Sự khích lệ để hộ kinh doanh vực dậy sau khó khăn do Covid-19

Tiến Thành

(Dân trí) - Chính sách từ Nghị quyết 68 không chỉ hỗ trợ về tiền giữa lúc các cơ sở kinh doanh đang "ngụp lặn" trong khó khăn do đại dịch Covid-19, mà còn tạo sự khích lệ để vượt khó.

Nguồn động lực từ Nghị quyết 68

Dịch Covid-19 kéo dài thời gian qua đã khiến nhiều doanh nghiệp, hộ kinh doanh dịch vụ tại Quảng Bình lao đao, thậm chí có nguy cơ phải đóng cửa lâu dài. Trong đó có các cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, sân thể thao…

Là một cơ sở karaoke đã hoạt động ổn định và hút khách tại thị trấn Kiến Giang, huyện Lệ Thủy 15 năm qua. Thế nhưng vì Covid-19, gần 2 năm nay, cơ sở karaoke Chiến Thương đang rơi vào tình cảnh điêu đứng vì không thể hoạt động.

Sự khích lệ để hộ kinh doanh vực dậy sau khó khăn do Covid-19 - 1

Cơ sở karaoke Chiến Thương tại huyện Lệ Thủy đã phải đóng cửa vì dịch Covid-19 suốt thời gian dài.

Cơ sở phải đóng cửa để phòng, chống dịch Covid-19 theo quy định không chỉ khiến chủ lao đao. Hàng chục lao động từng làm việc tại quán karaoke này cũng mất luôn công việc từng mang lại thu nhập cho họ mỗi tháng trên 5 triệu đồng.

Giữa những khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra, anh Nguyễn Chiến, chủ cơ sở karaoke Chiến Thương vui mừng khi nhận thông báo được hỗ trợ theo Nghị quyết 68 của Chính phủ (NQ 68). Đây là một trong 28 cơ sở kinh doanh đầu tiên tại huyện Lệ Thủy đã được nhận hỗ trợ theo NQ 68 với số tiền 3 triệu đồng.

Theo anh Nguyễn Chiến, NQ 68 mang lại cho anh và các hộ kinh doanh không chỉ là sự hỗ trợ về vật chất mà còn là nguồn động viên lớn trong thời điểm dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp. Giúp anh thêm vững tin dịch bệnh sẽ được kiểm soát để khôi phục kinh doanh trở lại.

"Thực sự rất vui trước sự quan tâm, chia sẻ kịp thời của Chính phủ đối với các hộ kinh doanh như chúng tôi. Đây là nguồn động lực, niềm tin để chúng tôi khôi phục kinh doanh khi dịch đi qua", anh Nguyễn Chiến tâm sự.

Sự khích lệ để hộ kinh doanh vực dậy sau khó khăn do Covid-19 - 2

Anh Nguyễn Chiến được cán bộ Phòng LĐ-TB&XH huyện Lệ Thủy hướng dẫn làm thủ tục nhận chi trả hỗ trợ theo NQ 68.

Cũng như anh Nguyễn Chiến, cơ sở dịch vụ thể thao của gia đình chị Hoàng Thị Vân cũng là một trong những hộ kinh doanh đầu tiên tại Quảng Bình đã được nhận hỗ trợ theo NQ 68.

Theo chị Hoàng Thị Vân, trước đó chị đầu tư gần 1 tỷ đồng để mở  sân bóng đá nhân tạo phục vụ người chơi trên địa bàn và thu hút khá đông khách. Tuy nhiên chỉ mới hoạt động được một thời gian thì phải tạm dừng vì dịch và chưa kịp hoàn vốn. Khi được nhận tiền hỗ trợ theo chính sách từ NQ 68, bản thân chị Hoàng Thị Vân rất vui mừng.

