Đốt pháo trái phép sẽ bị phạt gấp 5 lần mức phạt cũ!

Thế Hưng

(Dân trí) - Đốt pháo là kí ức của không ít người thuộc thế hệ 8x trở về trước. Tuy nhiên, người dân cần nắm rõ thông tin về việc mua và sử dụng pháo.

Giải đáp thắc mắc của bạn đọc Dân trí về việc mua và sử dụng pháo trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới, Luật sư Trần Viết Hà, Công ty Luật Nam Sơn cho hay, theo Điều 17 Nghị định 137/2020, người dân có quyền sử dụng pháo hoa không có tiếng nổ. Đó là các loại pháo hoa khi sử dụng phát ra màu sắc, ánh sáng và hoàn toàn không gây ra hiệu ứng tiếng nổ.

Tuy nhiên, trên thị trường chỉ có Công ty TNHH MTV Hóa chất 21 (Nhà máy Z121 - Tổng cục Công nghiệp quốc phòng, Bộ Quốc phòng) bán giàn phun viên có giá 308.000 đồng/giàn và giàn phun hoa là 330.000 đồng/giàn; đều là sản phẩm pháo hoa không tiếng nổ.

Song, hiện nay, giàn phun hoa đang tạm dừng bán và thu hồi để rà soát kỹ lưỡng các tiêu chuẩn, kỹ thuật. Sản phẩm pháo hoa có tên "giàn phun viên" sẽ tiếp tục được sản xuất và bán ra thị trường cho người dân sử dụng trong dịp Tết Nguyên đán.

Đốt pháo trái phép sẽ bị phạt gấp 5 lần mức phạt cũ! - 1

Người dân nên nắm rõ quy định về pháo nổ mới (Ảnh: VTV).

Song, nếu như đã mua trước thông tin bị thu hồi thì người dân cần phải lưu giữ hóa đơn, chứng từ để xuất trình trong trường hợp cơ quan chức năng kiểm tra.

Nếu khi bị kiểm tra mà người dân không xuất trình được hóa đơn, chứng từ hợp lệ hoặc sử dụng loại pháo hoa không được phép thì theo điểm i khoản 3 Điều 11 Nghị định 144/2021/NĐ-CP sẽ bị phạt từ 05 - 10 triệu đồng.

Đốt pháo trái phép bị phạt thế nào?

Luật sư Hà cho biết, Nghị định 144/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 của Chính phủ đã có một số thay đổi. Theo đó, trước đây, Điều 10 Nghị định 167/2013 quy định hành vi sử dụng các loại pháo, thuốc pháo trái phép chỉ bị phạt từ 1-2 triệu đồng. Trong khi mức phạt với hành vi sử dụng pháo trái phép tại Nghị định 144/2021 đã tăng gấp 5 lần so với mức phạt cũ.

Cụ thể, từ 1/1/2022, Điều 11 Nghị định 144/2022 quy định phạt tiền từ 05 - 10 triệu đồng đối với một trong những hành vi sử dụng các loại pháo, thuốc pháo trái phép. 

Ngoài ra, Nghị định 144 cũng quy định mức phạt với các vi phạm về quản lý sử dụng pháo khác như sau: 

- Phạt tiền từ 1-2 triệu đồng với hành vi lưu hành các loại giấy phép, giấy xác nhận, giấy chứng nhận, chứng chỉ về quản lý, sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ và pháo không còn giá trị sử dụng.

- Phạt tiền từ 2-5 triệu đồng đối với một trong những hành vi sau đây: 

+ Chiếm đoạt, trao đổi, mua, bán, cho, tặng, mượn, cho mượn, thuê, cho thuê, cầm cố, nhận cầm cố, các loại giấy phép, giấy xác nhận, giấy chứng nhận, chứng chỉ về vũ khí, công cụ hỗ trợ và pháo.

+ Làm giả các loại giấy phép, giấy xác nhận, giấy chứng nhận, chứng chỉ về vũ khí, công cụ hỗ trợ và pháo. Mất giấy phép, giấy xác nhận, giấy chứng nhận, chứng chỉ về vũ khí, công cụ hỗ trợ và pháo. Tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung giấy phép, giấy xác nhận, giấy chứng nhận, chứng chỉ về vũ khí, công cụ hỗ trợ và pháo... 

+ Che giấu, giúp người khác hoặc không tố giác hành vi chế tạo, sản xuất, mang, mua, bán, sửa chữa, xuất khẩu, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng trái phép hoặc hủy hoại vũ khí, công cụ hỗ trợ và pháo.

- Phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng đối với hành vi vận chuyển, tàng trữ trái phép pháo, thuốc pháo hoặc nguyên liệu, phụ kiện để sản xuất pháo.

- Phạt tiền từ 20 - 40 triệu đồng đối với hành mang trái phép vũ khí, công cụ hỗ trợ và pháo vào, ra khỏi lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hoặc mang vào nơi cấm, khu vực cấm, khu vực bảo vệ và mục tiêu bảo vệ.