiếp tay". Theo đó, sẽ căn cứ vào kết luật cơ quan công an để xử lý nghiêm", ông Hoan cho biết thêm.

Trong năm 2020, trên địa bàn Đăk Đoa xảy ra nhiều vụ việc tàng trữ lâm sản, phá rừng, khai thác rừng trái phép. Địa bàn xảy ra vi phạm thường nằm ở các xã có rừng tự nhiên thuộc BQL RPH Đăk Đoa (xã Hà Đông, Đăk Sơ Mei, Hải Yang). Cụ thể, trong năm đã phát hiện 25 vụ, trong đó có 14 vụ vận chuyển, tàng trữ lâm sản trái pháp luật; 6 vụ khai thác rừng trái pháp luật; 5 vụ phá rừng trái pháp luật. Khởi tố hình sự 7 vụ về hành vi phá rừng và khai thác rừng trái pháp luật. Xử phạt hành chính 20 vụ. So với năm 2019, thì số vụ phá rừng và khai thác rừng đã tăng gần gấp đôi.

Dân trí sẽ tiếp tục thông tin sự việc đến bạn đọc.