DMagazine

Tiết lộ trợ lý Tổng thống Mỹ uống mắm bằng ly, "phát sốt" vì bánh trôi Việt

(Dân trí) - "Tôi ấn tượng nhất là những bữa ăn ngoài trời, tại sân sứ quán, quạt than nướng chả khói nghi ngút như ở Việt Nam, trợ lý Tổng thống Mỹ uống mắm bằng cốc, có khách xin suất bún chả mang về cho vợ…".

LỜI TÒA SOẠN

Đại sứ Palestine tại Việt Nam Saadi Salama từng nêu nhận xét, ông chưa từng thấy ở nơi đâu người phụ nữ lại có vai trò đặc biệt như tại Việt Nam. Người vợ, người mẹ là trung tâm trong mỗi gia đình - những tế bào hạt nhân của xã hội. Họ là người kết nối, vận hành tất cả các hoạt động, từ chăm sóc, nuôi dạy con cái tới quản lý kinh tế gia đình, lo đối nội, đối ngoại, dù thường giữ vị trí phía sau, lặng lẽ lùi lại, làm "hậu phương" cho người đàn ông của mình thỏa sức vẫy vùng, chăm lo sự nghiệp.

Ghi nhận, tôn vinh đóng góp của những người phụ nữ lặng lẽ đứng sau những người chồng thành đạt, nổi tiếng như thế, Dân trí thực hiện loạt bài ghi lại những hình ảnh, câu chuyện "hậu trường" về những người phụ nữ đúng chuẩn "phúc đức tại mẫu" trong gia đình Việt.

"Tôi ấn tượng nhất là những bữa ăn ngoài trời, tại sân sứ quán, quạt than nướng chả khói nghi ngút như ở Việt Nam, trợ lý Tổng thống Mỹ uống mắm, có khách xin suất bún chả mang về cho vợ…".

Đó là những chia sẻ của bà Hoàng Bích Liên - phu nhân của nguyên Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Mỹ Phạm Quang Vinh. Ông Vinh là một nhà ngoại giao cao cấp, là vị Đại sứ có nhiều ảnh hưởng xuyên suốt hai nhiệm kỳ của Tổng thống Mỹ Barack Obama và Donald Trump trong quan hệ đối ngoại với Việt Nam.

Chúng tôi gặp phu nhân của Đại sứ Phạm Quang Vinh trong buổi chiều cuối năm 2021, khi bà đang bận rộn nhiều việc và cùng gia đình chuẩn bị đón năm mới. Trong không gian nhiều ánh đèn vàng ấm áp của tư gia, bà Liên diện trang phục giản dị đúng như tính cách của mình và khoác thêm chiếc khăn mỏng thêu họa tiết mà bà thích nhất. Phu nhân Đại sứ cho biết chưa lên báo bao giờ, bà hay sốt ruột và ngại "màu mè".

Tiết lộ trợ lý Tổng thống Mỹ uống mắm bằng ly, phát sốt vì bánh trôi Việt - 1

Đại sứ Phạm Quang Vinh là nhà ngoại giao cao cấp, ông từng đảm nhiệm nhiều vai trò quan trọng trong ngành đối ngoại và trên các diễn đàn quốc tế. Tuy nhiên, là phu nhân của một Đại sứ nổi tiếng, dường như bà lại rất lặng lẽ và hiếm khi xuất hiện nên nhiều người rất tò mò. Điều đó là vì tính cách cá nhân hay vai trò của một phu nhân Đại sứ cần thể hiện như vậy, thưa bà?

- Tuy không phải là con nhà nòi nhưng ngoại giao đối với tôi cũng không có gì xa lạ, đây là ngành tôi rất yêu thích. Tôi được đào tạo cơ bản từ gốc về ngoại giao. Tôi tốt nghiệp Luật công pháp quốc tế ở Liên bang Nga, sau đó có 3 năm được đào tạo thêm tại trường Học viện Ngoại thương cao cấp của nước này. Khi về Bộ Ngoại giao Việt Nam làm việc, tôi làm ở Vụ vấn đề chung, nay gọi là Vụ các tổ chức quốc tế. Công việc đầu tiên là làm về nhân quyền và theo đuổi lĩnh vực công tác này trong nhiều năm.

