Vụ bé gái bị bạo hành: Không đi bước nữa vì ám ảnh cảnh "mẹ kế, bố dượng"

Hoài Nam

(Dân trí) - Sợ cảnh "bố dượng, mẹ kế", không ít ông bố bà mẹ đơn thân chọn ở vậy nuôi con...

Mới đây, cơ quan chức năng đã bắt khẩn cấp nghi phạm V.N.Q.Tr. (26 tuổi, quê Gia Lai) vì hành vi đánh đập, hành hạ một bé gái 8 tuổi tại TPHCM khiến nạn nhân tử vong. 

Nghi phạm là vợ sắp cưới của bố cháu bé, được biết cả ba đang cùng sinh sống tại một căn hộ ở quận Bình Thạnh. 

Vụ bé gái bị bạo hành: Không đi bước nữa vì ám ảnh cảnh mẹ kế, bố dượng - 1

Những vết bầm tím trên thi thể bé gái 8 tuổi tử vong nghi do bị bạo hành (Ảnh: Gia đình & Xã hội).

Thông tin ban đầu, bé gái 8 tuổi được đưa vào viện cấp cứu trong tình trạng hôn mê, ngưng tim, ngưng thở và đã tử vong trước khi đưa vào bệnh viện. Trên cơ thể cháu có nhiều vết bầm lớn, có những vết thương được khâu, vết mờ cũ trên vùng mặt. 

Sự việc vẫn đang trong giai đoạn điều tra nhưng việc một cháu bé 8 tuổi, sống cùng bố và mẹ kế rồi bị bạo hành đến tử vong đủ làm cho bất cứ ai cũng phải phẫn nộ. Trước khi giã từ cuộc sống trong đau đớn, hẳn đứa trẻ xa mẹ ấy đã trải biết bao tủi hờn, tổn thương, cô đơn đến tận cùng. 

"Mấy đời bánh đúc có xương/Mấy đời mẹ ghẻ lại thương con chồng", đúc kết của ông cha không phải không có cơ sở. Không chỉ hiếm cảnh bố dượng, mẹ kế thương con riêng mà phía sau đó điều quan trọng hơn là hành xử, lựa chọn của bố mẹ ruột. 

Ly hôn vợ khi con mới 4 tuổi, anh Lê Minh Tuấn (39 tuổi, ở TPHCM) là người được trao quyền nuôi con. Anh kể, anh không giành giật con với vợ cũ vì anh tự nhận thấy, trong bất cứ hoàn cảnh nào, một đứa trẻ cần được ưu tiên ở với mẹ. 

Tuy nhiên, có những việc chỉ người trong cuộc mới hiểu rõ. Vợ cũ anh sức khỏe yếu, công việc không ổn định và có một vài lý do cá nhân anh không muốn nhắc lại nên việc con ở với anh thời điểm đó là hợp lý. 

Hồi bé, nhiều người gặp cậu bé hay trêu đùa ác ý, nói rồi mai mốt bố đi lấy vợ, có thêm em thì ra rìa làm cháu khóc lóc, sợ hãi. Khi đó, anh có lời hứa với con: "Trước khi con trở thành một chàng trai khỏe mạnh, tự lập thì bố chưa lấy ai hết. Khi nào con cho phép, bố mới lấy vợ!". 

Anh không muốn con đầu của mình phải sống trong cảnh mẹ kế, con riêng của bố, rồi có thể là cảnh con anh - con tôi - con chúng ta trong một nhà khi còn quá nhỏ. Dù hiểu không ít những người mẹ kế tốt nhưng theo anh, con trẻ sẽ khó tránh được những phút chạnh lòng, tủi hờn...

Đến nay, con trai đã 13 tuổi, cao hơn bố. Cháu đã sẵn sàng với việc bố lập gia đình mới vì sợ bố về già lủi thủi một mình. Anh cũng đã sẵn sàng, giờ chỉ chờ  người đủ duyên đồng hành. 

Theo anh Tuấn, trong chuyện mẹ kế, hay bố dượng hành hạ một đứa trẻ thì lỗi đầu tiên và lớn nhất là ở bố mẹ ruột. Họ chưa đặt con cái lên ưu tiên hàng đầu mà lại để con mình nằm ở vị trí "thế yếu" trong gia đình, trong mối quan hệ mới của bố mẹ. 

