1. Dòng sự kiện:
  2. Sửa luật Bảo hiểm xã hội

Giảm thiểu nỗi đau của gần 4.500 trẻ mồ côi vì Covid-19

Hoàng Mạnh

(Dân trí) - Trưởng Ban Tuyên giáo TƯ Nguyễn Trọng Nghĩa khái quát, đại dịch khiến nhiều trẻ mắc, bị ảnh hưởng bởi Covid-19. Đặc biệt, nhiều em thành mồ côi, bị ảnh hưởng lâu dài do gia đình lâm vào đói nghèo...

Ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương nêu vấn đề đó tại hội thảo về công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em trước tác động của đại dịch Covid-19. Chương trình do Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Bộ LĐ-TB&XH, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc tại Việt Nam tổ chức sáng 13/5 tại Hà Nội.

Tình trạng xâm hại còn phức tạp

Phát biểu tại hội thảo, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đánh giá, trẻ em là nguồn hạnh phúc của mỗi gia đình, tương lai của dân tộc và là thế hệ kế tục sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Bên cạnh việc đánh giá các kết quả tích cực trong công tác trẻ em thời gian qua, ông Nguyễn Trọng Nghĩa đã thẳng thắn nêu ra nhiều tồn tại trong công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em. Đó là tình trạng tảo hôn, bạo lực gia đình gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng cho trẻ; tình trạng trẻ em bị xâm hại, đặc biệt là xâm hại tình dục và bạo hành vẫn diễn biến phức tạp ở nhiều địa bàn, gây bức xúc trong xã hội.

Giảm thiểu nỗi đau của gần 4.500 trẻ mồ côi vì Covid-19 - 1

Ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương (Ảnh: H.Q).

"Đặc biệt, đại dịch Covid-19 đã tác động tiêu cực, kéo dài đến kinh tế và đời sống xã hội, gây nguy hại đến sinh mạng, sức khỏe của nhân dân. Trong đó, trẻ em là nhóm đối tượng dễ bị tổn thương nhất, cần được bảo vệ", Trưởng Ban tuyên giáo nhận định.

Nhiều trẻ sơ sinh phải can thiệp sinh sớm trong điều kiện mẹ mang thai bị mắc Covid-19, có khả năng ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển thể lực và trí tuệ của trẻ em trong tương lai.

Covid-19 đã khiến trẻ em đã phải tạm dừng đến trường học do giãn cách xã hội kéo dài, học tập trực tuyến đã tác động lớn đến chất lượng học tập, tăng nguy cơ tỷ lệ bỏ học khi hết dịch, nhất là các em nhỏ, gia đình nghèo, ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số.

Trong điều kiện giãn cách xã hội do dịch Covid-19, trẻ em bị hạn chế vui chơi, giải trí, tham gia hoạt động xã hội, tương tác cộng đồng, nhưng lại làm tăng thời gian sử dụng internet và mạng xã hội, dễ bị bắt nạt, lợi dụng, xâm hại thông qua môi trường mạng xã hội.

Giảm thiểu nỗi đau của gần 4.500 trẻ mồ côi vì Covid-19 - 2

Toàn cảnh hội thảo (Ảnh: H.M).

Trước thực tế trên, Trưởng Ban tuyên giáo Trung ương yêu cầu tập trung làm rõ những khó khăn, hạn chế và thách thức của công tác trẻ em trong bối cảnh đại dịch Covid-19, qua đó xác định các nhiệm vụ, giải pháp để kịp thời tham mưu với Đảng, Nhà nước nhằm tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em trong thời gian tới.

"Ban Tuyên giáo Trung ương cần phối hợp chặt chẽ với Bộ LĐ-TB&XH và các cơ quan liên quan chắt lọc kết quả nghiên cứu, tham mưu, đề xuất với Đảng và Nhà nước các nhiệm vụ cụ thể, giải pháp phù hợp để thực hiện hiệu quả công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em, để trẻ em là người đầu tiên được hưởng thành quả phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là trẻ em thuộc gia đình nghèo, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số", ông Nguyễn Trọng Nghĩa đề nghị.