Cả hai vợ chồng tôi đều là thế hệ đầu trong gia đình làm việc ở lĩnh vực ngoại giao và cũng đã ngót nghét 40 năm trong ngành. Vợ chồng cùng đơn vị, làm về Liên Hợp Quốc, nhưng mỗi người một mảng rồi nên duyên, kiểu "trước là đồng chí, anh em, sau là vợ chồng"; cũng đã đi nhiệm kỳ ở New York, Bangkok và vừa rồi là Washington D.C.

Trước kia người làm ngoại giao, nhất là nữ, rất khó khăn, vất vả. Thời đó đi nhiệm kỳ, đi công tác, thường là chỉ đi một mình, không được đưa gia đình đi như bây giờ, vì thế mỗi người một nơi. Có chuyến công tác kéo dài 6-7 tuần, người ở nhà phải có nhiệm vụ chăm sóc, đưa đón con cái đi học. Mình đi công tác thì cũng phải chuẩn bị cho bố con ở nhà thức ăn đầy tủ lạnh, hàng ngày tìm cách gọi về, xem bố con nấu ăn, lo cho nhau ra sao, dù vẫn biết anh ấy rất chăm con. Có lần gọi về, thấy hai bố con khoe đang ngồi quán mà là quán bia hơi, bố cốc bia, còn con lon coca-cola, nhậu với lạc rang cả vỏ.

Tiết lộ trợ lý Tổng thống Mỹ uống mắm bằng ly, phát sốt vì bánh trôi Việt - 3

Khi chồng trở thành Đại sứ, đặc biệt là Đại sứ tại Mỹ, tôi biết những gì cần làm để hỗ trợ, âm thầm thôi, về nội bộ cũng như đối ngoại, chỉ khi nào thấy cần thiết thì mới xuất hiện. Cái này nó có nguyên tắc của đối ngoại, của lễ tân. Thông thường, khi phu nhân cùng Đại sứ xuất hiện đón khách, dự tiệc, hay giới thiệu ẩm thực với khách thì khi đó thường là hoạt động hoặc rất trọng thị, hoặc rất đặc biệt, thân tình. Mình phải nắm được cái ý nhị đặc biệt đó để thể hiện, góp phần nâng thêm tầm của hoạt động. Như vậy là mình phải chăm chút cả phần hậu cần phía sau, cũng như hỗ trợ mặt tiền đối ngoại là vậy.

Mỗi khi có yêu cầu cùng dự như vậy, tôi sẽ phải hỏi chồng rất kỹ về khách, không chỉ là chức vụ, mà còn về hình thức, mức độ, không khí buổi tiếp. Chồng tôi luôn muốn trọng thị nhưng phải tinh tế, thân tình, cởi mở, mỗi khi mời khách đến nhà đại sứ. Mình phải góp vào cái đó.

Thế đó, việc xuất hiện hay không cũng là một nguyên tắc trong đối ngoại, mỗi người sẽ tự đánh giá, tự cảm nhận để thực hiện. Là phu nhân Đại sứ ở các nước lớn như Mỹ thì điều này càng chặt chẽ. Thực ra có người thì thích đi ra bên ngoài để hoạt động cùng chồng, nhưng có người thì lại cho rằng ở phía sau để hỗ trợ thì có tác dụng hơn. Tôi là túyp người thứ 2, tôi thích lặng lẽ đứng ở phía sau chồng và khi thật cần thiết mới xuất hiện. 

Tiết lộ trợ lý Tổng thống Mỹ uống mắm bằng ly, phát sốt vì bánh trôi Việt - 5

Là phu nhân của Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Mỹ - nơi một siêu cường của thế giới thể hiện sức mạnh toàn diện về kinh tế, chính trị, ngoại giao… Bà có cảm thấy áp lực để thích nghi với vai trò mới, cuộc sống mới, đặc biệt là hỗ trợ chồng trong công việc là Trưởng cơ quan đại diện Việt Nam tại Mỹ?