Vụ bé gái bị bạo hành: Không đi bước nữa vì ám ảnh cảnh mẹ kế, bố dượng - 2

Nhiều người sau khi hôn nhân tan vỡ, từ chối đi bước nữa để nuôi dạy con (Ảnh minh họa).

"Tôi không nói người đã qua một lần đò, có con rồi thì đừng đi bước nữa. Nhưng đã làm bố làm mẹ thì chúng ta phải có trách nhiệm với con. Cần tự hỏi mình đủ năng lực để bảo vệ con, để giúp con hạnh phúc trong gia đình mới không? Nếu không làm được thì tốt nhất hãy ở một mình để nuôi con", anh Tuấn nêu quan điểm. 

Theo anh, mẹ kế hay bố dượng sẽ nhìn mặt bố mẹ đẻ của đứa trẻ mà hành xử. Một đứa trẻ được bố mẹ yêu thương, nâng niu, quan tâm và ra sức bảo vệ kể cả khi họ đã ly hôn thì không dễ dàng bị bắt nạt. 

"Thương tui thì ráng chờ... con tui lớn" 

Sau những cuộc hôn nhân tan vỡ, thông thường, người mẹ sẽ tiếp tục nuôi dưỡng con trẻ. Trên hành trình này, không ít phụ nữ chọn hướng gác tình cảm riêng, sống một mình để nuôi dạy con... 

16 năm một mình nuôi hai con sau khi ly hôn với chồng, cô Nguyễn Thị Hà, 48 tuổi, làm việc tại một bệnh viện ở TPHCM kể, trước đây và cả hiện tại vẫn có những người đàn ông theo đuổi mình. 

Nhận được nhiều lời tỏ tình, hứa hẹn, cô đều nói: "Các anh mà thương tui thật lòng thì ráng chờ tui... sau 50 tuổi nghen. Khi đó, hai con tôi đều đã đi làm hoặc đã lập gia đình cả rồi, chúng ta không vướng bận gì nữa". 

Hai con đều là con gái, cô Hà hiểu rõ, nếu mẹ đi bước nữa, các con sống cùng bố dượng trong một nhà sẽ vô cùng phức tạp. Những sự việc đau lòng về cảnh bố dượng con riêng làm cô Hà ám ảnh và cô xác định, không muốn cuộc đời mình và các con rơi vào những bi kịch không lối thoát. 

Một mình nuôi con, vừa làm bố vừa làm mẹ, cô Hà bày tỏ, làm mẹ đơn thân cực kỳ vất vả và áp lực. Khó khăn từ miếng cơm manh áo, có khi ba mẹ con chia nhau ổ bánh mỳ, áp lực về thời gian cho đến thách thức về tâm lý, phải vững vàng để nuôi dạy con. Nhưng rồi thời gian cũng trôi qua, các con ngày càng trưởng thành, an toàn trong vòng tay của mẹ... 

Từ trải nghiệm bản thân, cô Hà bày tỏ mong muốn, các ông bố bà mẹ cân nhắc kỹ trước quyết định ly hôn cũng như việc đi bước nữa.

Nếu buộc phải đi đến quyết định chia tay, hai bên hãy đặt lợi ích của con trẻ lên hàng đầu, đừng giành nuôi con chỉ vì tự ái khi bản thân không đủ năng lực, trách nhiệm.

Trước hết, người làm cha làm mẹ cần tạo điều kiện cho nhau cùng nuôi dạy, qua lại, thăm nom con, để người kia tiếp xúc con thường xuyên... Nếu không được tạo điều kiện thì cha/mẹ cũng phải làm mọi cách, tìm mọi chỗ để qua lại thăm con, nắm tình hình của con. Đó là quyền lợi trẻ và cũng là cách bảo vệ bảo vệ đứa trẻ dù bố/mẹ đi bước nữa hay chưa. 

Trên thực tế, nhiều vụ việc trẻ bị bố dượng, mẹ kế bạo hành, ngược đãi trong hoàn cảnh các em không được tiếp xúc, qua lại với mẹ ruột, bố ruột trong thời gian dài. Họ chỉ biết con bị bạo hành khi sự việc đã rồi...

Như trường hợp bé gái 8 tuổi chết vì nghi bị bạo hành kể trên, đã gần một năm qua em không được gặp mẹ.