1. Dòng sự kiện:
  2. Sửa luật Bảo hiểm xã hội

Bình Định:

Nông sản lên sàn thương mại điện tử, nông dân hưởng lợi

Doãn Công

(Dân trí) - Nông dân ở "thủ phủ" bưởi da xanh huyện Hoài Ân nói riêng và tỉnh Bình Định nói chung đang cảm thấy yên tâm bởi không phải lo đầu ra với không chỉ bưởi mà cả một số nông sản chủ lực khác.

Nông dân hết lo "buôn gánh bán bưng"

Sau gần 2 năm thành lập, Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp Thanh niên Hoài Ân đã tạo cú hích lớn cho người trồng bưởi da xanh ở huyện Hoài Ân và một số cây trồng khác. HTX đã liên kết, tiêu thụ trái cây với các cửa hàng thực phẩm sạch trong và ngoài tỉnh.

Nông sản lên sàn thương mại điện tử, nông dân hưởng lợi - 1

Các loại nông sản của nông dân tỉnh Bình Định sẽ bán nhanh hơn khi lên sàn thương mại điện tử (Ảnh: Doãn Công).

Trước đây, số hộ trồng bưởi da xanh ở Hoài Ân chỉ đếm trên đầu ngón tay và người trồng bưởi chủ yếu chơi cho vui. Tuy nhiên, vài năm gần đây, cây bưởi là cây trồng chủ lực của huyện trung du tỉnh Bình Định.

Hiện Hoài Ân đã hình thành các vùng chuyên canh cây ăn quả với diện tích hơn 1.600ha, tập trung tại các xã Ân Tường Tây, Ân Tường Đông, Ân Tín, Ân Mỹ, Ân Hảo Đông, Ân Hảo Tây và thị trấn Tăng Bạt Hổ

Ông Phạm Minh Trung (71 tuổi, xã Ân Đức, huyện Hoài Ân) phấn khởi: "Trước đây, tới vụ thu hoạch bưởi, bà con thường bị thương lái ép giá thấp, đã vậy họ còn chọn lựa quả to, đẹp mới mua. Nay HTX Thanh niên Hoài Ân thu mua sạch vườn không kể to nhỏ hay xấu đẹp, thậm chí bưởi loại 1 giá còn cao hơn 1-2 nghìn đồng/kg so với trước".

Nông sản lên sàn thương mại điện tử, nông dân hưởng lợi - 2

Nông dân Phạm Minh Trung cảm thấy yên tâm hơn khi có đơn vị thu mua, bao tiêu bưởi (Ảnh: Doãn Công).

Ông Trung cho biết thêm, ngoài thu mua hết bưởi cho bà con thoát cảnh "buôn gánh, bán bưng", thành viên HXT còn tư vấn cách chăm sóc bưởi sau thu hoạch sao cho tốt. Thậm chí, gia đình nào thiếu nhân công cắt tỉa cành, thành viên HTX sẽ hỗ trợ làm và tính theo công lao động phổ thông chứ không tính công của kỹ thuật.

Theo ông Trung, trồng bưởi không khó nhưng thời điểm cây đơm hoa kết trái thì rất tốn công. "Khi bưởi kết trái phải dùng túi nilon bọc từng trái để tránh ong vàng đốt thối, khi bưởi lớn lại phải tháo bọc nilon ra để cho da bưởi mướt và xanh. Bưởi được bọc bao nilon thì đảm bảo sạch không phun thuốc gì cả", ông Trung nói.

Vườn bưởi tươi tốt trên 100 gốc nhưng thực đang thu hoạch khoảng 70 cây, mỗi năm gia đình ông Huỳnh Văn Điềm (69 tuổi, thôn Gia Trị, xã Ân Đức) thu lãi khoảng 50 triệu đồng/năm.

Nông sản lên sàn thương mại điện tử, nông dân hưởng lợi - 3

Thành viên HTX còn hỗ trợ người dân cách chăm sóc bưởi sau khi thu hoạch (Ảnh: Doãn Công).

"Mảnh vườn này, trước đây, tôi trồng đủ thứ cây từ cà phê, xoài, chuối. Thế nhưng không cây nào cho hiệu quả như cây bưởi bây giờ. Thời điểm bưởi được giá 32.000-35.000 đồng/kg, có năm tôi thu trên 100 triệu đồng tiền lãi, ở quê thu nhập vậy là ổn rồi", ông Điềm cho hay.

