Thêm một địa chỉ "nhà tạm lánh" hỗ trợ nạn nhân bạo lực giới

Thanh Tùng

(Dân trí) - Sau Quảng Ninh, mô hình Trung tâm dịch vụ một cửa hỗ trợ người bị bạo lực trên cơ sở giới - "Ngôi nhà Ánh Dương" thứ hai tại Việt Nam vừa chính thức được đưa vào khai thác tại tỉnh Thanh Hóa.

2 trong số 3 phụ nữ ít nhất một lần bị bạo lực

Sáng ngày 21/1, Bộ LĐ-TB&XH phối hợp với Quỹ dân số Liên hợp quốc (UNFPA) tại Việt Nam, UBND tỉnh, Sở LĐ-TB&XH Thanh Hóa vừa tổ chức lễ ra mắt Trung tâm dịch vụ một cửa hỗ trợ người bị bạo lực trên cơ sở giới - "Ngôi nhà Ánh Dương Thanh Hóa". 

Đây là những nỗ lực trong khuôn khổ hợp tác giữa Bộ LĐ-TB&XH và Quỹ dân số Liên hợp quốc (UNFPA) tại Việt Nam nhằm giảm thiểu bạo lực trên cơ sở giới, đặc biệt là bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái thuộc dự án "Giảm nhẹ tác động của Covid-19 đến nhóm dân số dễ bị tổn thương cũng như bảo đảm tiến độ thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững tại Việt Nam" do Chính phủ Nhật Bản tài trợ.

Thêm một địa chỉ nhà tạm lánh hỗ trợ nạn nhân bạo lực giới - 1

Lễ cắt băng khánh thành Trung tâm dịch vụ một cửa hỗ trợ người bị bạo lực trên cơ sở giới - Ngôi nhà Ánh Dương tại Thanh Hóa (Ảnh CTV).

Ngôi nhà Ánh Dương là trung tâm dịch vụ một cửa cung cấp các dịch vụ tích hợp, thiết yếu và toàn diện cho người bị bạo lực trên cơ sở giới, bao gồm các dịch vụ y tế, xã hội, tư pháp và bảo vệ.

Trước đó, Ngôi nhà Ánh Dương đầu tiên được thành lập tại tỉnh Quảng Ninh vào tháng 4/2020. Kể từ khi đi vào hoạt động, Ngôi nhà Ánh Dương này đã trở thành nơi tạm lánh an toàn cho hơn 300 phụ nữ và trẻ em là nạn nhân của bạo lực trên cơ sở giới, mỗi tháng tiếp nhận hơn 1.000 cuộc gọi qua đường dây nóng miễn phí.

Ngôi nhà Ánh Dương Thanh Hóa được nhân rộng từ mô hình Ngôi nhà Ánh Dương Quảng Ninh. Theo kế hoạch, mô hình sẽ tiếp tục được nhân rộng tại TPHCM và Đà Nẵng trong quý 1 năm 2022, với sự tài trợ của Chính phủ Nhật Bản.

Kết quả điều tra quốc gia về bạo lực đối với phụ nữ ở Việt Nam năm 2019 cho thấy, gần 2 trong số 3 phụ nữ Việt Nam (62,9%) đã trải qua ít nhất một trong các hình thức bạo lực về thể chất, bạo lực tình dục, bạo lực tâm lý hoặc bạo lực kinh tế trong cuộc đời.

Trong đó, một nửa số phụ nữ từng bị bạo lực về thể chất hoặc bạo lực tình dục không kể cho bất cứ ai về tình trạng của họ và khoảng 90,4% các nạn nhân đã không tìm kiếm bất kỳ sự trợ giúp nào. Do vậy, bạo lực đối với phụ nữ vẫn là vấn đề bị giấu kín trong xã hội Việt Nam.

Đặc biệt, trong bối cảnh Covid-19, tình trạng bạo lực đối với phụ nữ càng trở nên trầm trọng trên toàn cầu và Việt Nam không phải ngoại lệ.

Thêm một địa chỉ nhà tạm lánh hỗ trợ nạn nhân bạo lực giới - 2

Lễ ký bàn giao Ngôi nhà Ánh Dương Thanh Hóa giữa bà Naomi Kitahara, Trưởng Đại diện UNFPA tại Việt Nam và ông Trương Hải Dương, Giám đốc Trung tâm cung cấp dịch vụ Công tác xã hội tỉnh Thanh Hóa (Ảnh: CTV).