- Thực tế, trong ngành ngoại giao khi được cử đi làm Đại sứ là niềm mơ ước và vinh dự lớn, nhất là Đại sứ ở một nước lớn, ở Mỹ. Vì vậy, khi chồng được duyệt đi Đại sứ ở Mỹ, chắc chắn tôi rất tự hào. 

Thời điểm được duyệt đi Đại sứ tại Mỹ là lúc anh Vinh đang là Thứ trưởng, lại vừa là Trưởng SOM ASEAN, đến 7-8 năm liên tục, thế cũng là lâu và có thể coi là kỷ lục rồi. Làm việc, nhất là khi làm về ASEAN anh ấy say mê lắm, nói rằng đó là lợi ích, vận hội quốc gia. Anh em hay kể, mỗi lần đi họp ASEAN với anh Vinh là lại thấy anh ấy lao vào công việc như bị thôi miên. Tôi hiểu chồng mình, khi đam mê công việc thì bất kể giờ giấc, có khi quên cả ăn uống, lại thêm cái thức đêm và kèm tật rất xấu là hút thuốc lá, cứ làm gì, nghĩ gì thì lại đốt thuốc nhiều hơn nên ảnh hưởng tới sức khỏe. Vì thế, tôi cũng muốn kéo chồng ra khỏi cái vòng công việc SOM ASEAN này và hy vọng khi đảm nhiệm vị trí mới ở Washington D.C, Mỹ sẽ thay đổi môi trường, cân bằng công việc và cuộc sống hơn. Thêm nữa, khi đó có mình đi cùng và luôn ở bên thì sẽ có điều kiện quan tâm chăm sóc và cả "giám sát" nữa.

Tiết lộ trợ lý Tổng thống Mỹ uống mắm bằng ly, phát sốt vì bánh trôi Việt - 7

Thực ra Mỹ không phải là nơi đất lạ với tôi vì trước đó tôi đã đi 2 nhiệm kỳ, chỉ có lần này trở lại với vai trò là phu nhân Đại sứ thì cái khác chính là ở tâm thế. Còn nhìn chung, tôi hiểu việc và làm chủ được, không bị áp lực hay lúng túng gì, thích nghi cũng nhanh thôi.

Việc với phu nhân đại sứ ở Washington D.C cũng nhiều thứ lắm, có những hoạt động chính thức với chồng, có khi dự các tiếp tân của Tổng thống, các bộ trưởng hay các nhân vật trọng yếu khác. Rồi cũng có các hội đoàn sở tại hay mời các phu nhân đại sứ tham gia, như về từ thiện, văn hóa, giáo dục. Cùng đó là hội phu nhân đại sứ các nước ASEAN tại Mỹ cũng nhiều việc, gặp nhau thường xuyên, có khi là tổ chức hội chợ để quyên góp từ thiện, có khi chỉ là gặp gỡ, giao lưu. Tôi cũng đã từng hướng dẫn các bạn ấy chuẩn bị và cuốn nem, nấu một số món ăn Việt và cũng học lại từ họ, rất thân thiết.

Tiết lộ trợ lý Tổng thống Mỹ uống mắm bằng ly, phát sốt vì bánh trôi Việt - 9

Khi chồng là Trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, ngoài đối ngoại thì bản thân tôi phải xác định là phu nhân Đại sứ cũng đồng nghĩa với vai trò chị cả, cũng góp vào chăm lo cái chung của anh chị em mình. Cái gì làm tốt thêm được thì hãy làm, đừng ngược lại, làm khó mọi người, đơn giản vậy thôi. Như thế sẽ đóng góp tốt cho công việc của chồng, hỗ trợ chồng để gắn kết anh em. Ở sứ quán có mấy chục gia đình, trong giới các chị em thì tôi là một trong những người lớn tuổi nhất, vậy nên tôi luôn xem mình là người chị cả cả về nghĩa đen và nghĩa bóng, bởi thế cũng phải chú ý giữ gìn, nỗ lực, làm gương, để làm sao cho các em nhìn theo.