Nỗi đau của gần 4.500 trẻ mồ côi vì Covid-19

Cũng tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Bá Hoan đã chia sẻ nhiều thông tin về ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 tới toàn xã hội, đời sống của nhân dân, trong đó có phụ nữ và trẻ em.

"Thống kê của Bộ LĐ-TB&XH, đến nay, cả nước có gần 4.500 trẻ em mồ côi do Covid-19. Đại dịch còn tác động nhiều chiều đến trẻ em, đe dọa sự an toàn, tâm lý và sức khỏe thể chất và tâm thần, dinh dưỡng của trẻ; làm gián đoạn trong học tập và gia tăng sự bất bình đẳng trong tiếp cận nền giáo dục chất lượng; tác động đến chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ; hạn chế vui chơi, giải trí và tiếp xúc xã hội, giao tiếp bạn bè...".

Giảm thiểu nỗi đau của gần 4.500 trẻ mồ côi vì Covid-19 - 3

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Bá Hoan phát biểu tại Hội thảo (Ảnh: H.Q).

Trước bối cảnh đó, thực hiện các chính sách của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ LĐ-TB&XH đã phối hợp với các bộ, ngành, địa phương chủ động chỉ đạo và phối hợp triển khai nhiều giải pháp giảm thiểu tác động của đại dịch Covid-19 đến trẻ em, qua đó đạt được nhiều kết quả khả quan.

Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan cũng chia sẻ những giải pháp cụ thể nhằm khắc phục ảnh hưởng của dịch Covid-19 đối với trẻ em trong thời gian tới, như tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách bảo đảm thực hiện quyền trẻ em và giải quyết các vấn đề về trẻ em; triển khai thực hiện hiệu quả các Nghị quyết, Chương trình của Quốc hội và Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Chương trình phòng, chống dịch Covid-19 với các nội dung liên quan đến trẻ em.

"Đồng thời, đẩy mạnh các hoạt động truyền thông và công tác phối hợp liên ngành về thực hiện quyền trẻ em; tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra việc thực hiện các chính sách, pháp luật về quyền trẻ em và xử lý nghiêm hành vi vi phạm quyền trẻ em...", Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan cho biết.

Đồng quan điểm trên, bà Rana Flowers, Trưởng đại diện Unicef tại Việt Nam cho rằng, Covid-19 đã tác động không nhỏ tới nền kinh tế, trong đó có các nhóm dễ tổn thương, như phụ nữ, trẻ em và lao động phi chính thức.

Nhằm thúc đẩy hơn nữa công tác chăm sóc, bảo vệ và phát triển trẻ em, bà Rana Flowers mong muốn Chính phủ Việt Nam chú trọng vào đầu tư ở các lĩnh vực, như đầu tư vào lĩnh vực trợ giúp xã hội; đầu tư cho công tác bảo vệ trẻ em, đặc biệt là những người làm công tác xã hội; đầu tư cho giáo dục, đặc biệt là học tập kỹ thuật số; đầu tư thỏa đáng cho các can thiệp dinh dưỡng và đầu tư thích đáng vào nước sạch và vệ sinh công bằng, thích ứng với khí hậu.

Theo ông Nguyễn Xuân An Việt, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục chính trị và công tác học sinh, sinh viên, Bộ GD&ĐT, đại dịch Covid-19 khiến nhiều cơ sở mầm non phải đóng cửa, nhiều trường học phải kết thúc năm học muộn hơn kế hoạch, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 và 2021 bị ảnh hưởng. Việc giãn cách xã hội kéo dài do Covid-19 còn khiến cuộc sống của trẻ em mầm non, học sinh bị đảo lộn. Cảm giác tù túng khi phải ngồi ở nhà trong thời gian dài khiến trẻ em thiếu kỹ năng sống, biểu hiện tâm lý tiêu cực dẫn đến bi quan, bạo lực…