Tại Thanh Hóa, Ngôi nhà Ánh Dương đã thiết lập đường dây nóng miễn phí 18001744 hoạt động 24/7 để tiếp nhận, tư vấn tâm lý, kết nối các nguồn lực hỗ trợ cho người bị bạo lực trên cơ sở giới.

Phương thức tiếp cận mới hỗ trợ nạn nhân bạo lực giới

Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thị Hà nhấn mạnh, Ngôi nhà Ánh Dương là mô hình được vận hành theo tiêu chuẩn quốc tế và cung cấp các dịch vụ thích hợp, thiết yếu, toàn diện để hỗ trợ cho người bị bạo lực.

"Ngôi nhà Ánh Dương đóng vai trò quan trọng không chỉ hỗ trợ người bị bạo lực mà còn tăng cường sự tham gia, trách nhiệm và sự phối hợp giữa các ban, ngành và các tổ chức liên quan trong việc giải quyết vấn đề bạo lực trên cơ sở giới một cách chuyên nghiệp và thân thiện, thông qua việc áp dụng phương pháp tiếp cận lấy người bị bạo lực làm trung tâm", thứ trưởng Nguyễn Thị Hà khẳng định.

Theo thứ trưởng Nguyễn Thị Hà, việc xây dựng và vận hành thí điểm mô hình Trung tâm dịch vụ một cửa hỗ trợ người bị bạo lực trên cơ sở giới theo tiêu chuẩn quốc tế sẽ là cơ sở để các cơ quan chức năng liên quan của Việt Nam nghiên cứu, tham mưu xây dựng văn bản quy định tiêu chuẩn áp dụng thống nhất đối với các đơn vị cung cấp dịch vụ hỗ trợ người bị bạo lực.

Thêm một địa chỉ nhà tạm lánh hỗ trợ nạn nhân bạo lực giới - 3

Tại Thanh Hóa, Ngôi nhà Ánh Dương đã thiết lập đường dây nóng miễn phí 18001744 hoạt động 24/7 để tiếp nhận, tư vấn tâm lý, kết nối các nguồn lực hỗ trợ cho người bị bạo lực trên cơ sở giới (Ảnh: CTV).

Cũng tại buổi lễ, bà Naomi Kitahara, Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam, cho biết tổ chức này vinh dự đóng góp vào nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong việc ngăn chặn bạo lực trên cơ sở giới đối với phụ nữ và trẻ em gái.

"Chấm dứt bạo lực trên cơ sở giới và các thực hành có hại với phụ nữ và trẻ em gái là một trong ba đầu ra chuyển đổi trong Kế hoạch chiến lược của UNFPA toàn cầu. Tại Việt Nam, UNFPA đã đồng hành với Chính phủ Việt Nam, đặc biệt là Bộ LĐ-TB&XH, trên hành trình chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái.

Việc thành lập Trung tâm dịch vụ một cửa tại Thanh Hóa là một trong những kết quả từ sự hợp tác này nhằm đảm bảo rằng tất cả phụ nữ và trẻ em gái ở Việt Nam, bao gồm những người dễ bị tổn thương nhất, có quyền được sống một cuộc sống không có bạo lực và không bị tổn hại về nhân phẩm", Trưởng đại diện UNFPA nhấn mạnh.

Để đảm bảo cho việc vận hành Ngôi nhà Ánh Dương Thanh Hóa một cách hiệu quả, hơn 500 cán bộ làm quản lý nhà nước ở các lĩnh vực y tế, tư pháp, công an và đội ngũ nhân viên cung cấp dịch vụ của tỉnh Thanh Hóa đã được đào tạo kiến thức, kĩ năng cung cấp các dịch vụ hỗ trợ cho người bị bạo lực. Cơ chế phối hợp liên ngành phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới cũng được xây dựng nhằm đảm bảo hiệu quả trong việc cung cấp các dịch vụ tích hợp hỗ trợ người bị bạo lực trên cở sở giới tại Thanh Hóa.

Chính phủ Nhật Bản đánh giá cao UNFPA và Bộ LĐ-TB&XH vì những nỗ lực không mệt mỏi trong việc phòng ngừa và ứng phó với bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái tại Việt Nam, đặc biệt là trong bối cảnh đại dịch Covid-19. Thông qua tài trợ thành lập Ngôi nhà Ánh Dương tại Thanh Hóa, Chính phủ Nhật Bản rất vinh dự khi có thể góp phần giảm thiểu các tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 tại Việt Nam, đảm bảo rằng mỗi người dân Việt Nam đều là một phần trong quá trình phát triển bền vững của đất nước.