1. Dòng sự kiện:
  2. Sửa luật Bảo hiểm xã hội

Người lao động được hỗ trợ gì khi bị tai nạn lao động?

Tùng Nguyên

(Dân trí) - Tai nạn lao động là rủi ro không ai mong muốn nhưng người lao động luôn phải đối mặt trong quá trình làm việc. Nếu chẳng may xảy ra tai nạn lao động, người lao động sẽ được hỗ trợ nhiều chi phí.

Chế độ đối với người lao động (NLĐ) bị tai nạn lao động (TNLĐ) được quy định rất chặt chẽ trong Luật An toàn, vệ sinh lao động. Ngày 28/12/2021, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành Thông tư 28/2021/TT-BLĐTBXH (Thông tư 28) quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành các chế độ này.

Theo Điều 45 Luật An toàn, vệ sinh lao động, NLĐ tham gia bảo hiểm được hưởng chế độ TNLĐ khi bị tai nạn tại nơi làm việc và trong giờ làm việc; Tai nạn xảy ra ngoài nơi làm việc hoặc ngoài giờ làm việc khi NLĐ thực hiện công việc theo yêu cầu của phía người sử dụng lao động; Tai nạn xảy ra trên tuyến đường đi từ nơi ở đến nơi làm việc hoặc ngược lại trong khoảng thời gian và tuyến đường hợp lý. Ngoài ra, NLĐ phải bị suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên do bị tai nạn.

Sự hỗ trợ đầu tiên mà NLĐ bị TNLĐ được nhận là từ người sử dụng lao động. Theo Điều 38 Luật An toàn, vệ sinh lao động, người sử dụng lao động phải có trách nhiệm đối với NLĐ bị TNLĐ.

Cụ thể, người sử dụng lao động phải kịp thời sơ cứu, cấp cứu cho NLĐ bị TNLĐ; tạm ứng chi phí sơ cứu, cấp cứu và điều trị; thanh toán chi phí y tế từ khi sơ cứu, cấp cứu đến khi điều trị ổn định cho người bị TNLĐ.

Người sử dụng lao động vẫn phải trả đủ tiền lương cho NLĐ bị TNLĐ phải nghỉ việc trong thời gian điều trị, phục hồi chức năng lao động.

Người lao động được hỗ trợ gì khi bị tai nạn lao động? - 1

Nếu chẳng may bị TNLĐ, doanh nghiệp và bảo hiểm xã hội chịu trách nhiệm hỗ trợ NLĐ (Ảnh minh họa: Hữu Khoa).

Ngoài ra, theo Điều 3 Thông tư 28, người sử dụng lao động phải bồi thường cho NLĐ trong trường hợp NLĐ bị TNLĐ mà không hoàn toàn do lỗi của chính NLĐ này gây ra, tai nạn làm suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên hoặc bị chết.

Mức bồi thường ít nhất bằng 30 tháng tiền lương cho NLĐ bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên, hoặc cho thân nhân NLĐ bị chết.

Mức bồi thường ít nhất bằng 1,5 tháng tiền lương đối với NLĐ bị suy giảm khả năng lao động từ 5% đến 10%; nếu bị suy giảm khả năng lao động từ 11% đến 80% thì cứ tăng 1% sẽ được cộng thêm 0,4 tháng tiền lương.

Theo Điều 4 Thông tư 28, trong trường hợp nguyên nhân xảy ra TNLĐ hoàn toàn do lỗi của chính NLĐ gây ra và suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên, người sử dụng lao động phải trợ cấp TNLĐ cho NLĐ.

Mức trợ cấp ít nhất 12 tháng tiền lương cho NLĐ bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên, hoặc cho thân nhân NLĐ bị chết do TNLĐ.

Mức trợ cấp ít nhất bằng 0,6 tháng tiền lương đối với người bị suy giảm khả năng lao động từ 5% đến 10%; nếu bị suy giảm khả năng lao động từ 11% đến 80% thì cứ tăng 1% sẽ được cộng thêm 0,16 tháng tiền lương.

Tiền lương làm căn cứ thực hiện bồi thường, trợ cấp được tính bình quân của 6 tháng liền kề trước khi xảy ra TNLĐ. Nếu thời gian làm việc, học nghề, tập nghề, thử việc, tập sự không đủ 6 tháng thì tiền lương làm căn cứ thực hiện bồi thường, trợ cấp là tiền lương được tính bình quân của các tháng trước thời điểm xảy ra TNLĐ.

Ngoài phần bồi thường, trợ cấp từ người sử dụng lao động, NLĐ có tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc khi bị TNLĐ và đủ điều kiện sẽ được nhận trợ cấp TNLĐ quy định tại Luật An toàn, vệ sinh lao động.

Theo Điều 48 của luật này, NLĐ bị suy giảm khả năng lao động từ 5% đến 30% thì được hưởng trợ cấp một lần. Theo Điều 49,  NLĐ bị suy giảm khả năng lao động từ 31% trở lên thì được hưởng trợ cấp hằng tháng.

Thông tư 28 hướng dẫn rất chi tiết cách tính mức trợ cấp này, bạn đọc có thể tra cứu TẠI ĐÂY.