"Đúng là "một miếng khi đói bằng một gói khi no", giữa lúc khó khăn vì dịch này, sự hỗ trợ 3 triệu đồng thực sự đáng quý, tôi rất vui và cảm ơn sự quan tâm kịp thời của Chính phủ. Tôi cũng đã hướng dẫn cho một số hộ kinh doanh làm thủ tục để sớm được nhận hỗ trợ. Với chúng tôi, giờ chỉ mong dịch sớm được đẩy lùi để mở cửa trở lại", chị Hoàng Thị Vân chia sẻ.

Bên cạnh sự hỗ trợ nói trên, các hộ kinh doanh, dịch vụ tại Quảng Bình cũng bày tỏ mong muốn khi đại dịch Covid-19 được kiểm soát, họ sẽ được các ban, ngành xem xét, tạo điều kiện để vay vốn phục hồi kinh doanh.

Linh hoạt để rà soát, chi trả hỗ trợ kịp thời 

Quảng Bình hiện đang trong thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, hàng chục ca mắc Covid-19 mới mỗi ngày. Nhiều địa phương đã phải thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ.

Trước tình hình đó, Phòng LĐ-TB&XH các địa phương tại Quảng Bình đã khắc phục khó khăn, linh hoạt trong công tác rà soát cũng như chi trả. Từ đó các doanh nghiệp, người lao động chịu ảnh hưởng bởi Covid-19 sớm được hỗ trợ theo NQ 68, trong đó có các cơ sở kinh doanh dịch vụ.

Tại thành phố Đồng Hới, nơi có số lượng lao động cũng như cơ sở kinh doanh chịu ảnh hưởng bởi Covid-19 nhiều nhất tỉnh Quảng Bình. Phòng LĐ-TB&XH địa phương này cũng đang khẩn trương rà soát, tư vấn, hướng dẫn để chủ các cơ sở kinh doanh kịp thời làm hồ sơ để tổng hợp, gửi UBND tỉnh phê duyệt.

Sự khích lệ để hộ kinh doanh vực dậy sau khó khăn do Covid-19 - 3

Đến nay, Quảng Bình đã có 109 hộ kinh doanh, dịch vụ chịu ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 đã được chi trả hỗ trợ theo NQ 68.

Trao đổi với PV Dân trí, bà Hà Thị Ngân, Phó Phòng LĐ-TB&XH thành phố Đồng Hới thông tin, 8 cơ sở kinh doanh tại địa phương đã được chi trả hỗ trợ. Phòng cũng đang tiến hành làm thủ tục cho khoảng 24 đơn vị kinh doanh khác.

"Chúng tôi hiểu rõ những khó khăn của các đơn vị kinh doanh, người lao động, do vậy công tác rà soát, tổng hợp đều được triển khai khẩn trương. Số điện thoại cán bộ Phòng lao động cũng được thông báo để các doanh nghiệp, người lao động có thể gọi điện để được giải đáp thắc mắc về gói hỗ trợ theo NQ 68", bà Hà Thị Ngân cho biết.

Sự khích lệ để hộ kinh doanh vực dậy sau khó khăn do Covid-19 - 4

Đến nay, đã có trên 40 ngàn lao động tại Quảng Bình được hỗ trợ theo NQ 68. Trong đó hơn 30 ngàn lao động được giảm mức đóng Bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

Theo Sở LĐ-TB&XH Quảng Bình, đến nay địa phương này đã có 112 hộ kinh doanh, dịch vụ chịu ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 được chi trả hỗ trợ theo NQ 68. Bên cạnh đó, Quảng Bình cũng đã tiến hành chi trả hỗ trợ cho gần 500 lao động tạm hoãn hợp đồng, nghỉ việc không hưởng lương; 44 hướng dẫn viên du lịch; giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho hơn 32 nghìn lao động…

Ngoài ra, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Quảng Bình cũng đã giải quyết các thủ tục cấp vốn cho 13 doanh nghiệp vay trả lương ngừng việc với 645 lượt lao động được hỗ trợ. Về lao động tự do, UBND tỉnh Quảng Bình cũng đã phê duyệt danh sách và kinh phí để hỗ trợ cho hơn 15.000 người. Mỗi lao động tự do tại Quảng Bình sẽ được hỗ trợ 1,5 triệu đồng.