Theo ông Điềm, trước đây, không ai quan tâm chăm sóc đến cây bưởi nên sản phẩm kém hiệu quả. Hiện nay, thông qua các lớp tập huấn về cách trồng và chăm bón, hiệu quả của bưởi tăng cao. Bên cạnh đó, không phải lo đầu ra nên nhiều hộ mạnh dạn đầu tư trồng bưởi với diện tích lớn.

Cầu nối tiêu thụ sản phẩm giúp nông dân

Theo anh Thái Thành Việt, thành viên HTX Nông nghiệp Thanh niên Hoài Ân, việc đưa trái cây của nông dân Hoài Ân lên sàn thương mại điện tử giúp bán sản phẩm nhanh hơn.

Nông sản lên sàn thương mại điện tử, nông dân hưởng lợi - 4

Thương hiệu bưởi Hoài Ân đã có chỗ đứng trên thị trường (Ảnh: Doãn Công).

"HTX đã ký hợp đồng cung ứng bưởi với Bưu điện tỉnh Bình Định. Bưu điện tỉnh cũng tập huấn các hộ trồng bưởi trên địa bàn huyện, hướng dẫn cho bà con cách đưa một số sản phẩm trái cây của địa phương lên sàn giao dịch điện tử", anh Việt nói.

Ngoài ra, HTX cũng kêu gọi một anh em trẻ trong huyện có các sản phẩm đặc trưng như bún bánh, gạo, chim trĩ làm cầu nối xuất bán sản phẩm cho bà con. HTX cũng đang làm đề án xin Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh hỗ trợ kinh phí để xây dựng kho bãi, thiết bị máy móc để đảm bảo thu mua, bảo quản nông sản trước khi xuất bán.

Nông sản lên sàn thương mại điện tử, nông dân hưởng lợi - 5

Ông Huỳnh Văn Điềm chiết bưởi, vừa để mở rộng diện tích trồng vừa để bán cây giống (Ảnh: Doãn Công).

Theo UBND huyện Hoài Ân, toàn huyện có 14 sản phẩm OCOP và 8 sản phẩm được đưa lên sàn thương mại điện tử. Hiện huyện này đang tập trung phát triển vùng cây ăn quả tập trung, quy mô lớn và áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất theo hướng VietGap, hữu cơ tiến tới sản phẩm hàng hóa chất lượng và cấp mã số vùng trồng.

Ông Võ Duy Tín, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Hoài Ân cho biết, ngành nông nghiệp huyện đang từng bước thống kê diện tích trồng trọt để tạo cơ sở dữ liệu quản lý. Đồng thời, khuyến khích nông dân đầu tư sản xuất nông nghiệp công nghệ cao sử dụng nhật ký điện tử.

"Tất cả những dữ liệu về mã số vùng trồng cũng như các dữ liệu về truy xuất nguồn gốc đối với các loại cây ăn quả chủ lực trên địa bàn đều được số hóa. Số hóa để quản lý, truy xuất; bảo vệ thương hiệu và nhãn hiệu của các loại nông sản trên địa bàn", ông Tín nói.

Nông sản lên sàn thương mại điện tử, nông dân hưởng lợi - 6

Hoài Ân đang hướng tới vùng chuyên canh cây ăn quả quy mô lớn nhất tỉnh Bình Định (Ảnh: Doãn Công).

Ông Trần Văn Phúc, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bình Định cho hay, từ đầu năm đến nay, ngành nông nghiệp đã triển khai hàng loạt giải pháp chuyển đổi số.

Cụ thể, về trồng trọt, đã triển khai thu thập thông tin truy xuất nguồn gốc bằng mã QR cho rau an toàn hợp chuẩn VietGAP nhãn hiệu "Lá lành" của HTX Phước Hiệp và HTX Thuận Nghĩa; sử dụng phần mềm trong quản lý dữ liệu về bảo vệ thực vật, quản lý dịch bệnh hại.

Sở cũng phối hợp với Sở Công Thương và Sở Thông tin và Truyền thông xây dựng kênh thông tin cho các sản phẩm được đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh; hỗ trợ đưa các sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử Postmart và Voso.