Tất cả phu nhân của Đại sứ các nước ASEAN tại Mỹ tôi đều hướng dẫn cuốn nem, nấu món ăn Việt. Phu nhân Mỹ thì họ không quan tâm nhiều về việc nấu nướng, họ quan tâm tới cách thưởng thức trong những bữa tiệc, đặc biệt là tiệc ngoài trời và đó cũng là không gian thoải mái cho những cuộc tiếp xúc giữa các phu nhân, cơ hội thăm hỏi thân thiết hơn. 

Tiết lộ trợ lý Tổng thống Mỹ uống mắm bằng ly, phát sốt vì bánh trôi Việt - 11

Khi còn là Đại sứ Việt Nam tại Mỹ, được biết ông Vinh có nhiều bạn bè trong chính quyền Tổng thống Barack Obama và Donald Trump. Ông Vinh thường có những cuộc hẹn với giới chính khách nước bạn sau giờ làm tại nhà riêng, lúc thì báo đột xuất, khi thì có hẳn kế hoạch chiêu đãi?

- Chồng tôi có những mối quan hệ bạn bè ở Mỹ khá rộng, có những người vẫn giữ từ hai nhiệm kỳ trước đó khi ở New York, rồi khi làm về ASEAN, lại cũng nhanh chóng có thêm rất nhiều bạn bè mới trong và ngoài chính quyền ở Mỹ, vì thế công việc bận nhưng cũng rất thuận lợi. Trở lại chuyện phu nhân Đại sứ, thực ra cũng rất nhiều việc, như các hoạt động của sở tại hay hội các phu nhân Đại sứ ASEAN.

Washington D.C là nơi bận rộn và năng động. Việc của Đại sứ ta cũng vậy, rất nhiều, dồn dập, đặc biệt là thường xuyên gặp gỡ và tiếp bạn bè thân quen tại nhà riêng, ấm cúng và thân tình. Khách đến từ nhiều lĩnh vực, có cả các nghị sĩ, các quan chức làm việc cho Nhà Trắng, Bộ Ngoại giao hay Bộ Quốc phòng Mỹ. Vì cái ấm cúng đó nên họ rất thích đến nhà R (nhà riêng của Đại sứ - PV). Họ vì là bạn, là thân tình nên mới đến nhà mình, thế thì mình cần phải trân trọng đón nhận và ứng xử cho xứng với điều đó chứ.

Tiết lộ trợ lý Tổng thống Mỹ uống mắm bằng ly, phát sốt vì bánh trôi Việt - 13

Người Việt có câu "miếng trầu là đầu câu chuyện", vì vậy khi có khách đến thì cũng phải thịnh tình. Rất may là tôi có sở thích và cũng nấu ăn tốt, nên đó là cái thuận để mình thể hiện, cũng là giới thiệu ẩm thực, văn hóa nước mình mỗi khi tiếp đãi bạn bè của chồng.

Ở sứ quán cũng có bếp trưởng nấu giỏi lắm, nhất là món Âu. Nhưng mình giới thiệu với bạn bè Mỹ thì phải chú trọng món Việt, món truyền thống, đặc trưng của nước mình, rồi còn phải để ý cái tinh tế với từng hoạt động với mỗi dịp bạn bè. Cũng phải chạy theo phong cách tiếp khách rất riêng của chồng mình, trọng thị nhưng thân tình, cởi mở bạn bè, mình phải hỗ trợ cả cái phần mang tính bản sắc đó. Đó chính là lý do mà tôi càng cần và thích vào bếp để nấu nướng.

Cũng có khi, chồng tôi tiếp rất đơn giản, gọi về chỉ báo: "Chiều cuối giờ làm có mấy bạn Mỹ qua nhậu chút rồi về, nhưng có việc cần trao đổi rất quan trọng. Em cùng mấy anh chị em chuẩn bị ngay nhé!". Đấy là cái tinh thần chốt của buổi gặp, mình nghĩ sao cho hợp cũng không dễ. Thường là có đồ ăn nhẹ, nhưng cũng phải có nem và bát phở nhỏ cho ấm lòng chứ.

