Bộ LĐ-TB&XH:

Tăng cường kiểm tra công tác phòng chống dịch tại các cơ sở xã hội phía Nam

(Dân trí) - Văn phòng Bộ LĐ-TB&XH tại TPHCM vừa đề nghị 19 Sở LĐ-TB&XH phía Nam báo cáo Tổ công tác đặc biệt của Bộ về công tác phòng dịch tại các cơ sở cai nghiện và trợ giúp xã hội.

Tăng cường kiểm tra công tác phòng chống dịch tại các cơ sở xã hội phía Nam - 1

Thứ trưởng Nguyễn Văn Hồi - Tổ trưởng Tổ công tác đặc biệt của Bộ đã yêu cầu các Sở LĐ-TB&XH của 19 tỉnh, thành phố phía Nam báo cáo về công tác lãnh đạo, chỉ đạo phòng, chống dịch Covid -19.

Ngày 25/7, Đại diện Văn phòng Bộ LĐ-TB&XH tại TPHCM đã phát công văn khẩn đề nghị Giám đốc Sở LĐTBXH của 19 tỉnh, thành phố phía Nam đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 khẩn trương báo cáo Tổ công tác đặc biệt của Bộ về tình hình phòng, chống dịch Covid 19 tại các cơ sở cai nghiện, cơ sở trợ giúp xã hội (gọi chung là cơ sở xã hội - CSXH).

Theo nội dung công văn khẩn, dịch Covid 19 đã xâm nhập, lây lan tại cơ sở cai nghiện ma túy Bố Lá (đóng tại huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương) và cơ sở xã hội khác.

Tăng cường kiểm tra công tác phòng chống dịch tại các cơ sở xã hội phía Nam - 2

Thứ trưởng Nguyễn Văn Hồi đã đến thăm và kiểm tra tình hình phòng chống dịch tại Trung tâm cai nghiện Bố Lá (xã Phước Hòa, huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương) (Ảnh Hữu Khoa). 

Trước tình hình trên, lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH đã đề nghị các Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tại 19 tỉnh, thành phía Nam đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 có giải pháp tăng cường chăm sóc, điều trị cán bộ, nhân viên và các đối tượng bị nhiễm Covid-19.

Cùng với đó, phối hợp với ngành công an và các Sở, ngành có liên quan tăng cường đảm bảo an ninh, an toàn tại các CSXH cũng được Bộ đặc biệt quan tâm.

Chiều 23/7, thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, Tổ công tác đặc biệt phòng, chống dịch Covid-19 của Bộ LĐ-TB&XH tại các tỉnh thành phía Nam, do Thứ trưởng Nguyễn Văn Hồi làm trưởng đoàn đã đến thăm và kiểm tra tình hình phòng chống dịch tại Trung tâm cai nghiện Bố Lá (xã Phước Hòa, huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương).

Tại đây, Thứ trưởng Nguyễn Văn Hồi đã động viên, chia sẻ đối với tập thể cán bộ nhân viên và học viên đang cai nghiện, đồng thời khẳng định Bộ luôn sẵn sàng chi viện về nhân lực, trang thiết bị y tế để chung sức chữa trị cho các bệnh nhân.

"Mặc dù đang bận họp Quốc Hội và chỉ đạo triển khai thực hiện Nghị quyết 68 của Chính phủ nhưng Bộ trưởng Đào Ngọc Dung luôn quan tâm đến công tác chăm lo, nuôi dưỡng đối với các đối tượng xã hội tại các CSXH với quan điểm phải đảm bảo an ninh, an toàn cho cán bộ, nhân viên và các đối tượng là trên hết", Thứ trưởng Nguyễn Văn Hồi nhấn mạnh.

Tăng cường kiểm tra công tác phòng chống dịch tại các cơ sở xã hội phía Nam - 3

Lấy mẫu xét nghiệm Covid-19.

Theo Thứ trưởng, Bộ Trưởng Đào Ngọc Dũng đã đồng ý với những đề xuất của Tổ công tác đặc biệt của Bộ về việc sẵn sàng điều động các y bác sĩ, trang thiết bị y tế từ các Bệnh viện thuộc Bộ LĐ-TB&XH để chi viện, điều trị cho các bệnh nhân tại các CSXH khi cần thiết. Hiện, Tổ công tác đang rà soát toàn bộ tình hình tại các CSXH trên phạm vi 19 tỉnh, thành phố.

Vừa qua, Bộ LĐ-TB&XH đã những văn bản yêu cầu các tỉnh, thành phố, đặc biệt 19 tỉnh, thành phía Nam tăng cường về công tác phòng chống dịch tại các cơ sở xã hội.

Cũng theo nội dung công văn, Tổ trưởng Tổ công tác đặc biệt đã yêu cầu các Sở LĐ-TB&XH của 19 tỉnh, thành phố phía Nam báo cáo về công tác lãnh đạo, chỉ đạo phòng, chống dịch Covid -19.

Báo cáo việc thực hiện chế độ, chính sách phòng chống dịch tại các cơ sở xã hội; số cơ sở, số cán bộ nhân viên, số đối tượng bị nhiễm và nguyên nhân bị nhiễm Covid -19, tình hình chữa trị các bệnh nhân Covid 19 và thực trạng đội ngũ nhân viên y tế, trang thiết bị y tế. Đồng thời, có những kiến nghị, đề xuất để được hỗ trợ những khó khăn đang gặp phải.

Sau khi có báo cáo từ 19 tỉnh thành, Tổ công tác đặc biệt sẽ báo cáo Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ, Bộ trưởng để tăng cường giải pháp hỗ trợ công tác phòng chống dịch tại các CSXH hiệu quả hơn.

Nghị quyết 68/NQ-CP hỗ trợ nhiều nhóm đối tượng

Theo Nghị quyết 68/NQ-CP có 12 nhóm chính sách hỗ trợ, gồm:

Chính sách giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

Chính sách tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất.

Chính sách hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho người lao động.

Chính sách hỗ trợ người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương.

Chính sách hỗ trợ người lao động ngừng việc.

Chính sách hỗ trợ người lao động chấm dứt hợp đồng lao động.

Chính sách hỗ trợ bổ sung và trẻ em.

Chính sách hỗ trợ tiền ăn đối với người phải điều trị nhiễm Covid-19 (F0).

Chính sách hỗ trợ một lần đối với hướng dẫn viên du lịch được cấp thẻ hành nghề hướng dẫn du lịch; đạo diễn nghệ thuật, diễn viên, họa sĩ giữ chức danh nghề nghiệp hạng IV trong các đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động nghệ thuật biểu diễn.

Chính sách hỗ trợ hộ kinh doanh.

Chính sách cho vay trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất.

Chính sách lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) và một số đối tượng đặc thù khác.