Tiết lộ trợ lý Tổng thống Mỹ uống mắm bằng ly, phát sốt vì bánh trôi Việt - 15

Chồng tôi gọi là mấy bạn qua nhậu nhưng thường đó là việc gấp, cũng là các quan chức to ở Hội đồng an ninh quốc gia, Bộ Ngoại giao hay Bộ Quốc phòng Mỹ. Như vậy là phải chuẩn bị rất nhanh nhưng vẫn phải tinh và tránh trùng lặp. Chồng tôi được các bạn quý nên thường hay mời về nhà như vậy, sau giờ làm, vừa trò chuyện vừa công việc, cùng ít đồ nhắm, khoảng từ 17h30 đến 19h gì đó. Sau ai về nhà nấy, vẫn cơm gia đình. Có hôm, tôi thấy chồng mình và mấy bạn cười vang nhà cả buổi, vậy mà khi kết thúc chỉ nói lại với mình là thở phào vì việc xong rồi. Mình đoán, chắc phải là cái gì đó quan trọng lắm.

Tôi đã từng nghe truyền tai là khi nhà có khách thì phu nhân Đại sứ thường trực tiếp đi chợ, trực tiếp vào bếp chuẩn bị những món "tủ" khiến giới chức ngoại giao Mỹ phải trầm trồ khen. Thực ra trong "mâm cơm ngoại giao" của bà có những món gì vậy?

- Đúng vậy. Tôi cũng làm được nhiều món Việt, nhưng khi ra nước ngoài công tác thì cũng phải gia giảm thế nào để vừa giữ cái truyền thống, vừa hợp khẩu vị của khách là bạn bè Mỹ. Cũng có mấy món "tủ" mà các bạn rất thích. Ví dụ như xôi, tôi có thể làm 5-6 loại xôi; rồi phở, bún chả, các loại nộm, ghém. Đặc biệt nem rán là món ăn không thể thiếu trong các bữa tiệc hay tiếp tân, chiêu đãi. Mùa hè có thêm món nem cuốn, phở cuốn.

Tiết lộ trợ lý Tổng thống Mỹ uống mắm bằng ly, phát sốt vì bánh trôi Việt - 17

Đại sứ có lúc chiêu đãi thịnh soạn, mời bạn bè và có cả vợ chồng đi cùng, lên lịch từ trước cả đôi ba tuần - cái mà mình hay gọi là tiệc có thắp nến. Khi đó, thực đơn, đồ uống, trang trí, lễ tân đều phải chuẩn bị rất kỹ. Khi đó mình cũng phải lên đồ và dự tiệc, nhưng cũng vẫn phải quán xuyến chung các khâu. Cũng có khi, như nói ở trên, chồng tôi từ văn phòng gọi về nhắn: "Lát nữa hết giờ, có mấy bạn Mỹ "tạt qua nhà" có chút việc, nhưng cũng phải có gì nhậu em nhé". Làm gì cho nhanh, nhưng vẫn phải có nem rán, vậy là tôi và vài chị em trong sứ quán xúm vào chuẩn bị, cuốn nem; cũng phải có chút gì nóng nên khi phở, khi súp, có khi khao cả bún thang, bún mọc.

Bạn bè họ rất thích. Như món bún chả chẳng hạn, họ rất khen và cũng thân đến mức có người còn muốn mang một ít về giới thiệu ở nhà. Vậy là, với một số bạn mình quen cả gia đình và nhiều dịp sau tiệc lại có phần chuẩn bị thêm để gửi về nên càng thân tình và họ càng quý.

Những tiếp tân thân tình như vậy chúng tôi đều tự làm hết, từ lên thực đơn, đi chợ, chuẩn bị, ướp gia vị và nấu nướng, đến bày đặt, trang trí. Cũng có khi cỗ bàn rất đông, như dịp Tết với cộng đồng, bà con, anh chị em sứ quán (mà chủ lực là chị em) cuốn và rán tới cả nghìn cái nem, làm cả ngày lẫn đêm.

Tiết lộ trợ lý Tổng thống Mỹ uống mắm bằng ly, phát sốt vì bánh trôi Việt - 19

Tôi thường gọi đó là "mâm cơm ngoại giao" thuần Việt. Rất tinh tế, nhẹ nhàng, lại mang tính văn hóa.

Thường thì nói đến món ăn Việt, nem rán và phở là hai món khách biết đến nhiều và thích nhất. Ở Mỹ cũng có nhiều hàng ăn Việt, nhưng khi đã thưởng thức hai món ăn này tại sứ quán thì khách đều nói nem và phở ở nhà hàng không có được hương vị giống như ở nhà R. Vì vậy, mỗi khi làm ẩm thực đãi khách, mình đều phải chuẩn bị rất kỹ, tinh tế và cầu kỳ, làm sao để bạn bè nhớ và tạo được thương hiệu riêng.

Khi khách đến nhà rõ ràng bà có rất nhiều vai trò, là phu nhân Đại sứ, là chủ "nhà hàng" và là người nội trợ... Bà có thể chia sẻ những câu chuyện hậu trường tại nhà mình, khi đó bà phát huy các vai trò như thế nào?

- Đúng, đó là khi tiếp thân tình. Khách đến, phu nhân cùng Đại sứ ra đón, chào hỏi. Mình cũng quen nhiều bạn của chồng. Còn khi khách đã ngồi xuống trao đổi công việc và dùng bữa, thì mình bao quát chung, "đảo qua, đảo lại" để cho buổi tiếp được chu đáo nhất.

Tiết lộ trợ lý Tổng thống Mỹ uống mắm bằng ly, phát sốt vì bánh trôi Việt - 21

Cũng muốn nói thêm tính cách của Đại sứ là luôn muốn một người lạ đến nhà rồi sẽ thành người thân, thân rồi thì thân nữa, dù khách mời đến nhà cũng là chọn lọc. Mình biết cái ẩn ý đó mà chuẩn bị, ứng xử, đôi lúc xuất hiện để hỏi thăm khách, cũng không câu nệ, vì cái chính là vun vào không khí đầm ấm của buổi tiếp. Khó nhất là làm sao phù hợp với khẩu vị của từng vị khách và không bị trùng lặp, mình phải tìm hiểu, phải nhớ và lưu lại.

Có những bữa tiệc nướng ngoài trời rất thú vị và ấn tượng. Tôi vẫn nhớ cảnh quạt than, nướng chả, khói cay cay, khách đợi và chọn món nướng. Có lần, hình như là vào đầu năm 2017, Đại sứ mời nhiều bạn bè của chính quyền Tổng thống mới thắng cử Donald Trump. Có một vị trợ lý bầu cử của ông Trump cũng đến dự, vị này không uống rượu nhưng lại rất thích nước chấm bún chả, thế là cho luôn nước chấm đó vào ly rượu để đi chúc mọi người. Tôi có nhắc cái này làm khát nước lắm đấy, sau tiệc có khi phải cần cả bình lớn nước lọc để "giải khát", nhưng vị đó bảo ngon thì cứ uống đã. Buồn cười mà vui!

Tiết lộ trợ lý Tổng thống Mỹ uống mắm bằng ly, phát sốt vì bánh trôi Việt - 23

Như bà nói là mọi ứng xử của phu nhân Đại sứ phải rất phù hợp. Ứng xử trong đối ngoại là nguyên tắc cơ bản bà đã quen thuộc, trong ẩm thực phu nhân Đại sứ luôn biết cách "sáng tác" ra các món ăn ngon và thuần túy quê hương để "mâm cơm ngoại giao" Việt - Mỹ luôn được hưởng ứng nhiệt tình, khiến cho các cuộc tiếp xúc đối ngoại hiệu quả hơn?

- Tôi nhớ một lần tiếp trợ lý và phó trợ lý Ngoại trưởng Mỹ. Khi lên thực đơn, tôi muốn món tráng miệng phải có gì lạ và đặc biệt, vậy là chọn làm bánh trôi nước. Các vị khách đều rất mê. Sau đó, anh chị em có kể lại, có lần mời khách Bộ Ngoại giao Mỹ ở nhà hàng, họ cũng yêu cầu món tráng miệng bằng loại bánh gì đó mới được mời ở nhà R, thực ra là bánh trôi nước. Cán bộ sứ quán ta không rõ, đành gọi điện về hỏi: "Chị ơi loại bánh chị mời mới đây là bánh gì mà mấy bạn người Mỹ đang yêu cầu đây này". Khi biết là bánh trôi nước thì đương nhiên nhà hàng không có, đành phải trả lời: "Bánh đó do phu nhân Đại sứ làm, chỉ nhà R mới có…".  Hay như món sa-lát, cũng phải tính làm nhiều loại, có cái phải tự làm lấy nước sốt, kết hợp tây - ta mà tôi tự đặt tên gọi là sa-lát Đông Tây, vừa thanh mát, lại có thêm hương vị Việt.

Tiết lộ trợ lý Tổng thống Mỹ uống mắm bằng ly, phát sốt vì bánh trôi Việt - 25

Hậu phương vững chắc thì tiền tuyến mới vững vàng. Bà đã hi sinh thầm lặng trong cuộc sống, đã đồng hành và xây dựng sự nghiệp cùng chồng suốt mấy chục năm cho tới lúc kết thúc nhiệm kỳ Đại sứ. Hỏi thật, lúc ông Vinh nghỉ hưu bà thấy vui hay buồn, cuộc sống thường ngày của gia đình Đại sứ hiện giờ như thế nào?

- Khi kết thúc nhiệm kỳ Đại sứ tại Mỹ, Nhà Trắng đã tổ chức tiệc chia tay và có những đánh giá rất cao về vai trò Đại sứ của chồng tôi. Anh em ở sứ quán cũng ghi nhận, coi đó là một giai đoạn đáng ghi nhớ cả về công việc cũng như không khí đầm ấm gia đình. Trở về nhà, chồng tôi chỉ nói gọn rằng "có công của em đấy nhé". Với tôi, thế là đủ, mãn nguyện và tự hào rồi.

Tiết lộ trợ lý Tổng thống Mỹ uống mắm bằng ly, phát sốt vì bánh trôi Việt - 27

Bạn hỏi về nghỉ hưu, tôi chỉ nghĩ cái đó là tất nhiên, ai đến tuổi cũng sẽ phải nghỉ, vậy thôi. Còn về chồng tôi, có lúc tôi cũng thầm lo vì khi đang làm thì lúc nào cũng say sưa, nhiệt huyết, ham việc lắm, vậy liệu đến lúc nghỉ thì sao đây, đột ngột dừng việc khi vẫn sung sức, liệu có bị trầm lắng hay ảnh hưởng tâm lý không... Nhưng, hình như anh ấy đã chuẩn bị trước hết rồi, rất thoải mái và nói nghỉ thì cứ chơi đã, mà chơi thật, cũng rất đam mê. Rồi bắt đầu các nơi mời hợp tác, tư vấn, trong nước có, ngoài nước có. Cũng hay đi dự các hội thảo, tọa đàm. Giờ thì lại được nhận thêm chức Chủ tịch Hội Việt - Mỹ, hay Phó Chủ tịch Ủy ban Hòa Bình Việt Nam. Nghỉ rồi mà thấy vẫn bận rộn, có khi còn hơn cả lúc đang công tác, thế là ổn.

Tôi vui vì chồng mình bắt nhịp nhanh chóng vào giai đoạn mới, khi đã nghỉ mà vẫn tiếp tục được làm điều mình đam mê, muốn cống hiến, hay chia sẻ lại kinh nghiệm tích lũy bao năm công tác với lớp trẻ trong và ngoài ngành ngoại giao… Đến nay, với tôi, vậy là đủ và thấy mãn nguyện rồi.

Cảm ơn bà về cuộc trò chuyện rất thú vị!

Tiết lộ trợ lý Tổng thống Mỹ uống mắm bằng ly, phát sốt vì bánh trôi Việt - 29

Nội dung: Châu Như Quỳnh

Ảnh: Hữu Nghị

Thiết kế: Thủy Tiên